Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tỷ giá biến động khó lường – hệ quả nào cho doanh nghiệp?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong bối cảnh đô la Mỹ đang giảm giá trở lại trong hai tháng qua, không loại trừ khả năng kịch bản rủi ro tỷ giá sẽ đảo chiều trong thời gian tới. Ngoài ra, sự biến động khó lường của yen Nhật cũng cần được lưu ý.

Ngoài vay đô la Mỹ, một số doanh nghiệp cũng vay các loại ngoại tệ khác, và các ngoại tệ này thậm chí còn mất giá mạnh hơn tiền đồng đã góp phần giúp những doanh nghiệp này ghi nhận lãi từ tỷ giá. Ảnh: REUTERS

Những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá

Lợi nhuận của phần lớn doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã chứng kiến đà tăng trưởng tích cực trở lại trong nửa đầu năm 2024. Theo đó, 27,7% là mức tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường, tương ứng với giá trị hơn 124.000 tỉ đồng, con số này chỉ thấp hơn đỉnh lịch sử năm 2022 một chút. Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi vững chắc nhờ các chính sách hỗ trợ, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đang lấy lại “phong độ”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít doanh nghiệp chứng kiến kết quả kinh doanh suy giảm, mà một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến từ rủi ro tỷ giá, đặc biệt là những doanh nghiệp đang có nợ vay ngoại tệ chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu là đô la Mỹ. Cụ thể, với tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã tăng gần 5% trong nửa đầu năm, nhiều doanh nghiệp vay đô la Mỹ đã phải ghi nhận lỗ lớn từ tỷ giá.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BSC, tính đến ngày 30-6, Tập đoàn bất động sản Novaland (HOSE: NVL) với khoản vay đô la Mỹ quy đổi ra khoảng 17.927 tỉ đồng đã lỗ tỷ giá lên tới 834 tỉ đồng; Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HOSE: HVN) vay đô la Mỹ quy đổi ra 6.117 tỉ đồng, lỗ tỷ giá lên tới 1.224 tỉ đồng; Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) vay 8.002 tỉ đồng, lỗ 178 tỉ đồng; Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) vay 6.132 tỉ đồng, lỗ 146 tỉ đồng; CTCP Tập đoàn PC1 (HOSE: PC1) vay 3.862 tỉ đồng, lỗ 112 tỉ đồng; CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) vay 747 tỉ đồng, lỗ 229 tỉ đồng...

Nhưng cũng có những doanh nghiệp vẫn báo lãi nhờ tỷ giá. Có thể kể đến như CTCP FPT (HOSE: FPT) ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá 141 tỉ đồng, gấp 2,5 lần mức lãi này của cả năm 2023; Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) lãi 136 tỉ đồng; CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) lãi 49 tỉ đồng; CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) lãi 231 tỉ đồng; CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) lãi 73 tỉ đồng; CTCP Vicostone (HOSE: VCS) lãi 43 tỉ đồng...

Ngoài tác động từ đô la Mỹ, một điểm đáng chú ý khác là xu hướng của yen Nhật. Trước động thái nâng lãi suất của Nhật, đồng yen đang được hỗ trợ tăng giá khá mạnh, với cặp tỷ giá đô la Mỹ/yen Nhật đã tăng gần 12% từ đầu tháng 7 đến nay. Tương tự, yen Nhật cũng tăng giá gần 12% so với tiền đồng trong cùng khoảng thời gian.

Ngoài vay đô la Mỹ, một số doanh nghiệp cũng vay các loại ngoại tệ khác, và các ngoại tệ này thậm chí còn mất giá mạnh hơn tiền đồng đã góp phần giúp những doanh nghiệp này ghi nhận lãi từ tỷ giá. Đơn cử như trường hợp của FPT, với dư nợ vay bằng yen Nhật tính đến cuối quí 2-2024 vẫn còn 8,3 tỉ yen, giảm 3,4 tỉ yen so với cuối năm 2023. Trong khi đó, yen Nhật trong sáu tháng đầu năm nay đã giảm giá hơn 10,5% so với tiền đồng.

Ngoài ra, trong khi các doanh nghiệp vay đô la Mỹ sẽ gặp thiệt hại khi đô la Mỹ tăng, thì ngược lại những doanh nghiệp xuất khẩu có doanh thu bằng đô la Mỹ sẽ hưởng lợi. Khi đô la Mỹ tăng giá, các doanh nghiệp xuất khẩu bán hàng cho đối tác nước ngoài nhận về đô la Mỹ, quy đổi sang tiền đồng, doanh nghiệp sẽ thu được nhiều hơn. Đây cũng là nguyên nhân giúp FPT ghi nhận lãi từ chênh lệch tỷ giá lớn trong nửa đầu năm nay. Tương tự như vậy là các doanh nghiệp trong nhóm thủy sản, sắt thép, dầu khí vốn có hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ và nguồn thu lớn từ đô la Mỹ.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc đầu vào, sử dụng đô la Mỹ để thanh toán sẽ chịu tác động tiêu cực. Vì vậy, đối với nhóm dệt may, mặc dù thị trường xuất khẩu và khách hàng chính của đại đa phần các doanh nghiệp may mặc là từ Mỹ, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đều phải nhập nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài theo chỉ định của khách hàng nên nhìn chung tác động từ tỷ giá tăng lên kết quả kinh doanh không nhiều.

Kịch bản đảo chiều trong nửa cuối năm?

Trong bối cảnh đô la Mỹ đang giảm giá trở lại trong hai tháng qua, không loại trừ khả năng kịch bản trên sẽ đảo chiều trong thời gian tới. Tức những doanh nghiệp đang vay đô la Mỹ lớn có thể ghi nhận lãi từ chênh lệch tỷ giá trở lại trong kỳ kinh doanh sáu tháng cuối năm. Như Công ty Chứng khoán BSC nhận định, yếu tố chi phí lãi vay giảm sẽ tiếp tục là động lực hỗ trợ cho tăng trưởng kết quả kinh doanh trong quí 3 và quí 4-2024, với bối cảnh chi phí lỗ tỷ giá sẽ suy giảm trong điều kiện tỷ giá hạ nhiệt.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ như: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất; áp lực lạm phát trong nước dự báo hạ nhiệt từ nửa cuối quí 3; nguồn cung ngoại tệ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân vào Việt Nam tăng trưởng tích cực, thặng dư thương mại duy trì ở mức cao và lượng kiều hối đổ về trong giai đoạn quí 4 tới.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong tám tháng đầu năm 2024 ước đạt 14,15 tỉ đô la Mỹ, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của tám tháng trong năm năm qua. Ở hoạt động thương mại, tháng 8 sơ bộ xuất siêu kỷ lục 4,53 tỉ đô la Mỹ, giúp cán cân thương mại hàng hóa lũy kế tám tháng xuất siêu 19,07 tỉ đô la Mỹ.

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng sau khi tăng mạnh trong sáu tháng đầu năm nay, từ đầu tháng 7 đến nay đã giảm trở lại hơn 3%, trong bối cảnh đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đi xuống với kỳ vọng Fed sẽ sớm giảm lãi suất trở lại trong cuộc họp tháng 9 này, cũng như nhờ nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào hơn. Dù vậy, cũng có những nhận định cho rằng tỷ giá khó có thể giảm mạnh thêm từ mức này, mà khả năng sẽ xoay quanh vùng 25.000 đồng/đô la, khi cuối năm cũng là giai đoạn cao điểm cho hoạt động nhập khẩu.

Ngoài tác động từ đô la Mỹ, một điểm đáng chú ý khác là xu hướng của yen Nhật, vốn đã diễn biến tăng giảm khó lường từ đầu quí 3 đến nay. Trước động thái nâng lãi suất của Nhật, đồng yen đang được hỗ trợ tăng giá khá mạnh, với cặp tỷ giá đô la Mỹ/yen Nhật đã tăng gần 12% từ đầu tháng 7 đến nay. Tương tự, yen Nhật cũng tăng giá gần 12% so với tiền đồng trong cùng khoảng thời gian, khiến những doanh nghiệp đang có nợ vay lớn bằng yen Nhật phải lo ngại.

Đơn cử như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV), với khoản vay vốn hỗ trợ chính thức (ODA) bằng yen Nhật quy đổi lên đến 11.000 tỉ đồng, yen Nhật cứ tăng giá 1% so với tiền đồng thì sẽ dẫn đến khoản lỗ tỷ giá lên đến 110 tỉ đồng cho ACV. Trong quí 2-2024, ACV ghi nhận khoản lãi tỷ giá là 434 tỉ đồng từ khoản vay vốn ODA này khi yen Nhật mất giá mạnh, nhưng thành quả này có thể bị xóa nhòa trong nửa cuối năm nay nếu yen Nhật vẫn neo cao hoặc thậm chí tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có nguồn thu bằng yen Nhật sẽ lại hưởng lợi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới