(KTSG Online) - Trường hợp tỷ giá VND/Đô la Mỹ biến động trên 3% có thể tạo ra một nhịp điều chỉnh với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, theo các chuyên gia, yếu tố này khiến dòng vốn ngoại chuyển hướng sang các thị trường khác.
- Thị trường chứng khoán tăng chất để tránh việc nâng hạng rồi lại xuống
- Môi giới chứng khoán thời công nghệ: Thay đổi hay biến mất?
Vì sao tỷ giá biến động khác mọi năm?
Tỷ giá thường ổn định trong giai đoạn đầu năm nhờ kiều hối và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng năm nay, đô la Mỹ bất ngờ “nổi sóng” với mức tăng 1,76% trong gần ba tháng.
Theo đó, giá đô la Mỹ có xu hướng tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán với mức tăng 200 đồng, chạm mốc 24.600 đồng đổi 1 đô la trong vòng chưa đầy một tuần sau kỳ nghỉ Tết. Vài ngày sau đó, tỷ giá VND/Đô la Mỹ tiếp tục gia tăng, trong khoảng 24.800-24.850 đồng đổi một đô la Mỹ trên thị trường ngân hàng.
Tính tới cuối tháng 2-2023, giá trị quy đổi với một đô la tại ngân hàng cao hơn đầu năm khoảng 430 đồng, tương đương mức tăng 1,76%.
Trên thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ cũng nâng giá đô la lên hơn mốc 25.000 đồng trong tuần cuối tháng 2-2024.
Tới ngày 5-3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm VND/đô la được áp dụng trong ngày ở mức 24.012 đồng một đô la, tăng 8 đồng so với niêm yết trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.811 đồng một đô la, tỷ giá trần là 25.213 đồng một đô la.
Tại phần lớn các ngân hàng thương mại, tỷ giá tăng với biên độ khoảng 10-15 đồng một đô la và vẫn còn cách một khoảng khá “an toàn” với giới hạn tối đa được phép giao dịch. Còn tại thị trường chợ đen, tỷ giá cao hơn khá nhiều mức giá trần quy định tại NHNN.
Thei ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dữ liệu và công nghệ tài chính WiGroup, có ba nguyên nhân chính khiến tỷ giá biến động.
Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng mạnh trong bối cảnh cơ quan quản lý trong nước chậm trễ ban hành các quy định chính thức về quản lý thị trường vàng. Điều này đã kích hoạt tâm lý sợ bỏ lỡ (FOMO) và đẩy nhu cầu đầu cơ vàng tăng đột biến. Để đáp ứng nhu cầu này thì việc nhập khẩu vàng qua kênh chính thức và nhập lậu đều tăng cao, kéo theo nhu cầu về đô la Mỹ tăng mạnh, đặc biệt ở thị trường chợ đen.
“Điều này lý giải tại sao tỷ giá chợ đen biến động rất mạnh tới 3,93% tính từ đầu năm nhưng tỷ giá chính thức lại có sự bình ổn hơn nhiều và vẫn còn cách xa tỷ giá trần theo quy định”, ông Báu nói.
Thứ hai, tâm lý găm giữ đô la Mỹ xuất hiện khi nỗi sợ biến động mạnh tỷ giá giống năm 2022-2023 vẫn “bủa vây” các nhà đầu tư và kinh doanh xuất nhập khẩu.
“Chính sự găm giữ này cũng tác động nhất định đến cung cầu đô la Mỹ rên thị trường và tác động ngược lại vào tỷ giá thực”, ông Báu nhấn mạnh.
Thứ ba, chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam vẫn duy trì ở mức rất cao, bên cạnh những kỳ vọng về việc Fed sẽ sớm hạ lãi suất trong nửa đầu năm 2024 ngày càng suy yếu. Điều này tiếp tục gây những áp lực đến cán cân tài chính, nhưng áp lực này đã dịu hơn rất nhiều so với những đợt biến động tỷ giá trước đây, một phần vì yếu tố kỳ vọng và một phần do mùa vụ.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty chứng khoán VPBankS cho rằng, chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ duy trì trạng thái âm trong thời gian dài, với mức rất cao - khoảng 500 điểm cơ bản, là một trong những yếu tố khiến tỷ giá “nổi sóng”.
Ngoài ra, việc nhà đầu tư nước ngoài rút bớt vốn trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nửa cuối năm 2023 cũng là một nguyên nhân khiến nhu cầu đô la Mỹ trên thị trường căng thẳng hơn.
Với diễn biến đồng đô la Mỹ đang rất “nóng” trên thị trường chợ đen, ông Sơn cho rằng có một số tín hiệu cần theo dõi trong thời gian tới.
Thứ nhất, việc Fed có thể sẽ hạ lãi suất ở nửa cuối năm 2024 sẽ thu hẹp chênh lệch lãi suất âm giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam. Triển vọng yếu đi của đồng đô la Mỹ giúp giảm thiểu tâm lý găm giữ đô la, đặc biệt từ các doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu, qua đó hỗ trợ lớn cho dòng ngoại tệ đến từ thương mại.
Thứ hai, Chính phủ đã nhận định được vấn đề và có thể sớm sửa đổi quy định quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, để đảm bảo cung ứng vàng cho nhu cầu mua tiêu dùng, giảm bớt sự chênh lệch.
Thứ ba, xuất khẩu có xu hướng tăng tốc trở lại, thặng dư từ xuất khẩu đang duy trì ở mức tốt. Ngoài ra, vốn FDI vào Việt Nam đang tăng trưởng dương, kết hợp cùng dòng vốn kiều hối tạo ra những nguồn cung đô la Mỹ cho thị trường. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối Việt Nam trong giai đoạn hiện tại khá tốt.
“Các yếu tố này có thể giúp cho tỷ giá VND/đô la Mỹ tiếp tục giữ ổn định trong năm nay, dù có thể sẽ vẫn mất giá nhẹ”, ông Sơn nói.
Còn các chuyên gia của Công ty chứng khoán KB (KBSV) dự báo tỷ giá năm nay ước tăng 1,5%, tương ứng mức 24.600 đồng đổi một đô la do cán cân tổng thể dự báo tích cực hơn. Trong bối cảnh áp lực từ chênh lệch lãi suất âm giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam dù có giảm, nhưng vẫn duy trì trong suốt cả năm.
Thị trường chứng khoán chịu tác động ra sao?
Nói về tác động của tỷ giá với TTCK, ông Trần Hoàng Sơn cho biết khi tỷ giá tăng vọt lên mức rất cao những tháng cuối năm 2022, cũng đồng thời là giai đoạn TTCK Việt Nam ghi nhận lượng bán ra rất mạnh của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Với bối cảnh năm 2024, vị chuyên gia này cho biết tỷ giá các năm thường mất giá, nhưng ổn định ở dưới khoảng 2%. Nếu giữ ổn định ở mức này, nền kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ không chịu nhiều tác động. Thậm chí, có thể hỗ trợ phần nào cho hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá sâu như đồng KRW của Hàn Quốc, JPY của Nhật, THB của Thái Lan, Ringgit của Malaysia hay EUR.
Với trường hợp tỷ giá biến động trên 3%, nền kinh tế sẽ chịu tác động lớn khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp bất lợi hơn về chênh lệch tỷ giá. Thậm chí, có thể phải hạch toán lỗ do chênh lệch tỷ giá.
TTCK Việt Nam cũng chịu tác động khi dòng vốn ngoại đang giao dịch trên thị trường có thể dịch chuyển sang các thị trường khác.
“Nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút bớt vốn khỏi thị trường Việt Nam khi tỷ giá biến động mạnh”, ông Sơn dự báo.
Với triển vọng kênh đầu chứng khoán, nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm hiện tại vẫn chưa phải giai đoạn tiền rẻ, ngay cả khi mặt bằng lãi suất điều hành đang thấp hơn giai đoạn năm 2019.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc khá nhanh trong giai đoạn cuối năm 2023, nhưng mang nhiều tính kỹ thuật. Còn mặt bằng lãi suất điều hành hiện thấp hơn năm 2019, nhưng lãi suất cho vay thực tế chưa giảm tương ứng so với mặt bằng lãi suất huy động khi vẫn có độ “vênh" lớn.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận được vốn tín dụng giá rẻ chưa được tích cực như chu kỳ tiền rẻ trong giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Do vậy, việc điều hành lãi suất sẽ cần phải chờ đợi thêm những yếu tố khác như thời điểm hạ lãi suất của Fed, với mức hạ lãi suất cụ thể.
“Trước đây, thị trường từng kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất trong giai đoạn tháng 3-5, nhưng sau lại lùi sang nửa cuối năm. Với Việt Nam, chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ vẫn duy trì ở mức cao, việc hạ thêm lãi suất điều hành trong khi lãi suất đô la Mỹ chưa hạ sẽ gây áp lực lên tỷ giá”, ông Sơn nói và cho rằng lãi suất sẽ khó giảm thêm trong thời gian tới.
Tuy vậy, mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp vẫn là yếu tố tích cực để tạo sự xoay chuyển dòng vốn từ nơi hiệu quả thấp sang nơi hiệu quả cao hơn, như kênh đầu tư chứng khoán.
Một động lực lớn khác với thị trường chứng khoán là quyết tâm nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi của Chính phủ, qua đó tiêp thêm niềm tin cho nhà đầu tư.
Hạ tầng giao dịch mới cũng hỗ trợ hút dòng tiền vào thị trường. Trước đây, hệ thống hạ tầng giao dịch cũ từng xảy ra tắc nghẽn trong nhiều giai đoạn thị trường tăng “nóng”. Nhưng sự thay đổi hạ tầng giao dịch có thể giúp đảm bảo thông thoáng, nhà đầu tư giao dịch nhanh hơn, nhiều tổ chức có thể đặt lệnh giao dịch tự động.
Ngoài ra, trên nền hạ tầng mới sẽ có nhiều sản phẩm mới, rút ngắn thời gian giao dịch xuống từ T+2,5 xuống T+2.
Niềm tin quay trở lại, cùng với kỳ vọng hệ thống giao dịch KRX đi vào hoạt động và câu chuyện nâng hạng sẽ tác động tích cực đến thị trường trong nước nửa cuối 2023 và đầu năm 2024.