Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tỷ giá trung tâm lập đỉnh, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có động thái mạnh

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Biến động tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) leo thang và liên tục lập đỉnh khi các ngân hàng thương mại bán ra ngoại tệ trong tuần này. Diễn tiến này đã gây ảnh hưởng đáng kể tới doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc cân đối giữa tỷ giá và lãi suất là vấn đề nan giải đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tìm giải pháp khống chế hợp lý. Gần đây, đã có những tín hiệu cho thấy, NHNN bắt đầu chủ động can thiệp bằng các công cụ mạnh.

 Tỷ giá liên tiếp phá đỉnh

Cụ thể, tỷ giá trung tâm giữa VND và đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước công bố hôm 26-9 ở mức 24.084 đồng/đô la, tăng 8 đồng so với ngày trước đó. Đây là mức giá cao nhất của tỷ giá trung tâm từ trước đến nay. Tuy nhiên đà tăng của đồng bạc xanh vẫn chưa dừng lại và tiếp tục phá đỉnh trong ngày 27-9 với mức 24.088 VND/đô la, tăng 2 đồng so với hôm qua

Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với tỷ giá trần là 25.292 đồng/đô la và tỷ giá sàn là 22.883 đồng/đô la.

Tỷ giá mua tham khảo tuần này vẫn được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức 23.440 đồng/đô la. Còn tỷ giá bán tham khảo được điều chỉnh tăng lên mức 25.238 đồng/đô la. Cùng xu hướng, tỷ giá đô la/VND tại các ngân hàng thương mại cũng tăng cao. Giá đô la bán ra tại một số ngân hàng đã vượt mức 24.600 đồng/đô la.

Tương tự, giá đô la trên thị trường tự do cũng đi lên. Giá đô la tự do tuần này được giao dịch phổ biến quanh mức 24.350-24.450 đồng/đô la (mua vào - bán ra), tăng 30 đồng ở chiều mua vào và tăng 50 đồng ở chiều bán ra so với phiên liền trước.

Tuy vậy, giá bán đô la tại thị trường tự do vẫn đang thấp hơn giá bán tại các ngân hàng thương mại khoảng 150 đồng/đô la.

Tỷ giá VND/Đô la Mỹ liên tục leo thang trong thời gian qua. Ảnh minh họa: DNCC

Trên thị trường quốc tế, giá đô la đang có xu hướng tăng cao khi các nhà đầu tư tìm kiếm các lựa chọn an toàn hơn do e ngại các ngân hàng trung ương sẽ duy trì lãi suất cao để kiềm chế lạm phát. Đồng bạc xanh đang ở mức cao nhất trong vòng nửa năm qua.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % nữa trong tháng 11 thì tỷ giá có thể dao động trong khoảng 24.300 - 24.500 đồng/đô la trong những tháng cuối năm.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, tỷ giá “nổi sóng” thời gian gần đây không chỉ do đô la tăng giá trở lại trên thị trường quốc tế. Việc NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, ngược lại với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho tỷ giá VND/đô la.

NHNN bắt đầu mạnh tay khống chế

Tỷ giá diễn biến tăng nóng sẽ làm tăng nghĩa vụ nợ, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân. Đồng thời, yếu tố này làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và hàng tiêu dùng nhập khẩu, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát trong nước.

Rất nhiều các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, hoa quả đều đang gặp khó với biến động của đồng đô la Mỹ… Tỷ giá bị đẩy lên cao khiến các doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí để nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên liệu, từ đó khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm sút đáng kể.

Tuần qua, tại Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp ở Hà Nội Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, điều hành tỷ giá là bài toán rất khó. Lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng, về mặt kinh tế học là như vậy. Do đó, điều hành tỷ giá cần phải có sự hài hòa trên góc độ tổng thể nền kinh tế. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, tỷ lệ nhập khẩu/GDP gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước đang hút ròng tiền về bằng công cụ tín phiếu. Ảnh minh họa: DNCC

Sau nửa đầu năm khá ổn định, tỷ giá USD/VND đã có những biến động khá mạnh trong quý 3-2023. Sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam đã tạo áp lực lên tỷ giá những tháng gần đây.

Đầu năm đến nay, NHNN Việt Nam đã hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng từ 1,25 điểm % đến 1,5 điểm %. Cùng thời gian đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm %. Khi Fed bộc lộ quan điểm cứng rắn ưu tiên giữ lạm phát thấp sau cuộc họp mới đây, NHNN cũng cho mở lại kênh hút tiền qua kênh tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng.

Trong 4 phiên giao dịch gần nhất NHNN đã hút ròng gần 50.000 tỉ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu. Giới tài chính đánh giá đây là tín hiệu rất rõ ràng về việc NHNN sẵn sàng sử dụng các công cụ để điều tiết vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá.

Với việc đồng đô la tăng lên trong thời gian qua, các tổ chức tài chính nhận định, có nguyên do từ tình hình lạm phát tăng trong ngắn hạn. Dù vậy, triển vọng trung và dài hạn của đồng đô la vẫn là xu hướng giảm, đà tăng lãi suất liên tục từ năm 2022 đang dần đạt đỉnh, sau đó có thể đi ngang hoặc giảm. Chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng khi lạm phát dần hạ nhiệt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới