Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tỷ lệ nợ xấu công ty tài chính tăng lên 10% vì Covid-19

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc giao tiếp với khách hàng bị đứt gãy trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19 là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 6% lên mức 10% trong 9 tháng đầu năm.

Sáng ngày 29-10, tại sự kiện tổng kết 9 tháng đầu năm của nhóm các công ty tài chính thuộc Hiệp hội Ngân hàng, đại diện các bên cho biết dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là làn sóng dịch bệnh lần thứ tư đã đẩy các công ty này rơi vào cảnh khó khăn.

Số liệu tổng hợp cho thấy tổng dư nợ tín dụng bình quân khoảng 129.000 tỉ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020. Còn tỷ lệ nợ xấu bình quân khoảng 9-10%, tăng mạnh so với con số 6% vào cuối năm ngoái và dự kiến còn tiếp tục tăng lên vào cuối năm nay.

Công ty tài chính đối mặt với nợ xấu tăng mạnh vì tập trung chủ yếu vào khách hàng chịu thiệt hại nặng nề vì Covid-19. Ảnh chụp màn hình:V.D.

Chia sẻ tại sự kiện, các đại diện công ty tài chính cho rằng phân khúc khách hàng chủ yếu của hoạt động cho vay tiêu dùng đã chịu ảnh hưởng trực tiếp trong làn sóng dịch Covid-19 lần thư tư. Theo đó, người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương… là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.

Ngoài ra, trong thời gian giãn cách tại nhiều địa phương, các khách hàng là F1, F0 hoặc ở trong khu vực giãn cách nên không thể giao tiếp được với các công ty để làm các thủ tục theo quy định.

Không chỉ vậy, các điểm giao dịch cũng phải tạm thời đóng cửa, khiến việc giao tiếp với khách hàng gặp khó, ảnh hưởng doanh thu cũng như việc thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu. Do đó, không chỉ có nợ xấu tăng lên mà nhiều công ty tài chính hạn chế tăng trưởng tín dụng, thậm chí tăng trưởng âm.

Liên quan đến việc xử lý nợ xấu vì Covid-19 và hỗ trợ cơ cấu nợ, các công ty tài chính cũng phản ánh gặp khó khăn trong việc phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro, dự phòng bắt buộc (theo các Thông tư 01, 03 và mới đây là 14 của NHNN) là rất lớn và hiện đang được thực hiện thủ công, không có phần mềm phù hợp.

“Điều đó rất cực cho cán bộ và khó tránh khỏi việc xảy ra sai sót trong quá trình xác định nhóm nợ khách hàng”, báo cáo tổng kết có đoạn.

Mặt khác, một kiến nghị đưa ra là cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho các giao dịch điện tử có khả năng số hóa 100%. Hiện các công ty tài chính cạnh tranh với các hoạt động rầm rộ của các ứng dụng cho vay trực tuyến ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý trong mùa dịch, đồng thời cũng có tình trạng nhiều khách hàng hiểu nhầm các ứng dụng cho vay này là công ty tài chính hoạt động hợp pháp.

Bên cạnh đó, các đại diện các công ty tài chính cũng đề xuất phải có khung pháp lý riêng cho hoạt động cho vay tiêu dùng, tách biệt hẳn so với các ngân hàng thương mại ở nhiều tiêu chí hoạt động khác nhau.

Chẳng hạn, một đề xuất khác được nhắc nhiều là liên quan đến room tăng trưởng tín dụng, để chuẩn bị kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng hiện mức room tín dụng cấp cho các công ty tài chính quá thấp nên hạn chế khả năng tăng trưởng về quy mô. Con số hiện tại đánh đồng theo tỷ lệ phần trăm tăng trưởng như Ngân hàng thương mại được cho là không hợp lý (dư nợ khoảng 129.000 tỉ đồng trong khi dư nợ hệ thống ngân hàng là khoảng 10 triệu tỉ đồng).

Một vấn đề khác được nêu ra là sự hạn chế của mô hình hoạt động công ty tài chính so với nhiều đơn vị khác trong mùa dịch. Chẳng hạn các công ty tài chính không được kinh doanh giấy tờ có giá trong khi lượng vốn lại dư thừa (vì hạn chế cho vay do rủi ro).

Ghi nhận ý kiến tại sự kiện, đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết vụ cũng đang rà soát lại hoạt động cho vay tiêu dùng để bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành nếu có bất cập đến hoạt động, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với các hoạt động chuyển đổi số.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nợ xấu cho vay tiêu dùng 10% chắc chắn chưa phản ánh hết thực trạng tín dụng lĩnh vực này. Những khoản cơ cấu nợ cũng tiềm ẩn nợ xấu rất cao. Đây là giai đoạn mà các công ty tài chính phải biết/ cần phải trả giá bằng cách chia sẻ lợi nhuận và rủi ro cùng khách hàng. Đó là cách tốt nhất để gây dựng lại cơ đồ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới