(KTSG Online) – Hàng ngày, thành phố Hồng Kông vứt bỏ hàng ngàn tấn thực phẩm dư thừa. Để giải quyết tình trạng lãng phí này, nhiều ứng dụng “giải cứu” thực phẩm ra đời với sứ mệnh thu gom đồ ăn bán không hết hoặc thực phẩm sắp hết hạn của các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm, tiệm bánh để bán lại cho người có nhu cầu với giá rẻ.
- Các đội quân “giải cứu” thức ăn thừa ở Singapore
- Lãng phí thực phẩm – bài toán khó của phát triển bền vững tại Việt Nam
Mùa hè năm 2020, Carla Martinesi bỏ công việc tiếp thị để thực hiện ý tưởng về dịch vụ “giải cứu” thực phẩm bất chấp sự phản đối của mẹ cô.
Gần ba năm trôi qua, ứng dụng Chomp mà Martinesi thiết kế đã tận dụng được hàng ngàn suất thực phẩm dư thừa từ 125 nhà hàng, cửa hàng thực phẩm, tiệm bánh đối tác bao gồm những tên tuổi lớn như Slowood, Flash Coffee, Baked by Shangri-La, Levain Bakery và The Baker & The Bottleman.
Khi thực phẩm bán không hết, các đối tác này sẽ đăng thông tin lên ứng dụng Chomp để bán với giá cực rẻ. Người dùng của Chomp sẽ thanh toán qua ứng dụng và đến đến nơi để nhận thực phẩm. Chomp nhận hoa hồng trên mỗi giao dịch.
Trung bình, giá bán thực phẩm dư thừa này sẽ rẻ hơn một nửa so với giá bán lẻ. Thực phẩm thường được đựng trong các hộp bí ẩn, với các món ăn khác nhau tùy vào số lượng dư thừa hàng ngày.
Ứng dụng Chomp của Martinesi là một trong gần 70 chương trình “giải cứu” thực phẩm dư thừa ở Hồng Kông, với một số hoạt động từ đầu thập niên 2000. Khoảng 1,3 triệu tấn thực phẩm dư thừa bị vứt bỏ vào năm 2021, theo thống kê mới nhất của Cục Bảo vệ môi trường Hồng Kông. Tuy nhiên, tỷ lệ tận dụng thực phẩm dư thừa của Hồng Kông chỉ là 4%.
Đối với Martinesi, đại dịch Covid-19 là bàn đạp cho ứng dụng Chomp. Cô đã chứng kiến các chủ nhà hàng khốn đốn do ế khách trong thời kỳ cao điểm của các biện pháp giãn cách xã hội ở Hồng Kông khi chính quyền chỉ cho phép đặt bàn cho hai người và phải đóng cửa lúc 6 giờ chiều.
“Với những hạn chế như vậy, nhiều nhà hàng đã dừng kinh doanh chỉ vòng một tuần. Họ đã mua rất nhiều thực phẩm nhưng buộc phải vứt bỏ vào thùng rác. Vì vậy, chúng tôi đã thiết kế ứng dụng Chomp để hỗ trợ các nhà hàng này”, Martinesi nói.
Theo Anne-Claire Béraud, Giám đốc chi nhánh Hồng Kông của Yindii, một ứng dụng của Thái Lan, thách thức lớn của vấn đề thực phẩm dư thừa là các tổ chức từ thiện không phải lúc nào cũng sẵn sàng nhận những thực phẩm này. Nhiều tổ chức từ thiện chỉ tiếp nhận 1-2 lần một tuần hoặc một tháng. Tương tự như Chomp, ứng dụng Yindii cũng yêu cầu các đối tác nhà hàng giảm giá 50% cho thực phẩm dư thừa.
Eric Lam Cheuk-kin, Giám đốc tiếp thị khu vực châu Á của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Pret a Manger, đối tác của Yindii từ năm 2021, cho biết 27 cửa hàng của công ty ở Hồng Kông chủ yếu bán súp và đồ ăn nóng. Đây là những món ăn mà các tổ chức từ thiện không muốn nhận do không thể bảo quản lâu, dẫn đến dễ hư hỏng.
Ông cho biết, từ góc độ thương mại, ứng dụng Yindii đã giúp Pret a Manger thu hồi một phần chi phí. Uớc tính, Pret a Manger đã bán khoảng 10.000 suất thực phẩm giảm giá thông qua ứng dụng Yindii.
Trong khi đó, ứng dụng Breadline huy động tình nguyện viên nhận bánh mì dư thừa từ 144 các tiệm bánh, nhà hàng và cửa hàng tiện lợi trên khắp Hồng Kông theo định kỳ hai tuần mỗi lần để cung cấp cho các tổ chức từ thiện. Mỗi ngày, thành phố Hong Kong vứt bỏ khoảng 3.600 tấn thực phẩm với một phần lớn là bánh mì.
Breer, một công ty khởi nghiệp do 4 sinh viên tại Đại học Khoa học và công nghệ Hồng Kông sáng lập vào năm 2020, đưa sứ mệnh “giải cứu” bánh mì lên một tầm cao mới.
Breer thu gom bánh mì dư thừa từ một số tiệm bánh và các cửa hàng chuỗi nhà hàng của Maxim Group để sản xuất bia, bao gồm cả loại bia hương dứa được nhiều người yêu thích, có tên gọi Bolo Bao IPA. Bánh mì được cắt thành từng miếng nhỏ và cho vào nước nóng để chiết xuất thành phần lúa mạch rồi đó sau đó được trộn với hoa bia (tạo vị đắng) và lên men để làm bia.
Mỗi chai Bolo Bao IPA có mã QR riêng để người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh quét vào và nhận được thông tin lượng nước tiết kiệm trong quá trình sản xuất và tiệm bánh nơi bánh mì được thu thập.
Đến nay, Breer đã tiết kiệm được 15 tấn bánh mì có thể bị vứt bỏ và ủ được khoảng 12.000 lít bia và bán ở 100 nhà hàng của Maxim Group cũng như các quán bia và các kênh thương mại điện tử.
Theo SCMP