Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ứng phó biến đổi khí hậu cần hành động nhanh hơn nữa

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhắc đến bối cảnh cả nước đang chung tay khắc phục hậu quả bão số 3 cũng như thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cần hành động nhanh hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo COP26. Ảnh: TTXVN

Sáng nay (ngày 2-10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26) chủ trì phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo, TTXVN đưa tin.

Tại đây, Thủ tướng yêu cầu các thành viên đánh giá tình hình thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, đặc biệt là kết quả thực hiện những nhiệm vụ đề ra tại phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo, kết quả thực hiện JETP (Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng) và AZEC (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á)…

Cùng với đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, các bên đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 hiệu quả hơn, đặc biệt là cho ý kiến về việc sửa đổi khung pháp lý tạo thuận lợi cho đầu tư từ doanh nghiệp, quốc tế vào chuyển đổi năng lượng.

Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang chung tay khắc phục hậu quả số 3, Thủ tướng thông tin, biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp. Do đó, việc chống biến đổi khí hậu cần được hành động nhanh hơn nữa, trong đó có việc thực hiện cam kết về giảm phát thải.

Theo Ban Chỉ đạo, từ sau phiên họp lần thứ 4 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Chẳng hạn, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua quy hoạch không gian biển quốc gia; ban hành nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và khung giá điện, cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà... nhằm phát triển hơn nữa năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong trung và dài hạn.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII; Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL…

Để triển khai cam kết tại COP26, các tổ chức ngân hàng trong nước và quốc tế tại Việt Nam đã thực hiện nhiều dịch vụ, sản phẩm cùng với các gói tín dụng xanh, cho vay xanh phục vụ chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng công bằng. Các tập đoàn nhà nước đã nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng mới, thực hiện chuyển đổi xanh; đẩy mạnh chuyển đổi số.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố tiếp tục tiến hành các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, từng bước thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Một số địa phương đã phát triển rộng rãi hệ thống tuyến xe buýt điện, mạng lưới xe đạp công cộng; xúc tiến tham gia các chương trình, dự án trao đổi kết quả giảm phát thải carbon rừng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới