Thứ Năm, 18/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ứng phó biến đổi khí hậu gắn liền với sinh kế người dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ứng phó biến đổi khí hậu gắn liền với sinh kế người dân

Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiều vùng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những giải pháp về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hay xen canh, giảm lúa vụ ba… Bài học kinh nghiệm là dù làm gì thì cũng phải có sự đồng thuận của người dân thì mới có thể thành công.

Ứng phó biến đổi khí hậu gắn liền với sinh kế người dân
Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nhận xét các tỉnh thành ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp ứng phó BĐKH tương tự như các nhà phát triển quốc tế đề cập. Đây là một sự chuyển biến tốt. Ảnh: Bà Kwakwa trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn ĐBSCL 2016 diễn ra hôm nay, 27-6. Ảnh: Minh Tâm

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, chia sẻ ông rất tâm đắc với lưu ý của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong phần phát biểu tại phiên buổi sáng của ngày đầu tiên Diễn đàn ĐBSCL năm 2016. Đó là, phát triển, thích ứng với BĐKH nhưng phải có sự đồng thuận của người dân, thống nhất của cộng đồng thì người dân mới chấp nhận theo các quy hoạch định hướng của Nhà nước.

Với An Giang, tỉnh chịu nhiều tác động của BĐKH, chính quyền tỉnh này đã có những định hướng, giải pháp cho ba vùng chịu các ảnh hưởng, từ vùng chịu lũ, chịu khô hạn đến vùng bị xâm nhập mặn. Nhưng, quan trọng nhất là làm sao giúp người dân nằm trong vùng nông nghiệp chuyển đổi phải có thu nhập bằng và cao hơn trước khi chuyển đổi. 

Trong vùng chịu lũ, bắt buộc người dân không được sản xuất ba vụ lúa. Như vậy, nghĩa là ngay lập tức người dân bị thiệt hại. Giải pháp của An Giang là chuyển sang một vụ lúa đông xuân và nuôi tôm (tạo thu nhập gấp 3 lần lúa). Hoặc có vùng thì chuyển vụ lúa 100 ngày sang hai vụ cây màu ngắn ngày là bắp non (mỗi vụ 40 ngày) với thu nhập cao hơn lúa (vùng Chợ Mới).

Vấn đề quan trọng, theo ông Thư, là Nhà nước phải đảm bảo đầu ra, thị trường cho các sản phẩm cây trồng, vật nuôi cũng như đảm bảo các điều kiện hạ tầng, kỹ thuật phù hợp, chẳng hạn như hệ thống thủy lợi phải thỏa mãn khi chuyển sang trồng màu.

Điều quan trọng là phải cởi trói cho dân, bớt hạn chế cấm đoán, tăng giá trị gia tăng, bớt tài nguyên, tăng chất xám, tăng đổi mới công nghệ… Những thay đổi không chỉ về mô hình canh tác mà còn là thiết kế xây dựng đồng ruộng, thiết kế thủy lợi, thể chế. Đây là những thay đổi gay go nhất cần phải làm.

Ông Nguyễn Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Minh Phú, chia sẻ, Minh Phú đã phát triển mô hình tôm sinh thái trên cơ sở khuyến khích người dân bảo vệ rừng. Giá tôm sản xuất ở những vùng rừng ngập mặn (có tối thiểu 50% diện tích là rừng) có giá bán cao hơn từ 5 – 10% so với tôm thông thường khi nhận được chứng nhận tôm sinh thái. Trong những năm qua, Minh Phú thực hiện khá thành công dự án này ở Cà Mau thông qua việc cung cấp vật tư, hướng dẫn quy trình sản xuất và thu mua sản phẩm cho người dân. Điều quan trọng là đã cải thiện cuộc sống và tăng thu nhập cho người dân dưới tán rừng ngập mặn. Tương lai, Minh Phú còn phát triển rộng ở nhiều vùng thuộc Cà Mau và nhiều tỉnh thành ĐBSCL khác.

Ông Jake Brunner thuộc tổ chức IUCN cho rằng, trong câu chuyện tạo sinh kế cho người dân ở vùng chuyển đổi do tác động của BĐKH, rất cần có sự tham gia của khối tư nhân. Bởi lẽ Chính phủ chỉ làm tốt một số hoạt động như nghiên cứu và thử nghiệm mô hình, không có đủ thời gian, công sức, kỹ năng và con người để nhân rộng những mô hình đó. Và câu chuyện còn là phải làm thương hiệu cho sản phẩm.

Ông Leo Sebastian, Viện Lúa quốc tế IRRI, thì cho rằng, chúng ta không phải cố trồng lúa nếu không còn đủ nước. Và thực ra tìm kiếm được một mô hình trồng lúa thích ứng với BĐKH không phải là câu hỏi dễ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể học đem những giống lúa ở các nước có điều kiện tương tự về gieo trồng hoặc tạo ra giống lúa mới có khả năng chống chịu mặn. Vấn đề dài hạn là tìm ra những giống lúa chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu cao cấp; chịu mặn, hạn để phù hợp với nhiều khu vực khác nhau.

Nhưng, theo ông Leo Sebastian, đây chỉ là một phần trong chương trình lớn hơn là phát triển bền vững và cộng đồng nông thôn thích ứng với BĐKH. Vì vậy, cần có lựa chọn và chuyển đổi nhanh trên cơ sở tăng cường các hoạt động quan trắc môi trường, dự báo ngập mặn hay hạn.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách nông nghiệp, đánh giá, năm 2016, thiên nhiên đã gióng lên hồi chuông báo động. Đầu năm, trận rét đã giết chết 12.000 gia súc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tiếp sau đó là hạn hán kéo dài ở dọc duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cùng với đó, ĐBSCL hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục 100 năm. Cùng với đó là những sức ép từ bên trong như sản xuất nhỏ, manh mún… Tất cả buộc ĐBSCL phải thay đổi bởi đây là vấn đề sống còn.

Vấn đề là tái cơ cấu như thế nào? Một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang đã có những mô hình tốt. Điều quan trọng là phải cởi trói cho dân, bớt hạn chế cấm đoán, tăng giá trị gia tăng, bớt tài nguyên, tăng chất xám, tăng đổi mới công nghệ… Những thay đổi không chỉ về mô hình canh tác mà còn là thiết kế xây dựng đồng ruộng, thiết kế thủy lợi, thể chế. Đây là những thay đổi gay go nhất cần phải làm.

Xem thêm:

Cấp bách tìm giải pháp tăng chống chịu cho ĐBSCL

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới