Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ứng phó hỗn loạn, các ngân hàng trung ương tăng cường dòng chảy đô la

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cùng một số ngân hàng trung ương lớn khác vừa công bố nỗ lực phối hợp để thúc đẩy dòng đô la Mỹ chảy qua hệ thống tài chính toàn cầu với mục đích duy trì dòng tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Fed và ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản, Thụy Sĩ, châu Âu sẽ triển khai các hợp đồng hoán đổi tiền tệ hàng ngày, thay vì hàng tuần để bảo đảm duy trì dòng chảy đô la trên thị trường vốn toàn cầu. Ảnh: Getty

Trong tuyên bố chung đưa ra vào tối 19-3, Fed và ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản, Thụy Sĩ, châu Âu cho biết họ nhất trí hành động phối hợp nhằm tăng cường cung cấp thanh khoản đô la thông qua các hợp đồng hoán đổi tiền tệ.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 20-3 cho đến ít nhất là cuối tháng 4, Fed và các ngân hàng trung ương này sẽ thực hiện các giao dịch hoán đổi tiền tệ hàng ngày, thay vì hàng tuần.

Mục đích là ngăn chặn tình trạng hỗn loạn trên thị trường khi nhà đầu tư lo lắng và phản ứng trước cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và ngân hàng Signature Bank ở Mỹ cũng như thương vụ UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, thâu tóm Credit Suisse. Bất ổn trong lĩnh vực tài chính có thể dễ dàng biến chuyển theo chiều hướng tồi tệ hơn nếu giới đầu tư gặp khó khăn trong việc di chuyển tiền của họ, điều thường xảy ra do thiếu đô la trong những thời điểm căng thẳng. Tăng cường thanh khoản đô la thông qua hợp đồng hoán đổi tiền tệ có thể giúp giải tỏa áp lực đó.

Hợp đồng hoán đổi tiền tệ là thỏa thuận giữa hai ngân hàng trung ương để trao đổi tiền tệ. Chúng cho phép một ngân hàng trung ương này nhận ngoại tệ do một ngân hàng trung ương khác phát hành, rồi sau đó, phân phối lại cho các ngân hàng thương mại trong nước.

Ví dụ, các hợp đồng hoán đổi tiền tệ giữa Fed và ECB cho phép ECB nhận đô la Mỹ sau khi chuyển cho Fed một lượng euro có giá trị tương đương. Sau đó, ECB có thể phân phối số đô la đó cho các ngân hàng thương mại ở 20 nước sử dụng đồng euro.

Theo ECB, các hợp đồng hoán đổi như vậy là công cụ quan trọng để duy trì sự ổn định tài chính và ngăn chặn căng thẳng thị trường, có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 sau cú sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ, các thị trường vốn cạn kiệt thanh khoản vì tâm lý lo ngại rủi ro. Trong những tình huống căng thẳng như vậy, các ngân hàng ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) khó có thể tiếp cận được nguồn cung đô la Mỹ.

“Các hợp đồng hoán đổi tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng để giảm bớt căng thẳng trên thị trường vốn toàn cầu, từ đó giúp giảm thiểu tác động của căng thẳng đó đối với việc cung cấp tín dụng cho hộ gia đình và doanh nghiệp”, tuyên bố chung của Fed và các ngân hàng trung ương ở Canada, Anh, Nhật Bản, Thụy Sĩ, châu Âu, giải thích.

Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi chính quyền Thụy Sĩ dàn xếp thương vụ sáp nhập khẩn cấp giữa hai nhà băng lớn nhất nước Credit Suisse và UBS. Credit Suisse, một trong 30 ngân hàng quan trọng nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu, bị rút tiền ồ ạt vào tuần trước khi niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng sụp đổ.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo tình trạng hỗn loạn trên thị trường do các vụ sụp đổ ngân hàng ở Mỹ hồi đầu tháng này có thể khiến người dân và doanh nghiệp khó vay tiền hơn.

“Nếu các ngân hàng gặp căng thẳng, họ có thể ngần ngại cho vay.  Chúng ta có thể thấy tín dụng trở nên đắt đỏ hơn và ít có sẵn hơn”, bà Yellen nói tại cuộc điều trần trước Ủy ban Tài chính của thượng viện Mỹ.

Hôm 16-3, Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), nói với các phóng viên rằng tình trạng căng thẳng thị trường gia tăng liên tục có thể hạn chế hơn nữa các điều kiện tín dụng vốn đã thắt chặt để ứng phó tăng lãi suất.

Tuy nhiên, việc các ngân hàng trung ương lớn tăng cường hoán đổi tiền tệ cho thấy cơn bất ổn của ngành ngân hàng hiện nay đã trở nên nghiêm trọng như thế nào. Các ngân hàng trung ương thường tung ra những chương trình như vậy để ứng phó các vấn đề nghiêm trọng như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hoặc cuộc khủng hoảng thị trường năm 2020 do đại dịch Covid-19.

Hirofumi Suzuki, giám đốc chiến lược ngoại hối của ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corp. (Nhật Bản), ghi nhận các ngân hàng trung ương đã đúng khi hành động nhanh chóng trước khi thị trường châu Á mở cửa hôm 20-3. “Tuy nhiên, những hành động đó không thể xóa bỏ mọi lo ngại khỏi thị trường”, Suzuki nói.

Theo CNN, New York Times

2 BÌNH LUẬN

  1. Ngân hàng Trung ương/ Lòng tin của công chúng là một trong hai điều căn bản nhất, hệ thống tài chính toàn cầu cần phải lựa chọn. Nếu chỉ mãi dựa dẫm vào máy in tiền NHTW để giải cứu những ngân hàng thua lỗ, phá sản, thì đến một lúc nào đó cũng lâm vào tình thế “Lòng mẹ bao la, sức mẹ có hạn”. Chưa kể, NHTW càng tung tiền ra lưu thông thì kinh tế thế giới lại càng lâm vào nguy cơ lạm phát nghiêm trọng. Suy ra, chỉ có khôi phục và củng cố lòng tin là việc cần làm ngay và luôn!

  2. Karl Marx, đã từng cảnh báo: Khi lợi nhuận 300%, nhà tư bản sẵn sàng bước đến… giá treo cổ. Chiến lược kinh doanh liều lĩnh, chạy đua tối đa hóa lợi nhuận, bỏ qua giám sát rủi ro… đã đẩy hệ thống tài chính ngân hàng toàn cầu vào tình thế vô cùng bất an. Cần thiết phải hành động ngay, suy nghĩ nghiêm túc, có trách nhiệm, từ cấp cao nhất, cho đến những người đang có nhiệm vụ gìn giữ tài sản và niềm tin của xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới