Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ứng phó sạt lở: cần dùng công nghệ, không thể trông chờ may rủi

Mục Đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu, để tránh lặp lại bài học đau lòng như thôn Làng Nủ, cần tăng cường thiết bị công nghệ, đặc biệt là của quân đội vào công tác quan sát, phát hiện sớm nguy cơ sạt lở, lũ quét để sơ tán dân kịp thời.

Nếu các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét được phát hiện sớm hơn thì việc sơ tán người dân đến nơi an toàn sẽ kịp thời hơn, tránh được những tai nạn thảm khốc như ở thôn Làng Nủ khiến hàng chục người bị vùi lấp. Điều này được chứng minh qua hai vụ hàng trăm người thoát hiểm nhờ sơ tán kịp thời tại thôn Kho Vàng và trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý.

Do hoàn lưu bão số 3 Yagi gây mưa lớn kéo dài, ba vụ sạt lở kinh hoàng đã xảy ra trong vài tuần qua, trong đó có một vụ để lại hậu quả rất thảm khốc. Ngày 10-9-2024, một vạt đất từ đỉnh núi Con Voi đã tràn xuống vùi lấp cả thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) khiến 55 người thiệt mạng và còn khoảng mười người vẫn còn mất tích.

Trước đó, đêm 9-9, một vụ sạt lở đồi đã chôn vùi mấy chục nhà dân ở thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). May mắn là sáng hôm đó, ông trưởng thôn Ma Seo Chứ đã đi kiểm tra, phát hiện dấu hiệu sạt lở và gấp rút tổ chức sơ tán. Hơn 100 người dân thôn Kho Vàng đã thoát chết nhờ kịp di chuyển lên đồi cao vào buổi chiều và chỉ vài giờ sau thì vụ sạt lở xảy ra trong buổi tối cùng ngày (1).

Cũng may mắn như thôn Kho Vàng, hơn 200 em học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) đã thoát chết trong gang tấc trong vụ sạt lở. Trưa 22-9-2024, cô giáo Bùi Thị Châm lo ngại khả năng sạt lở ở khu đồi phía sau khu ký túc xá nên đã đi kiểm tra. Thấy có dấu hiệu nguy hiểm vì đất đá rơi kèm bùn nhão chảy xuống, cô gọi toàn bộ học sinh khẩn cấp rời khỏi ký túc xá chạy về khu phòng học. Chỉ hơn 10 phút sau, hàng trăm mét khối đất đá từ ngọn đồi phía sau đổ ập vào khu ký túc xá (2).

Thế nhưng, trong ba vụ sạt lở nói trên, vụ ở thôn Làng Nủ, nguy cơ nằm ở xa thôn, không dễ tiếp cận quan sát bằng mắt thường để cảnh báo như hai vụ còn lại.

Ghi nhận của báo chí tại hiện trường Làng Nủ có một chi tiết quan trọng, đó là mô tả của một cán bộ địa phương cho biết, trên đỉnh núi Con Voi cao 100 mét có một "túi nước" lớn. Do "túi nước" này bị vỡ, nước và đất bùn đổ xuống thành lũ quét chôn vùi thôn Làng Nủ.

Nếu nguy cơ vỡ túi nước này được phát hiện sớm từ việc quay phim chụp ảnh trên không thì mấy chục người dân thôn Làng Nủ có thể đã được báo động sớm để sơ tán, thoát khỏi cái chết bị vùi lấp thảm khốc như vậy.

Dữ kiện này cho thấy, do không có biện pháp công nghệ theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ, việc thoát hiểm của người dân trong một số trường hợp sẽ phụ thuộc vào may rủi như ở thôn Kho Vàng và trường Trung Lý.

Với những “túi nước” hay vết nứt, lún đất dẫn đến lũ quét, sạt lở nằm ở trên đồi núi cao hàng trăm mét thì người dân khó mà tiếp cận để quan sát được mà phải có các phương tiện công nghệ hiện đại.

Hiện nay, có thể huy động ba cấp độ quan sát trên không để cảnh báo sớm sạt lở. Đầu tiên là trực thăng, kế đến là máy bay không người lái (UAV) và thuận tiện nhất là thiết bị bay dân sự (drone).

Trước đây công tác quan sát, quay phim và chụp ảnh trên không chỉ có một lựa chọn là trực thăng nhưng loại thiết bị bay này cần nhiều thủ tục điều động và chi phí hoạt động cao. Giờ đây, ngoài trực thăng đã có thêm UAV và drone. Tất nhiên, để có dữ liệu ảnh, video bao quát nhất để lập bản đồ địa hình và chở theo được nhiều thiết bị quan trắc thì trực thăng vẫn là lựa chọn không thể thay thế.

Từ cuối năm 2022, tại một cuộc triển lãm, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã giới thiệu một số mẫu máy bay không người lái (UAV). Nhà sản xuất cho biết, UAV đã được trang bị cho các đơn vị quân sự lẫn dân sự.

Trong các UAV này có loại bán kính hoạt động xa đến 50 km, có thể bay liên tục vài tiếng đồng hồ nhờ dùng động cơ đốt trong, trang bị hệ thống quay phim chụp ảnh và phần mềm điều khiển đa năng hơn nhiều so với drone dân sự.

Có thể nói UAV rất phù hợp với nhiệm vụ quan sát, quan trắc trên không và hiện nay quân đội đã được trang bị một số loại UAV có công năng phù hợp cho việc quan sát, cảnh báo thiên tai. Chi phí vận hành UAV không cao, thủ tục điều động cũng đơn giản hơn nhiều so với trực thăng quân đội. Thêm vào đó, một số đơn vị dân sự trang bị UAV vào mục đích quan trắc, đo đạc cũng có thể tham gia bay quan sát cảnh báo sạt lở đồi núi.

Tuy nhiên, drone dân sự vẫn là phương tiện dễ triển khai nhất trong tình huống khẩn cấp. Điểm hạn chế của drone là cần nguồn điện để sạc pin, tầm bay ngắn, hệ thống điều khiển và camera có những hạn chế nhất định. Mặc dù vậy, drone vẫn là phương tiện dễ tìm, dễ kêu gọi hỗ trợ nhất, kể cả trong điều kiện thiên tai đang xảy ra.

Mùa mưa bão còn kéo dài, các địa điểm có khả năng sạt lở vẫn còn rất nhiều. Vì vậy, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần huy động mọi nguồn lực dân sự lẫn quân sự để dùng thiết bị công nghệ cao như drone, UAV bay quan sát, phân tích hình ảnh. Dựa trên các dữ liệu này, chính quyền đưa ra cảnh báo sớm các nguy cơ sạt lở, lũ quét có thể xảy ra. Cũng từ đó mà tính luôn phương án sơ tán người dân, bao gồm kịch bản di chuyển, địa điểm tạm trú, phương án cung cấp thực phẩm, nước uống, lều bạt...

Việc có được những người như trưởng thôn Ma Seo Chứ hay cô giáo Bùi Thị Châm là may mắn nhưng không thể chỉ dựa vào khả năng phán đoán, dự báo của người dân tại chỗ trong ứng phó với thiên tai. Để hạn chế tối đa những vụ chôn vùi cả thôn như ở Làng Nủ thì công tác ứng phó sạt lở và lũ quét phải được làm tốt hơn, ứng dụng nhiều công nghệ hơn thì mới có thể phát hiện và cảnh báo sớm để kịp di dời, cứu mạng người dân.

--------------

(1) https://vietnamnet.vn/truong-ban-9x-lao-cai-dua-115-nguoi-dan-den-noi-o-moi-2322677.html

(2) https://tuoitre.vn/duoc-co-giao-goi-day-khi-ngu-trua-tranh-duoc-tham-hoa-sat-lo-dat-da-20240922234544549.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Giải pháp nào xem ra cũng có lý. Khác nhau ở chỗ, ứng phó trước mắt, hay xử lý lâu dài ? Chung sống với thiên tai là câu chuyện tất yếu, mang tính lịch sử và tự nhiên của đất nước ta. Đây chẳng phải là rủi ro đột xuất, bất ngờ, hoặc sớm nắng chiều mưa. Nhận thức đúng như vậy để thấy rằng muốn vượt qua thiên tai dịch họa chỉ có cách duy nhất là thấu hiểu rõ nguyên nhân và có giải pháp từ xa, từ gốc. Mọi chuyện dù sao vẫn chưa quá muộn, nếu không bắt đầu ngay từ bây giờ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới