Ứng xử hợp lý với quy tắc mới: cần phải như thế nào?
Trương Trọng Hiểu (*)
(KTSG) - Thống nhất mục tiêu sử dụng quy tắc pháp lý là tiền đề quan trọng để tìm kiếm sự đồng nhất trong lựa chọn giải pháp pháp lý hợp lý cho các tình huống mới, đặc thù. Tuy nhiên, những tranh luận về các quyết sách lẫn cách ứng xử trong lúc dầu sôi lửa bỏng của đại dịch Covid-19 đang bùng phát và lan rộng ở TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam chứng minh rằng đó là một đòi hỏi khó.
Lập chốt, hạn chế lưu thông... đã từng bị phản ứng. Nhưng rõ ràng, nếu không đặt ra những yêu cầu khắt khe thì mục tiêu “ngồi yên ở nhà” khó được đảm bảo. Ảnh: N.K |
Tôi xin được bắt đầu câu chuyện từ buổi tiệc cưới của hai bạn đồng nghiệp tại một nhà hàng trong thành phố ở quê mà tôi tham dự gần hai mươi năm trước. Sau những thủ tục ban đầu, buổi lễ tân hôn chuyển sang bước rót rượu lên tháp ly đã được chuẩn bị sẵn, rất đẹp. Chai champagne thứ hai đã được mở ra và cô dâu, chú rể tiếp tục công việc của mình. Bỗng... hình như lực rót rượu chai thứ hai khá mạnh nên tháp ly bị ngã... Mọi thứ sau đó cũng được xử lý, và buổi tiệc tiếp tục diễn ra. Nhưng có thể nói, gần hai mươi năm qua, đó là buổi tiệc cưới trầm lắng nhất mà tôi từng tham dự...
Chẳng thể phủ nhận rằng, đây là nghi thức gần như không thể thiếu trong các buổi tiệc cưới ở Việt Nam hiện giờ. Nhưng chắc chắn một điều, khác với những xứ sở sản sinh và quen dùng nghi thức đó, văn hóa “nhậu” ở xứ mình không mở ra nhiều cơ hội để các bạn trẻ va chạm với ly cao, rượu vang hay champage. Trong khi đó, những nghi ngại về rủi, may hay điềm lành, dữ vẫn chưa dễ để trở thành những nếp nghĩ cũ. Cho nên, với những nhóm người khác, sự cố có xảy ra cũng là chuyện bình thường. Nhưng với lớp người cả lo và hay nghĩ ngợi, sử dụng nghi thức là một cuộc đánh cược không hơn không kém.
Cũng may, những người bạn của tôi hiện vẫn đang rất hạnh phúc với gia đình nhỏ của họ. Nhưng ít nhất những giây phút bớt vui lúc đó gợi ra không ít nghĩ ngợi. Tại sao chúng ta phải tự làm khổ mình như vậy. Đã là việc dễ xảy ra rủi ro thì tại sao còn hào hứng đón nhận nó, rồi đến khi sự cố xảy ra chúng ta quay lại đổ lỗi cho nghi thức đó.
Suy cho cùng, dù với lý do này hay lý do khác thì mọi nghi thức và quy tắc trên đời đều do con người tạo ra, và để áp dụng cho những điều... chưa hề có trước. Yêu cầu luôn luôn đúng cho các quyết định tiên nghiệm (priori) là một đòi hỏi thái quá. Thậm chí, không phải bao giờ những trải nghiệm có sẵn cho các quyết định hậu nghiệm (posteriori) cũng đầy đủ. Hay nói cách khác, chân lý tuyệt đối là thứ không phải dễ gặp trong nhận thức của con người. Vậy nên, chẳng có gì là lạ nếu ai đó cho rằng có một hay vài quyết sách trong những ngày xảy ra dịch Covid-19 vô tiền khoáng hậu ở thời điểm hiện tại là sai trái hay thiếu phù hợp. Điều quan trọng là người có quyền quyết định lúc này “chọn” gì và liệu họ có sẵn sàng thay đổi lựa chọn hay không mà thôi.
Thậm chí, để có thể tìm kiếm giải pháp thay thế nhưng tránh tình trạng “sai đường” tương tự, người có quyền quyết định cần phải biết nghi vấn về các trải nghiệm đối nghịch. Liệu những nhận thức tiên nghiệm và hậu nghiệm cho một quy tắc mới đã đầy đủ và chắc chắn? Những lý thuyết và trải nghiệm về kinh tế, thị trường và hoạt động kinh doanh từ trước có còn thích nghi với điều kiện giãn cách của mùa dịch. Thậm chí, yêu cầu và mục tiêu chống dịch là gì, và các mong muốn của thị trường có tương thông với các mục tiêu phòng, dập hay giảm thiểu tổn thương khi đại dịch bùng phát hay không.
Chắc chắn, đồng xu hai mặt giống nhau chỉ có thể là ngụy tạo. Cho nên, đối diện và chấp nhận đánh đổi khi chọn mặt này hay mặt kia của đồng xu là điều hiển nhiên. Người có quyền quyết định vì vậy cần phải xác định rõ mục tiêu “chọn lấy” hay “chọn bỏ” trong các quyết định của mình.
Đương nhiên, đó là một lựa chọn khó, và đôi khi cần nhiều dũng khí. Thực tế, không phải tất thảy những người làm chính sách hoặc có quyền quyết định đều là vĩ nhân nên việc huy động nguồn lực tri thức của xã hội, ít ra là giới tinh hoa, là một phần quan trọng, thậm chí có tính quyết định đến những lựa chọn đúng đắn của chính sách. Trong những thời khắc dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến chống dịch Covid-19 căng thẳng từ đầu tháng 7, cuộc gặp gỡ của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên với nhiều chuyên gia dịch tễ là khoảnh khắc quan trọng để thành phố có thể đưa ra quyết định bảo toàn cao nhất có thể sinh mệnh của cư dân của thành phố. Nhiều lựa chọn thay đổi, điều chỉnh chính sách khác sau khi có sự lắng nghe cầu thị các ý kiến phản hồi cũng tạo ra những tác động tích cực cho cuộc hành trình vẫn còn nhiều cam go lẫn mất mát.
Dù vậy, có nhiều tình huống, một quy tắc có thể bị “chê” nhưng lại khó thay đổi. Hay để điều chỉnh hoặc thay đổi thì cần quá nhiều thời gian để có thêm trải nghiệm và nhận thức mới. Trong những hoàn cảnh như vậy, không còn lựa chọn nào khác là (tạm thời) chấp nhận và vận dụng sáng tạo quy tắc hiện thời. Lựa chọn đó cũng chính là sự trải nghiệm vô cùng quý giá đối với người thừa hành.
Trở lại với nghi thức của buổi lễ cưới, chẳng hề dễ chịu khi đối sánh tình huống rủi ro này với hoàn cảnh thành phố luôn đi giữa làn ranh trong chống dịch từ gần hai tháng trước. Nhưng ít ra, cả hai câu chuyện đều xảy ra trong những bối cảnh hết sức đặc biệt mà ở đó các quy tắc đặc thù đã kịp thời xuất hiện và được sắp đặt sẵn. Trên thực tế, để khắc phục rủi ro, các nhà hàng duy trì nghi thức rót rượu nói trên với một tháp ly được cố định bằng keo dính. Nhưng đổi lại, với các quy tắc pháp lý ở thời điểm nhạy cảm như bây giờ, việc “vận dụng linh hoạt” cũng ẩn chứa nhiều thách thức, và có thể sẽ tiếp tục gây không ít tranh cãi. Lập chốt, hạn chế lưu thông... đã từng bị phản ứng. Nhưng rõ ràng, nếu không đặt ra những yêu cầu khắt khe thì mục tiêu “ngồi yên ở nhà” khó được đảm bảo. Đương nhiên, khi lệnh cấm cư dân rời khỏi thành phố được thắt chặt, chính quyền thành phố và các địa phương cần phải tìm phương thức phù hợp để đảm bảo an sinh và an dân. Nhưng ít ra điều đó đã cho thấy, tranh cãi là có. Và cũng chính tình huống đó cho thấy, các quy tắc và vấn đề hiện tại cần được xử lý là gì. Hay nói cách khác, mục tiêu “chọn lấy” của thành phố và cả nước là ngăn chặn dòng di chuyển của dịch hay những thứ khác...
Cần phải hiểu rằng, tiếp cận quy tắc nhằm để xử lý tình huống và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả không đơn thuần chỉ sử dụng quy tắc để chỉ ra phải - trái, đúng - sai. Nếu điều này không được minh định thì hai chiến tuyến trong câu chuyện “bánh mì”, nhu yếu phẩm mùa dịch... hay buổi biểu diễn đảm bảo độ giãn cách của các nghệ sĩ và nhiều câu chuyện khác sẽ vẫn tiếp tục nóng bỏng.
Một nghiên cứu trước đây từng cho thấy luật gia và nhà hoạch định chính sách, chính trị gia hay nhà kinh tế học chính trị thường quan tâm cùng một vấn đề. Chỉ có điều, điểm khác biệt lớn nhất giữa họ chính là nhu cầu tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi luật pháp là gì hay câu hỏi luật pháp cần phải như thế nào. Rõ ràng, chỉ có câu trả lời thứ hai mới có thể chuyển tải đầy đủ thông tin mà một chính trị gia hay nhà làm luật muốn có. Trong khi đó, luật sư thì chỉ cần đến câu trả lời thứ nhất. Thậm chí, khi chủ nghĩa pháp lý hình thức được hình thành, giới luật sư càng quan tâm hơn việc tìm kiếm quy định, quy tắc mà không quan tâm nhiều đến những chuyện khác ở xung quanh.
May mắn là, tình trạng này cũng dần thay đổi và xã hội ngày càng bắt gặp nhiều hơn sự giao thoa giữa giới hành nghề luật và người xúc tiến các hoạt động kinh tế. Dần dà, nhà làm luật cũng bắt đầu sử dụng nhiều công cụ lý thuyết để hiểu rõ và nắm bắt thị trường chứ không chỉ nhằm để điều phối chúng một cách đơn thuần. Vậy nên, có thể nói, chẳng phải ngẫu nhiên mà các nhà kinh tế chính trị và luật gia cho đến giờ tiếp tục cùng mô tả thị trường theo một cách, ở cùng một tone giọng, và phụ thuộc nhiều vào hiện thực khách quan hơn là những tiên nghiệm riêng vốn dĩ đã có từ trước.
Cho nên, dù cũng cần phải được vạch rõ phải - trái, đúng - sai trước mỗi quy tắc pháp lý nhưng nhiều khi điều đó cũng không còn quan trọng bằng những lý giải “tại sao” và phải “như thế nào”. Muốn vậy, sự đồng nhất mục tiêu tiệm cận quy tắc cũng như sự thấu hiểu lẫn nhau giữa nhà hoạch định chính sách và người phân tích, vận dụng hay chịu sự tác động của quy tắc có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nhận thức, trải nghiệm và tạo lập những quy tắc mới có giá trị về sau.
Hơn lúc nào hết, tình cảnh nguy nan của đại dịch Covid-19 đã có thể nhắc lại cho chúng ta luân lý này. Thậm chí, ngay cả lúc đại nạn qua đi thì điều này vẫn rất cần thiết trước sự xuất hiện của mỗi một quy tắc hay quyết định mới.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM