(KTSG Online) - Nhà sáng lập thương hiệu thời trang nổi tiếng Uniqlo, Tập đoàn Fast Retailing, dự kiến công bố danh sách tất cả các đối tác nhà máy mà tập đoàn đang hợp tác vào tháng 3-2022, trong đó có hàng chục nhà máy ở Việt Nam .
Kế hoạch này của Fast Retailing nằm trong kế hoạch hành động để hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 được tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản này công bố vào ngày 7-12.
Dựa trên triết lý LifeWear, toàn bộ các hoạt động từ Fast Retailing sẽ tập trung thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới, đáp ứng đồng thời cả hai mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng kinh doanh.
Theo đó, Fast Retailing sẽ chú trọng quan tâm hơn đến môi trường trong tất cả các quy trình từ khâu sản xuất đến vận chuyển, phân phối hàng bán, cắt giảm tối đa lượng chất thải gây nên hiệu ứng nhà kính, qua đó hướng đến việc thiết lập một quy trình sản xuất ít tác động hơn đến môi trường.
Một điểm đáng chú ý trong mục tiêu phát triển bền vững được Fast Retailing nêu ra là tiếp tục thiết lập tính minh bạch các thành phần trong chuỗi cung ứng của mình. Theo đó, hãng sẽ tăng cường tính minh bạch và theo dõi nguồn gốc của nguyên liệu; xác định và bảo vệ các quyền con người, bảo đảm an toàn môi trường lao động và các vấn đề môi trường trong chuỗi cung ứng.
Kể từ năm 2017, Tập đoàn Fast Retailing đã công bố danh sách các đối tác nhà máy trọng điểm và từ năm 2018, danh sách này được mở rộng bao gồm cả các nhà máy sản xuất sợi vải chủ đạo. Và theo kế hoạch, đến tháng 3 năm 2022, tập đoàn dự kiến công bố danh sách tất cả các đối tác nhà máy mà tập đoàn đang hợp tác.
Tập đoàn bán lẻ này cho biết, bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2018, Uniqlo hiện là đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường Việt Nam và thế giới, qua đó đưa Việt Nam thành cơ sở sản xuất lớn thứ 2 của tập đoàn. Như vậy, với chiến lược minh bạch thì 45 nhà máy may mặc ở Việt Nam là đối tác của Uniqlo cũng sẽ được công bố.
Bên cạnh việc kiểm định chu trình tại các nhà máy đối tác, Tập đoàn còn hướng tới việc thiết lập khả năng truy xuất nguồn gốc trên toàn bộ chuỗi cung ứng, từ các nhà máy kéo sợi ở đầu chuỗi đến những cơ sở cung cấp nguyên liệu thô. Thông qua các chuyến thăm và kiểm định tại những cơ sở của Tập đoàn Fast Retailing, được thực hiện và chứng nhận bởi bên thứ ba, Tập đoàn sẽ nhìn nhận và khắc phục mọi vấn đề về quyền con người cũng như các vấn đề về môi trường lao động một cách nhanh chóng.
Vào tháng 7-2021, Tập đoàn đã thành lập một nhóm dự án toàn cầu gồm khoảng 100 nhân sự để bắt đầu triển khai các hoạt động này.
Theo ông Koji Yanai, Giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn Fast Retailing, cùng với các vấn đề môi trường, cũng như các vấn đề thuộc về phạm vi toàn cầu khác ngày càng tác động rõ rệt đến cuộc sống của con người, Fast Retailing đã và đang theo đuổi những hành động thiết thực để mang đến một góc nhìn hoàn toàn mới về trang phục, đồng thời nỗ lực với trách nhiệm đóng góp, xây dựng một xã hội bền vững hơn.
Fast Retailing cũng đưa ra mục tiêu và kế hoạch hành động cụ thể cho phát triển bền vững hướng đến năm 2030 bao gồm: giảm đến 90% lượng khí nhà kính trong năm tài chính 2030 (so với năm tài chính 2019) bằng việc giảm tiêu thụ điện tại các cửa hàng thông qua các sáng kiến tiết kiệm năng lượng, trong đó có biện pháp chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Đến tháng 8-2021, toàn bộ 64 cửa hàng Uniqlo từ chín thị trường ở châu Âu đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Fast Retailing cho biết đến cuối năm 2021, tất cả cửa hàng ở Bắc Mỹ và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sẽ hoàn thành quá trình chuyển đổi này.
Hiện tại, thương hiệu Uniqlo của Fast Retailing đã đưa vào hoạt động 9 cửa hàng tại TPHCM và Hà Nội sau gần 2 năm chính thức hoạt động ở Việt Nam. Theo đó, tất cả các cửa hàng Uniqlo tại Việt Nam cũng sẽ được chuyển đổi để hướng tới mục tiêu kể trên.
Fast Retailing cũng đặt mục tiêu giảm khoảng 40% lượng điện tiêu thụ tại các cửa hàng toạ lạc trên các con phố và khoảng 20% tại các cửa hàng trong các trung tâm thương mại.
Mục tiêu về phát triển sản phẩm Fast Retailing sẽ tăng tỷ trọng sử dụng chất liệu tái chế của các sản phẩm lên đến 50% trước năm tài chính 2030. Kể từ năm 2019, Uniqlo đã không ngừng giới thiệu và ứng dụng vào trong sản xuất nhiều chất liệu tái chế khác nhau. Dự kiến đến mùa xuân/hè năm 2022, khoảng 15% chất liệu polyester được sử dụng trong sản xuất quần áo có nguồn gốc từ chai PET tái chế...
Fast Retailing công bố kế hoạch phát triển nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy LifeWear, không chỉ dừng lại ở triết lý nhằm tạo ra những trang phục chú trọng đến chất lượng cao, thiết kế và giá cả hợp lý mà còn phải mang đến những giá trị bền vững trong sự tương quan với môi trường, hài hòa với sự phát triển của con người và xã hội. Từ đó, Tập đoàn Fast Retailing đã xây dựng kế hoạch hành động và mục tiêu phát triển cho năm 2030 trên nền tảng các giá trị cốt lõi của phát triển bền vững.
Uniqlo là một thương hiệu của Fast Retailing, công ty cổ phần bán lẻ hàng đầu Nhật Bản có trụ sở toàn cầu tại Nhật Bản. Uniqlo là thương hiệu lớn nhất trong sáu thương hiệu chính của Tập đoàn Fast Retailing. Các thương hiệu khác bao gồm GU, Theory, PLST (Plus T), Comptoir des Cotonniers, Princesse tam.tam, J Brand và Helmut Lang. Với doanh thu toàn cầu khoảng 2,13 nghìn tỉ yên trong năm tài chính 2021 tính đến ngày 31-8-2021, Fast Retailing là một trong những nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới, và Uniqlo là thương hiệu bán lẻ tiêu biểu hàng đầu của Nhật Bản.
Cần khảo sát lại tất cả các “chuỗi kinh doanh” tại VN, trước hết là may mặc, để biết ta đang sở hữu/ đặc quyền về những công đoạn chủ chốt nào ? Từ đó mới vạch ra một chiến lược xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Điểm yếu cố hữu của ta vẫn là duy trì mãi tình trạng phân tán và nhỏ lẻ về nguồn lực, thiếu cộng hợp để phát triển mạnh và bền vững. May mặc của ta cũng như ngành cà phê vậy, hoàn toàn làm chủ về sản phẩm nhưng chưa khi nào đủ khả năng làm chủ về thương hiệu.