(KTSG Online) – Không nằm ngoài dự đoán của thị trường, ước tính của các công ty chứng khoán mới đây cho biết lợi nhuận của một số ngân hàng trong quí 3 chững lại đáng kể, thậm chí giảm vì tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ tư.
Công ty chứng khoán SSI mới đây công bố bảng ước tính lợi nhuận quí 3 ở một số ngân hàng. Dù tốc độ tăng trưởng bình quân vẫn nằm trong khoảng 10-15%, nhưng hoạt động kinh doanh nhìn chung đã ghi nhận sự ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Chẳng hạn, ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng ACB trong quí 3-2021 khoảng 13-15% so với cùng kỳ. Còn tại Ngân hàng MB, tốc độ tăng trưởng ước vào khoảng 10-12%. Tại HDBank, con số tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ, ước đạt 1.700 tỉ đồng.
Ở một số ngân hàng quốc doanh như Vietinbank, tốc độ tăng trưởng gần như chậm lại đáng kể. Chẳng hạn như ước lợi nhuận trước thuế quí 3 của Veitibank đạt 3.000 tỉ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm thì lợi nhuận tăng 33,6%, chủ yếu nhờ mức lợi nhuận tốt trong quí 1.
Tại Vietcombank, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế gần như chững lại (tăng 0,3% so với cùng kỳ), đạt khoảng 5.000 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng ước đạt 18.600 tỉ đồng, vẫn duy trì mức tăng khá tốt 16,3% so với cùng kỳ.
Ở phía ngược lại, cũng có một số nhà băng ghi nhận sự giảm tốc đáng kể. Chẳng hạn như VIB, lợi nhuận trước thuế quí 3 ước đạt 1.300-1.400 tỉ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận vẫn tăng trưởng khoảng 36,6%.
Ở trường hợp VPBank, ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt khoảng 3.200 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ nhưng giảm 36% so với quí trước. Nguyên nhân vì trong quí 2 ngân hàng có khoản lãi từ kinh doanh trái phiếu chính phủ, tuy nhiên nếu loại trừ thì tăng trưởng lợi nhuận so với quí trước vẫn ở mức âm 12%.
Giãn cách xã hội tiếp tục là lý do khiến lợi nhuận quí 3 điều chỉnh mạnh. Theo SSI, ước tính tăng trưởng thu nhập lãi thuần của HDBank ước tính ở mức khá trong quí vừa qua, nhờ đà tăng trưởng tín dụng duy trì tốt, đạt khoảng 9,5% kể từ đầu năm đến cuối tháng 9, nhưng các thu nhập từ phí giảm đáng kể, đặc biệt là bancassurance giảm mạnh (40-50%).
Tương tự, thu nhập lãi thuần của VIB trong quí vừa qua bị ảnh hưởng tiêu cực do VIB tăng cường tái cơ cấu để hỗ trợ khách hàng. Theo kế hoạch tái cơ cấu nợ, thu nhập lãi của các khoản cho vay có liên quan không được ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh. Ngoài ra, mảng kinh doanh bancassurance, vốn thường chiếm 20% lợi nhuận trước thuế của VIB, cũng chịu áp lực trong thời gian dài giãn cách.
Nhiều điểm giao dịch ngân hàng cũng phải đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Ảnh: L.V.Một lý do khác khiến kết quả kinh doanh trong quí 3 của các ngân hàng chịu tác động tiêu cực bởi việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, và tăng chi phí tín dụng để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu cao hơn sau một thời gian dài giãn cách xã hội.
Ở trường hợp MB, ước tính thu nhập lãi thuần trong quí 3 chịu ảnh hưởng khoảng 550 tỉ đồng, tương ứng khoảng 8% lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm, vì gói hỗ trợ lãi suất. Tương tự, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của Vietinbank năm nay uớc giảm xuống còn 1,4%, nhưng sẽ bật mạnh 25,9% vào năm sau.
“Mặc dù dự phòng trái phiếu VAMC không còn tạo gánh nặng lớn đối với Vietinbank, chúng tôi cho rằng chi phí dự phòng vẫn tăng đáng kể trong năm 2021 do các khoản dư nợ cho vay chịu ảnh hưởng từ Covid-19 và tái cơ cấu theo Thông tư 14”, báo cáo của SSI nhận định.
Chi phí dự phòng vì các khoản nợ xấu tiềm tàng vì Covid-19 dự kiến còn tiếp tục tăng lên đáng kể. Chẳng hạn, SSI điều chỉnh dự báo lợi nhuận trước thuế của TPBank xuống 5.800 tỉ đồng vì chi phí dự phòng cao hơn dự báo trước dịch Covid-19, nhưng dù vậy thì tốc độ tăng vẫn ở mức 32,9%.
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, ước tính lợi nhuận ngân hàng trong quí 3 giảm 19% so với quí 2, vì tăng trưởng tín dụng thấp, chi phí dự phòng tăng.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong quí 3-2021 ước sẽ giảm 2% so với quí 2, chi phí trích lập dự phòng lại dự kiến tăng lên 20% so với quí trước, đặc biệt là ở các ngân hàng hiện có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (chi phí dự phòng rủi ro trên tổng dư nợ xấu- LLR) tương đối thấp.