Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ưu đãi thuế và tham vọng thu hút nhân lực công nghệ cao

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và các ngành công nghệ cao khác, cần có chính sách ưu tiên thu hút nhân lực chất lượng cao từ các quốc gia, bên cạnh việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển, xây dựng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bậc đại học và sau đại học, phòng thí nghiệm.

Công nghiệp bán dẫn thu hút đầu tư FDI. Ảnh minh hoạ

Ưu đãi thuế để thu hút nhân lực chất lượng cao

Ba tháng đầu năm 2024, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho thấy số vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 6,17 tỉ đô la Mỹ trong quí 1-2023, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỉ đô la, tăng 57,9%.

Còn số vốn giải ngân trong ba tháng đầu năm đạt 4,63 tỉ đô la, tăng 7,1% và là mức cao nhất trong vòng năm năm qua.

Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo và kinh doanh bất động sản… Việt Nam có xu hướng thu hút vốn vào lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn. Hiện các tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn như Intel, Samsung, Qualcom, Amkor… đều có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, chứng minh vai trò quan trọng của nước ta trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam hiện chủ yếu chỉ tham gia vào các công đoạn gia công thiết kế vi mạch (outsourcing) theo đơn đặt hàng nước ngoài hoặc láp ráp - kiểm định (back-end). Điều này dẫn tới tình trạng là số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều, nhưng đóng góp vào tổng giá trị toàn ngành rất khiêm tốn.

Để cải thiện thực trạng này, việc nâng cao năng lực nội sinh về công nghệ thông qua hoạt động đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn là yêu cầu bắt buộc.

Hiện Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trong đó Đà Nẵng chiếm tỷ lệ 7%, TPHCM chiếm 85%, Hà Nội chiếm 8%. Với  nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn khoảng 5.000-10.000 kỹ sư mỗi năm, con số trên đáp ứng chưa đến 20%.

Đa phần các trường đại học hiện nay chưa có một chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch/bán dẫn mà chủ yếu là trên cơ sở các ngành liên quan. Nguyên nhân do sự hạn chế về đội ngũ chuyên gia thiết kế vi mạch/bán dẫn đáp ứng tiêu chuẩn nhân sự và chi phí đầu tư vào hệ thống phần mềm, phòng thí nghiệm để đào tạo.

Ông Nguyễn Cương Hoàng, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn thuộc Tập đoàn Viettel cho biết, doanh nghiệp hiện có 50 kỹ sư vi mạch chất lượng cao. Những năm gần đây, doanh nghiệp đều đặt mục tiêu tuyển dụng 20-30 kỹ sư mỗi năm, nhưng thực tế mỗi năm chỉ tuyển được hơn 10 người.

"Để có số lượng kỹ sư chất lượng cao này, chúng tôi phải trải qua nhiều năm tuyển dụng. Nhưng nhìn chung tuyển dụng là tương đối khó, mỗi 10 hồ sơ thì chỉ tuyển được một, vì đặc thù trong lĩnh vực này yêu cầu rất cao", ông Hoàng nói tại một hội thảo về phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn vào tháng 4-2024.

Cũng theo ông Hoàng, trong số 50 kỹ sư chất lượng cao về vi mạch bán dẫn của Viettel, thì có 10 nhân sự từ nước ngoài trở về. Trong đó, nhiều nhân sự từng làm việc ở các công ty lớn.

“Họ làm ở công đoạn đòi hỏi trình độ rất cao. Còn với những kỹ sư được tuyển dụng trong nước thì thường làm ở các công việc yêu cầu thấp hơn. Để các kỹ sư được đào tạo ở Việt Nam làm được điều này đòi hỏi một quá trình dài”, ông Hoàng cho biết.

Để giải bài toán nhân sự, vị này cho rằng cần có cơ chế chính sách đột phá như chính sách ưu đãi về thuế, các cơ chế về hỗ trợ học phí, các ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo… Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nhằm tạo ra đột phá trong việc thu hút nhân tài và các chuyên gia nước ngoài về làm việc.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM cũng cho rằng, vấn đề lớn với lĩnh vực ngành bán dẫn chính là nguồn nhân lực. Do đó, cần có chính sách thu hút những kỹ sư trong ngành bao gồm cả người nước ngoài, người Việt đang làm việc ở nước ngoài trở về.

Vị này đề xuất miễn, giảm thuế TNCN để thu hút nhân lực cấp cao vào trong nước, gồm chuyên gia người Việt Nam và nước ngoài. Với TPHCM, có thể áp dụng chính sách miễn, giảm 50-100% thuế TNCN cho đối tượng này trong ít nhất 5 năm đầu.

Nhận thức được điều này, tại tờ trình Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ KHĐT đã đề xuất cho phép HĐND thành phố được quyết định miễn TNCN trong thời hạn 5 năm với tiền lương, tiền công chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân làm việc tại doanh nghiệp vi mạch bán dẫn và AI, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và AI Đà Nẵng, các tổ chức cùng lĩnh vực trên địa bàn.

Lý giải về đề xuất trên, Bộ KHĐT cho rằng nhiều chuyên gia trong các ngành công nghệ cao tại Việt Nam chưa nhận được bất kỳ ưu đãi nào từ Nhà nước, đặc biệt là ưu đãi về thuế TNCN.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực này trong 5 năm đầu hầu như không có lợi nhuận, hoạt động nhờ nguồn vốn từ các nhà đầu tư thiên thần và một số quỹ đầu tư ở giai đoạn hạt giống. Các sáng lập viên, đồng sáng lập thường ký hợp đồng với nhà đầu tư để nhận tiền và phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho các khoản thu nhập này.

Do đó, trong giai đoạn đầu phát triển, các cá nhân này rất cần chính sách hỗ trợ và ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân từ nhà nước để tạo nguồn lực họ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, tiếp cận nguồn vốn đầu tư và thị trường.

Đồng bộ hoá các chính sách để tăng cường sức hút

Để phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, TS Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) nhận định vấn đề mấu chốt là cơ quan quản lý có trọng dụng, đồng thời tạo ra được một môi trường làm việc thoải mái, đầy đủ để họ có thể tự do phát huy năng lực của mình hay không.

“Chính sách thu hút nhân tài không phải là chỉ liên quan đến mỗi thuế. Từ trước đến nay, các chuyên gia giỏi, các nhân tài đến làm việc tại Việt Nam đều sẵn sàng đóng thuế thu nhập cá nhân để đóng góp cho xã hội”, ông Thành phân tích.

Trung tâm bảo hành của công ty công nghệ Zebra (Mỹ) mới mở ở Việt Nam gần đây đã sử dụng hàng trăm nhân lực công nghệ Việt. Ảnh: Zebra

Cũng theo vị này, mức lương của các chuyên gia, đặc biệt chuyên gia trong những ngành công nghệ cao tại Việt Nam vốn ở mức cao. Những lao động này vẫn sẵn sàng đến và làm việc tại Việt Nam khi được nhận mức thu nhập tương xứng với công sức đã bỏ ra.

Chưa kể, mức thuế TNCN mà Việt Nam đang áp dụng không có quá nhiều chênh lệch so với các quốc gia khác và việc phải đóng thuế TNCN là điều hoàn toàn bình thường, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thực tế, bên cạnh giải pháp miễn thuế TNCN, Bộ KHĐT đã đề xuất loạt giải pháp để phát triển nhân lực bán dẫn tại Đà Nẵng như: chương trình hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo với mức hỗ trợ phù hợp và tuyển dụng; thu hút chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong cơ quan, đơn vị nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng về lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (trong đó xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn xác định chuyên gia, nhà khoa học được hưởng chính sách); áp dụng mức thu nhập đãi ngộ vượt trội đặc thù, hỗ trợ về nhà ở và các chế độ đãi ngộ vật chất và tinh thần khác như chính sách miễn, giảm visa, giấy phép lao động, thẻ tạm trú, bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Về chính sách thuế, bà Vũ Thu Hà, Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế thuộc Deloitte Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh mức thuế TNCN để thu hút lao động cần được cân nhắc kỹ càng, nhất là các ảnh hưởng với nguồn thu ngân sách.

Về giải pháp trước mắt, đại diện của Deloitte Việt Nam kiến nghị thay vì cắt giảm mức thuế suất thuế TNCN, cơ quan quản lý có thể cân nhắc thực hiện điều chỉnh thông qua mức khởi điểm thu nhập chịu thuế, cấu trúc các khoảng thu nhập hoặc các bậc thuế cho những nhóm thu nhập trung bình nhằm đảm bảo tính phù hợp và công bằng.

Dẫn chứng, bà Hà cho biết một số quốc gia như Singapore, Ấn Độ đã điều chỉnh các mức thuế suất và bậc thu nhập cho thuế TNCN nhằm thu hút lao động nước ngoài. Cụ thể, Singapore đã tăng mức thuế suất cao nhất từ 22% lên 24%, áp dụng từ năm 2024. Ngưỡng thu nhập chịu thuế là 1 triệu đô la Singapore mỗi năm, còn ngưỡng thu nhập của người phụ thuộc được điều chỉnh tăng từ 4.000 đô la Singapore lên 8.000 đô la Singapore. Việc này giúp mở rộng đối tượng được hưởng lợi ích thuế liên quan đến người phụ thuộc.

Ấn Độ cũng nâng thu nhập khởi điểm chịu thuế từ 250.000 Rupee lên 300.000 Rupee.  Đồng thời thêm hai bậc thuế mới cho nhóm có thu nhập trung bình, mở rộng cấu trúc thuế từ 4 lên 6 bậc, với khoảng cách thu nhập giữa các bậc được điều chỉnh.

“Để thu hút lao động có trình độ cao, không chỉ dựa vào chính sách thuế TNCN mà còn phải xem xét các yếu tố khác như môi trường pháp luật lao động, các chính sách ưu đãi của Chính phủ nếu có, chính sách an sinh xã hội và các chế độ đãi ngộ của từng đơn vị”, bà Hà đánh giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới