Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ưu tiên nhà ở xã hội

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có vẻ như phát triển nhà ở xã hội sẽ được lựa chọn là một liều thuốc quan trọng để khôi phục thị trường bất động sản thời gian tới.

Ngay sau hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn vào ngày 17-2 vừa qua, Chính phủ đã có dự thảo nghị quyết về vấn đề này. Trong đó có nội dung đáng chú ý là Chính phủ dự định trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách phát triển nhà ở xã hội.

Chủ trương ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đang được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình và người dân chắc chắn sẽ ủng hộ. Bởi lẽ, thị trường bất động sản hiện nay lệch pha cung - cầu nghiêm trọng: khan hiếm nhà ở xã hội, nhà ở bình dân và thừa thãi căn hộ trung - cao cấp.

Nếu thủ tục hành chính liên quan đến thiết lập, xây dựng dự án và mua, thuê mua nhà quá phức tạp, tốn nhiều thời gian thì mục tiêu có 1 triệu nhà ở xã hội vào năm 2030 khó thành hiện thực và giấc mơ an cư lạc nghiệp của người lao động mãi mãi xa vời.

Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2022, nguồn cung toàn thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm; trong đó phân khúc đất nền chiếm 44%, căn hộ cao cấp và trung cấp chiếm 52%, còn căn hộ bình dân chỉ có 4%.

Trong khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2022 chỉ khoảng 95,6 triệu đồng, thu nhập bình quân tháng của lao động là 6,7 triệu đồng/người thì chung cư ở Hà Nội hầu như trên 25 triệu đồng/mét vuông và TPHCM cũng ngày càng thưa thớt những căn chung cư dưới 30 triệu đồng/mét vuông.

Hướng trọng tâm vào nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền tức là “đánh trúng” nhu cầu thị trường. Ngoài khả năng thanh khoản cao, chủ trương này còn bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là cho công nhân - lực lượng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới. Về cơ chế, sẽ thực hiện giao đất không thu tiền sử dụng đất, chủ đầu tư được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn với chuyển quyền sử dụng đất; địa phương chịu trách nhiệm bố trí và đảm bảo quỹ đất. Việc chọn chủ đầu tư sẽ thông qua đấu thầu hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư nếu có quyền sử dụng đất phù hợp quy hoạch. Cùng với đó, chủ đầu tư được sử dụng diện tích sàn làm dịch vụ, thương mại, công cộng và hạch toán riêng, được hưởng toàn bộ lợi nhuận. Phương án giá do chủ đầu tư xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền song giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội sẽ được xác định đủ chi phí gồm bảo trì nhà ở, thu hồi vốn đầu tư xây dựng, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, lợi nhuận định mức và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước. Về nguồn lực, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng 110.000 tỉ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

Có thể thấy, các cơ chế, chính sách này nếu được thông qua sẽ giúp gỡ bỏ những khó khăn mang tính “nút thắt” trong phát triển các dự án nhà ở xã hội hiện nay gồm: thiếu vốn, chính sách chồng chéo, không phù hợp và thủ tục phức tạp, mất quá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, tư duy về nhà ở xã hội đã có sự thay đổi theo hướng thị trường hơn và khả thi hơn, thể hiện ở chỗ: giá bán, giá cho thuê sẽ được tính đúng, tính đủ so với trước; chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội thực chất hơn.

Vướng mắc pháp lý trong xây dựng nhà ở xã hội nằm ở nhiều văn bản, từ những quy định trong các thông tư của các bộ, nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, song cũng có những vướng mắc do quy định trong các luật khác nhau, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Để sửa đổi các quy định sao cho đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tế đòi hỏi mất nhiều thời gian. Việc Chính phủ dự kiến trình Quốc hội ban hành một Nghị quyết thí điểm các chính sách phát triển nhà ở xã hội sẽ giúp rút ngắn quá trình này. Mặc dù vậy, nhanh nhất cũng phải chờ đến kỳ họp vào tháng 5 tới của Quốc hội mới rõ tình hình!

Và điều không kém quan trọng là sau khi chính sách ban hành, các thủ tục hành chính kèm theo có đơn giản, gọn nhẹ và thuận tiện cho cả doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội và người mua hay không! Dù có nhiều chính sách ưu đãi, dù được vay vốn với lãi suất thấp hơn nhưng nếu thủ tục hành chính liên quan đến thiết lập, xây dựng dự án và mua, thuê mua nhà quá phức tạp, tốn nhiều thời gian thì mục tiêu có 1 triệu nhà ở xã hội vào năm 2030 khó thành hiện thực và giấc mơ an cư lạc nghiệp của người lao động mãi mãi xa vời. Kéo theo đó, hiệu lực, hiệu quả của liều thuốc này với thị trường bất động sản chắc chắn không được như kỳ vọng!

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhà ở xã hội, lâu nay như “con ghẻ”. Nay cần phải khôi phục lại vị thế đầy đủ, Không chỉ là “con ruột”, mà còn là “con cưng” nữa. Một đất nước 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, sẽ luôn luôn là một thị trường rộng lớn và hấp dẫn cho ngành xây dựng nhà ở làm ăn theo định hướng phát triển bền vững. Nhà ở xã hội, có thể thu nhập không lớn xét trên từng dự án/ căn hộ, nhưng dòng tiền và lợi nhuận cho cả vòng đời dự án lại lâu dài và ổn định. Chỉ cần có chính sách đồng bộ, hợp lý là thành công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới