(KTSG) - Tăng trưởng kinh tế hơn 7% trong năm 2024 là một thành tích ấn tượng nhưng thành quả đó không bao phủ hết mọi nhóm người trong xã hội. Chính vì thế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cần là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách trong năm mới 2025 và trong giai đoạn tới.
- IMF: AI làm bất bình đẳng giàu nghèo trầm trọng hơn
- Khoảng cách giàu nghèo nới rộng theo bong bóng bất động sản
Ở ngã tư gần cơ quan tôi, thỉnh thoảng lại xuất hiện một người phụ nữ bế theo đứa con nhỏ, bày bán hôm thì bắp, rau, hôm thì khoai, chuối... ngay dưới chân cột đèn giao thông. Chị tên Rơi, ngoài 30 tuổi, từ Lai Châu xuống. Chồng chị mất hai năm nay vì tai nạn lao động. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, lại không còn trụ cột trong nhà, chị để đứa con lớn ở lại với bà nội, mang theo đứa nhỏ xuống thành phố kiếm kế mưu sinh. Không chỉ nuôi mình và hai con, chị Rơi còn phải lo cho ông bà nội năm nay mới chớm tuổi 60 nhưng ốm yếu đủ bệnh.
Tôi thường mua rau, củ như một cách “ủng hộ” chị. Mỗi lần như vậy, tôi phải tự nhắc mình cầm theo tiền mặt, bởi chị không có tài khoản ngân hàng. Ở cái thời đến bà bán nước chè, anh đánh giày... cũng có mã QR thanh toán này, chị Rơi đúng là trường hợp đặc biệt. Nhưng, trên dải đất hình chữ S này, chắc chắn còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi!
Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1,9%, giảm trên 1%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%, giảm trên 3%. Sau gần bốn thập niên cải cách và mở cửa, “lõi nghèo” vẫn dồn vào vùng dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo đang thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin...
Sự chăm lo lâu dài hơn, ý nghĩa hơn và ở phạm vi rộng hơn sẽ không dừng lại ở những món quà Tết cho từng cá nhân, hộ gia đình. Các vấn đề chính sách liên quan đến an sinh xã hội, đến phát triển công bằng, bền vững và bao trùm, đến thu hẹp khoảng cách giàu nghèo... là những bài toán lớn mà Nhà nước phải giải quyết.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa chưa đồng bộ không chỉ tạo ra nhiều áp lực cho hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội mà còn làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Theo số liệu khảo sát mức sống dân cư năm 2022 được Tổng cục Thống kê công bố vào đầu tháng 4-2024, nhóm hộ gia đình giàu nhất (nhóm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân đầu người đạt 10,2 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm hộ nghèo nhất (nhóm 20% dân số nghèo nhất) có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1,35 triệu đồng/tháng, tức là cao gấp 7,5 lần.
Sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất là 3,2 lần (4,1 triệu đồng so với khoảng 1,3 triệu đồng). So với chênh lệch năm 2020 là 5,7 lần thì tình hình có vẻ được cải thiện, nhưng trên thực tế, khoảng cách này được thu hẹp lại không phải do đời sống của nhóm nghèo nhất khá hơn mà do chi tiêu đời sống của nhóm giàu nhất giảm mạnh (5,7 triệu đồng năm 2020 giảm còn 4,1 triệu đồng năm 2022).
Những ngày qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có lãnh đạo Quốc hội, có mặt ở khắp mọi miền đất nước để thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà cho gia đình người có công với cách mạng, gia đình chính sách, các hộ nghèo, hộ khó khăn, đồng bào vùng sâu vùng xa... Chính quyền địa phương, công đoàn các cấp cũng có nhiều hoạt động để người lao động “ai cũng có Tết”, như: tặng quà, hỗ trợ vé tàu xe, tổ chức những “chuyến xe 0 đồng”, “phiên chợ 0 đồng”, tổ chức đón Tết cho những người không về quê ăn Tết...
Không chỉ chăm lo Tết cho người dân từ nguồn ngân sách, các địa phương trong cả nước còn vận động nguồn lực xã hội để chung tay chăm lo Tết cho đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và người yếu thế trong xã hội. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên cũng dành một phần lương, thưởng Tết của mình để chia sẻ với người dân, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở các khu nhà trọ và hỗ trợ nhân viên của mình.
Mỗi độ Tết đến, xuân về, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội lại tập trung nguồn lực chăm lo Tết cho người dân như vậy! Điều này đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của nước ta! Và trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế hơn 7% là một thành tích ấn tượng nhưng chắc chắn thành quả đó không bao phủ hết mọi nhóm người trong xã hội, thì sự chăm lo trách nhiệm và nghĩa tình trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc thực sự trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn với những người đón nhận, để họ vun đắp niềm tin rằng thực sự không có ai bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, sự chăm lo lâu dài hơn, ý nghĩa hơn và ở phạm vi rộng hơn sẽ không dừng lại ở những món quà Tết cho từng cá nhân, hộ gia đình. Các vấn đề chính sách liên quan đến an sinh xã hội, đến phát triển công bằng, bền vững và bao trùm, đến thu hẹp khoảng cách giàu nghèo... là những bài toán lớn mà Nhà nước phải giải quyết. Trong đó, tư duy về xóa đói giảm nghèo cũng cần đổi mới. Chẳng hạn, về mặt quan điểm và tiếp cận khi thiết kế chính sách, thay vì “định kiến” vùng miền núi là nghèo nàn, lạc hậu, hãy nhìn vào các tiềm năng kinh tế bao gồm cảnh quan đẹp, văn hóa đa dạng; quỹ đất cho nông nghiệp sạch và sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc sản và tiềm năng cho sản phẩm hữu cơ. Đây là những nền tảng phục vụ cho du lịch xanh và nông nghiệp xanh mà miền núi có lợi thế hơn hẳn miền xuôi.
Nếu tư duy như vậy, bài toán phát triển vùng cao phải là bài toán phát triển kinh tế thị trường kết hợp với phát triển bền vững trên tầm nhìn dài hạn của quốc gia chứ không hẳn là xóa đói giảm nghèo hay câu chuyện “con cá - cần câu” với đồng bào dân tộc. Từ đó, phải trả lời được câu hỏi: làm cách nào thu hút được doanh nghiệp có thể kinh doanh hiệu quả để khai thác bền vững vốn văn hóa, vốn tài nguyên tự nhiên của các vùng này?
Mấy ngày nay, chị Rơi không còn bán hàng ở ngã tư nữa. “Em cho con về quê ăn Tết sớm”, chị nói hôm “nài” tôi mua nốt chỗ khoai tây, cà chua còn lại để kịp giờ ra bến xe. “Ra Giêng lại xuống chứ?”, tôi hỏi. Chị bảo cũng chưa biết. “Nghe nói, có bản gần nhà em bắt đầu làm du lịch, họ đang tìm người làm, chắc em thử xem sao”.