Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ưu tiên tín dụng cho sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương thực hiện những giải pháp để thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó, các đơn vị này cần có phương án tăng khả năng tiếp cận và ưu tiên tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thực hiện các chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm.

Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2023, các bộ, ngành địa phương cần kiểm tra, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông các nguồn lực. Ảnh: baochinhphu.vn

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2023, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương thực hiện những giải pháp để thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, theo TTXVN.

Trong đó, bộ, ngành có giải pháp tăng khả năng tiếp cận và ưu tiên tín dụng cho sản xuất kinh doanh, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.

Chính phủ cũng yêu cầu cần thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao; chủ động các giải pháp về an ninh năng lượng như điện, xăng dầu…

Các bộ, ngành địa phương cần kiểm tra, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông các nguồn lực. Thời gian tới, các chính sách ưu đãi về miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… cần được thực hiện sao cho đạt kết quả tích cực.

Đại diện Văn phòng Chính phủ thông tin thêm, sẽ tiếp tục thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi, ba chương trình mục tiêu quốc gia, đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023; có giải pháp phục hồi, phát triển các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Trước đó, TTXVN đưa tin, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn như tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; lạm phát vẫn chịu nhiều sức ép; thu ngân sách Nhà nước giảm so cùng kỳ; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; nhiều cơ quan, địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình…

Trên cơ sở đó, ông nhấn mạnh nhiều nội dung trọng tâm nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 11 và thời gian còn lại của năm. Trong đó, việc đẩy mạnh thu hút FDI cần có chọn lọc, ưu tiên trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen. Mặt khác, các cơ quan cần quyết liệt xử lý vướng mắc, hỗ trợ triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, sẵn sàng thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu.

Các ngành chức năng cần kịp thời thông tin về thị trường, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa; tận dụng các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; tiếp tục đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Brazil, khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...

Trong 10 tháng năm nay, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,2%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là khoảng 4,5%; mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Thu ngân sách Nhà nước đạt gần 1,4 triệu tỉ đồng, bằng 86,3% dự toán, trong đó, chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất là 163.800 tỉ đồng. Cả nước xuất siêu 24,61 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn so với con số cùng kỳ năm trước là 9,56 tỉ đô la.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian này đạt gần 10 triệu lượt, gấp 4,2 lần cùng kỳ, vượt mục tiêu đạt 8 triệu lượt khách của năm 2023. Tính chung 10 tháng năm nay, có 183.600 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, số rút lui khỏi thị trường là 146.600 doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới