Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ cảnh báo sớm rủi ro cho các nhà đầu tư

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, khôi phục niềm tin và sẽ có những cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro nếu có của thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam, sau hơn 20 năm vận hành, vẫn vắng bóng những tổ chức độc lập bảo vệ nhà đầu tư. Ảnh: THÀNH HOA

Thông tin tại hội thảo “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững” mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội vẫn còn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong thời gian tới kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nếu lãi suất huy động tiếp tục gia tăng như trong giai đoạn vừa qua thì dòng tiền sẽ tiếp tục quay trở lại hệ thống ngân hàng, đồng thời gây áp lực đến lãi suất cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn vay của doanh nghiệp trong nước; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới có thể khó khăn hơn.

Ngoài ra, việc lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, lãi suất gia tăng trong thời gian qua và triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế lớn sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu của người dân các nước này sụt giảm, nhất là tại các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam do vậy cũng có thể chậm lại trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục kéo dài cũng tiềm ẩn tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt của thị trường chứng khoán, thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin của thị trường.

Về giám sát, thanh tra trên thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sẽ nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó coi trọng tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán là cần thiết nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.

Theo đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường.

Ủy ban cũng cho biết sẽ có những cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của thị trường, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Về hoạt động tổ chức thị trường, cơ quan này khẳng định, sẽ đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp minh bạch, an toàn; tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 đã trải qua nhiều biến động. Xu hướng giảm điểm của thị trường bắt đầu từ tháng 4, trong đó đan xen những nhịp phục hồi vào tháng 5 và tháng 8 và cuối tháng 11 đến nay.

Tính đến ngày 30-11, chỉ số VN-Index đạt 1048,42 điểm, giảm 30% so với cuối năm 2021. Thanh khoản thị trường cũng có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, với giá trị giao dịch bình quân giảm từ 26.299 tỉ đồng/phiên trong tháng 4 xuống còn 13.017 tỉ đồng/phiên trong tháng 11. Tính chung 11 tháng năm nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.556 tỉ đồng/phiên, giảm 22,7% so với bình quân năm 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới