(KTSG) - Một câu hỏi có lẽ cứ lởn vởn trong đầu nhiều người: vì sao các hãng dược không tăng gấp đôi, gấp ba sản lượng vaccine để kịp thời cung ứng cho thế giới? Thật ra câu trả lời cũng đã có sẵn: các hãng dược không muốn mạo hiểm đầu tư thật nhiều vào các cơ sở hạ tầng rất tốn kém để sản xuất thêm vaccine vì sợ sau khi dập tắt được dịch Covid-19 không còn ai mua vaccine của họ.
Tờ New York Times cung cấp một ví dụ minh họa. Các bình thép khổng lồ dùng trong sản xuất vaccine rất hiếm vì khó chế tạo; vì thế để nhanh chóng sản xuất hàng tỉ liều vaccine Covid-19, các hãng dược quyết định sử dụng phương án thay thế là các túi phản ứng sinh học dùng một lần. Thoạt tiên đây là biện pháp tối ưu vì túi rẻ hơn bình nhiều lại không cần nhiều thời gian làm vệ sinh hay bảo dưỡng.
Nhưng chẳng bao lâu sau, chính phương án thay thế này gây trở ngại cho quá trình sản xuất vaccine. Vì chỉ có một nhúm các công ty có năng lực làm ra loại túi này, các hãng dược tranh nhau giành mua càng nhiều càng tốt, nguồn cung nhanh chóng cạn kiệt làm các hãng nhỏ bó tay, không mua được. Công ty chế tạo túi lại không muốn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất vì không biết nhu cầu túi sẽ kéo dài được bao lâu.
Có tiền cũng chưa chắc mua được vaccine
Rõ ràng tình hình sản xuất vaccine như thế cần một bàn tay điều phối liên chính phủ, dùng tiền đầu tư công để nhanh chóng có đủ vaccine cho toàn nhân loại. Đây là điều thế giới đang thiếu, mạnh ai tranh mua được càng nhiều vaccine càng tốt, bất kể nhu cầu thực sự.
Tính đến tháng 8-2021, hơn 80% trong 4 tỉ liều vaccine được sản xuất đã vào tay các nước giàu có! Chẳng hạn nước Mỹ đã mua lượng vaccine đủ để chích cho ba lần toàn bộ dân số nước này trong khi nhiều nước nghèo chưa đủ vaccine để chích ngừa cho đội ngũ nhân viên y tế nước họ. Người ta ước tính với đà này, các nước nghèo phải mất đến 57 năm mới chủng ngừa cho toàn bộ dân số nước họ.
Sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu Covax ra đời để giải quyết mâu thuẫn này nhưng cho đến nay Covax như bị trói tay, vừa mới tuyên bố phải cắt giảm mục tiêu dự báo đạt được trong năm nay đến 30%. Sau khi hy vọng các nước giàu đã chích hết cho người dân từ 18 tuổi trở lên, sẽ có thừa vaccine phân bổ cho nước nghèo; nay các nước giàu bàn đến chuyện chích mũi tăng cường thứ 3 rồi lại nảy sinh nhu cầu chích cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi và rất có thể sẽ có quyết định chích ngừa cho trẻ dưới 12 tuổi.
Ở đây có một số điểm đáng lưu tâm: dĩ nhiên nước có tiềm lực, nhất là nước có năng lực sản xuất vaccine hoàn toàn có quyền ưu tiên giành lấy vaccine cho người dân họ. Nhưng nhiều nhà khoa học đã từng cảnh báo nếu dịch cứ tung hoành ở các nước chưa tiêm vaccine, con virus SARS-CoV-2 sẽ tiến hóa sản sinh ra các biến chủng ngày càng nguy hiểm hơn, rất có khả năng vô hiệu hóa vaccine hiệu quả nhất.
Lúc đó cả thế giới sẽ quay về điểm xuất phát như thực tế với biến chủng Delta đang lan truyền ngay trong các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao cho thấy. Chỉ bằng cách phối hợp toàn cầu để nâng tỷ lệ chủng ngừa lên cao cùng lúc, thế giới mới có thể tiêu diệt con virus quái ác này.
Điều cần lưu tâm nữa là, không chỉ do nghèo, thiếu tiền mua vaccine, nhiều nước dù sẵn sàng chi tiền nhưng không thể tranh giành vaccine với các nước mạnh bởi các mối quan hệ chằng chịt. Covax ra đời nhằm tạo một sự công bằng nhất định nhưng nhiều nước giàu bỏ qua cơ chế này, thương lượng trực tiếp với các hãng sản xuất vaccine, sẵn sàng chi nhiều tiền và chi ngay cả khi vaccine chưa được cấp giấy phép. Chính vì thế đến khi Covax tìm đủ nguồn tài chính để mua thì họ cũng phải xếp hàng sau rất nhiều nước khác.
Theo New York Times, để thu hút các nước giàu tham gia sáng kiến Covax, tổ chức này đã nhiều lần nhượng bộ các nước giàu như cho phép nước giàu mua nhiều hơn nước nghèo, được chọn loại vaccine để mua trong khi nước nghèo phân bổ loại nào phải nhận loại đó.
Kết quả là một tình huống bất ngờ: Covax nay có nghĩa vụ phải để dành một phần năm lượng vaccine của mình cho một số ít nước giàu. Tạp chí The Lancet nhận xét: Nhóm các nước G7 đến cuối năm nay sẽ nhận được một lượng vaccine còn nhiều hơn lượng vaccine họ hứa sẽ tặng cho Covax.
Trong một tình huống như thế, các nước nghèo buộc phải trực tiếp thương lượng với các hãng vaccine nhưng vì yếu thế nên phải chịu các điều khoản ràng buộc. Chẳng hạn, họ không được quyền đòi hỏi lịch giao vaccine chính xác rõ ràng hay đòi phạt nếu hãng dược không giao vaccine đúng hẹn. Họ cũng buộc phải chấp nhận các điều khoản miễn trừ trách nhiệm cho nhà sản xuất vaccine rất ngặt nghèo. Nhiều nước phải chịu cảnh, mặc dù vaccine được sản xuất ngay tại chính nước mình nhưng đành nhìn vaccine xuất đi nước khác dù họ đang khát vaccine.
Một số ước tính cho thấy đến cuối năm nay thế giới sẽ sản xuất chừng 12 tỉ liều vaccine, đủ để chủng ngừa cho 70% dân số toàn cầu. Thế nhưng với những tắc nghẽn cổ chai trong hệ thống phân phối vaccine như hiện nay chưa chắc các nước nghèo đã có vaccine để tiêm cho người dân. Có cách nào để giải quyết tình trạng thiếu vaccine và vaccine không được phân bổ đồng đều một cách căn cơ hơn không?
Để thế giới có mạng lưới sản xuất vaccine
Nhiều chuyên gia y tế được trích dẫn bởi tờ New York Times cho rằng cách hữu hiệu hơn cả để chặn đứng đại dịch này cũng như các biến thể của virus và các đại dịch sau là tổ chức mạng lưới sản xuất vaccine nằm rải đều trên khắp thế giới. Một mạng lưới như thế có khả năng chế tạo vaccine trong vòng 100 ngày khi phát sinh dịch bệnh để chặn đứng các đợt bùng phát trước khi lây lan thành đại dịch. Tổ chức Public Citizen ước tính cần khoảng 25 tỉ đô la Mỹ và chừng sáu tháng để thiết lập một mạng lưới như thế và nếu bắt tay ngay bây giờ, thế giới sẽ có thêm nhiều tỉ liều vaccine vào giờ này sang năm.
Trở ngại lớn nhất cho một mạng lưới sản xuất vaccine toàn cầu là các hãng dược không chịu chia sẻ bản quyền vaccine, nhất là loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA trong khi nhiều hãng được bơm vốn nhà nước trong giai đoạn nghiên cứu. Moderna từng nhận của Chính phủ Mỹ đến 2,5 tỉ đô la trong chiến dịch thúc đẩy sản xuất nhanh vaccine Operation Warp Speed hồi năm ngoái.
Các hãng dược thì bảo không chia sẻ công nghệ vì sợ vấn đề chất lượng và độ an toàn trong khi giới tài chính nói họ sợ ảnh hưởng đến túi tiền nhất là với các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Cũng đúng là quy trình sản xuất vaccine mRNA rất phức tạp, đòi hỏi thiết bị chuyên dùng và hàng trăm thành phần đặc chế. Chẳng hạn, có một hóa chất cần thiết trong vaccine mRNA nhằm ngăn cơ thể đào thải mRNA chích vào thì chỉ do một công ty duy nhất sản xuất, nắm bản quyền.
Hiện nay đã có nhiều công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 đơn giản hơn như vaccine protein tái tổ hợp, có thể được nuôi cấy trong tế bào men, không đòi hỏi điều kiện lưu trữ đặc biệt và dễ dàng sản xuất đại trà ở bất kỳ nơi nào. Một hãng của Bỉ, Univercells, đã làm ra một cơ sở sản xuất vaccine chứa trong một container chở hàng nên có thể triển khai mọi nơi.
Hãng GreenLight Biosciences đã phát minh một công nghệ điều chế vaccine mRNA đơn giản hơn bằng cách dùng vi khuẩn E. coli làm môi trường nuôi cấy... Một biện pháp nữa, theo New York Times, là thế giới hợp tác với Trung Quốc hay Nga để cùng nhau xem xét kỹ các loại vaccine của những nước này sản xuất, xem hiệu quả thật sự đến đâu, cơ sở sản xuất bảo đảm an toàn như thế nào... Vaccine của các nước này tương đối dễ sản xuất hơn và có thể chuyển giao ngay cho các nước.
Thế giới từng hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực y tế như năm 2000 khi bệnh sốt rét hoành hành tại châu Phi, cộng đồng y tế thế giới phát động một sáng kiến đơn giản nhưng hữu hiệu: cung cấp mùng có tẩm chất diệt muỗi cho người dân. Một tỉ tấm mùng như thế được phân phối và tỷ lệ tử vong do sốt rét sụt giảm nhanh chóng. Các chương trình phòng chống HIV cũng đạt được mức độ phối hợp toàn cầu cao nên đã thành công trong việc chặn đứng dịch AIDS. Nay thế giới cũng cần một sự phối hợp như thế trước đại dịch Covid-19. Ai sẽ làm nhạc trưởng trong bối cảnh này?
Nghe có vẻ như các nước nghèo bị chèn ép. Nhưng cũng không phải hoàn toàn như vậy. Một trong những lý do là có quốc gia nước đến chân mới nhảy thì phải đợi thôi. Hay là một số nước giàu lại theo chính sách Zero-Covid không nghĩ là phải chích ngừa càng sớm càng tốt, nên đặt hàng trễ cũng phải đợi. Hỏi thử VN bắt đầu đặt vaccine từ lúc nào, để tới lúc cần quá rồi cứ đi đâu cũng “đề nghị hỗ trợ”.
Nhân quả lúc nào cũng đúng. Nhìn vào CuBa thì thấy rõ. Họ đã đầu tư vào vaccin hàng chục năm nay rồi, đến giờ có thể ung dung tự tại xài hàng nội địa, chằng cần van-xin khắp thế giới.