Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vai diễn cá nhân trong sân khấu cuộc đời

Nguyễn Minh Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Theo Erving Goffman, mỗi cá nhân đều thực hiện các “vai diễn” khác nhau trong cuộc sống. Trong tiểu luận Cái tôi trong tương tác xã hội(1) (The presentation of self in everyday life) xuất bản năm 1956, Goffman cho rằng khi con người tương tác với nhau trong xã hội thì mỗi cá nhân có xu hướng truyền đạt những gì ấn tượng của bản thân tới người đối diện.

Cái ấn tượng đó - theo chủ quan của mỗi cá nhân - là những gì bản thân hình dung về việc người đối diện chấp nhận được họ, đồng thời cũng để che giấu hay “ngầm từ bỏ” thể hiện bản thân - con người thực tế của họ - để được chấp nhận là thành viên của một nhóm.

Đời sống như là một sân khấu, trong đó (1) cá nhân vừa là diễn viên tương tác với các cá nhân khác cho khán giả (bên thứ ba) xem bằng cách thể hiện tối đa các ấn tượng với mong muốn là sẽ được chấp nhận trên sân khấu giả tưởng; (2) vừa phải sống thật với bản thân mình và đôi khi sự tương tác không được diễn tập và thiết lập có chủ đích, nên họ không kịp hóa thân với những vỏ bọc; (3) vừa phải đối diện và điều chỉnh giọng điệu, từ ngữ với một cá nhân khác (mặt đối mặt), lúc này khán giả không có hoặc giả là người đối diện cũng là khán giả. Thực tế đời người sẽ đảm nhận nhiều vai, hóa thân thành các vai diễn phức tạp với hy vọng người khác sẽ coi trọng và đối xử phù hợp với mình.

Tuy nhiên, không hẳn việc “diễn” là một điều xấu xa hoặc không đạt chuẩn mà có thể đó là một phương cách giao tiếp.

Erving Goffman đưa ra một ví dụ: “Khi cấp dưới bày biện tiếp đón cấp trên xuống thăm không hoàn toàn vì mong muốn ích kỷ là sẽ giành được sự ưu ái của cấp trên. Đó có thể chỉ là cấp dưới đang cố gắng khéo léo làm cho cấp trên cảm thấy thoải mái hơn bằng cách mô phỏng thế giới cao sang của cấp trên”. Có thể thấy, động cơ của nhân viên cấp dưới đơn giản hơn nhiều so với suy nghĩ tạo sự hào nhoáng trong đón tiếp nhằm làm hài lòng hay nịnh bợ cấp trên.

Suốt tiểu luận của mình, Goffman xác lập quan điểm rằng, mỗi cá nhân trang bị cho mình một chiếc mặt nạ (tiếng Latinh: Persōna) với vẻ bề ngoài và phong cách cho thấy họ có địa vị cao hơn thực tế, bởi vì vị thế của mỗi cá nhân tùy thuộc vào cách thể hiện từ tương tác xã hội. Tương tác xã hội bộc lộ khả năng từng cá thể, và mỗi cá thể cần “chớp nhoáng” một thời điểm để thể hiện “ấn tượng” của mình nhằm dịch chuyển đến vị trí gần giá trị chung đi lên tầng lớp cao hơn trong thang giá trị đẳng cấp xã hội.

Vậy bởi đâu, con người mang theo chiếc “mặt nạ” để tương tác với các thành viên khác trong xã hội? Goffman lý giải rằng, xã hội có xu hướng lý tưởng hóa các tầng lớp cao hơn, con người sử dụng thang bậc giá trị của giai cấp bên trên để đo lường sự thành công. Bởi vậy, con người dịch chuyển đi lên với thang nhu cầu, bắt chước đẳng cấp của giai tầng cao hơn thể hiện qua sự giàu có vật chất và quyền lực nắm giữ. Bên trong mỗi tương tác hàng ngày, những biểu tượng và thông điệp về sự giàu có của cải, khả năng tài chính được phô diễn cuốn hút, thúc đẩy con người thực hiện hành vi.

Theo tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa, “mặc dù tác phẩm này đi theo hướng tương tác biểu tượng, nhưng Goffman đã chú ý đến khía cạnh cấu trúc, ông lập luận những cái bên ngoài có xu hướng bị “định chế hóa”, có nghĩa cá nhân chỉ chọn lựa chứ không tạo ra những cái bên ngoài ấy”(2). Cuối cùng, cấu trúc xã hội đã được “định chế hóa” bằng các biểu tượng vật chất và phi vật chất ấy trói buộc con người một cách vô hình với những hình ảnh “lý tưởng” về các giá trị xã hội theo đuổi.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng thực hiện vai diễn của mình với quan điểm đi lên và thể hiện “ấn tượng” để được người khác chấp nhận. Có những con người thực hiện tốt với vai diễn trong đời sống của mình là làm thực và làm tốt nhiệm vụ của mình bất kể “khán giả” nhìn vào như thế nào. Họ chỉ chăm chú thực hiện tốt công việc của mình, tức là họ đối mặt với tính chất công việc mà không tính tới sự tương tác. Họ không có thời gian và tài năng để thể hiện “vai diễn” trên sân khấu giả tưởng cuộc đời để được số đông chấp nhận.

Những nữ tu Công giáo dành suốt cuộc đời chăm sóc người yếu thế có thể là một ví dụ điển hình. Người yếu thế có thể là những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi; những người tàn tật không nơi nương tựa; những trẻ em không đủ khả năng nhận thức và tật nguyền được cha mẹ cậy nhờ nuôi dưỡng; những người mắc bệnh nan y; những người HIV giai đoạn cuối; những người không có khả năng sinh hoạt và chờ ra đi...

Các nữ tu ấy, từ tuổi đôi mươi bước vào đời sống tu tập cho đến lúc già, đã lãnh nhận sứ vụ của mình. Họ đối diện với chính mình để thực hiện vai diễn cuộc đời: phụng sự tha nhân mà không đòi hỏi sự đền đáp. Hàng ngày họ đối diện với niềm tin về “sự từ bỏ” con người “trần thế” theo lẽ thông thường để chăm sóc người yếu thế như chính đấng mà họ tôn thờ.

Đời sống như là một sân khấu, trong đó cá nhân vừa là diễn viên tương tác với các cá nhân khác vừa phải sống thật với bản thân mình.

Hay, tác giả Goffman có nêu một nhóm người trong xã hội Mỹ - một xã hội đề cao sự thành công về vật chất - giảm bớt việc phô trương của cải cũng như sự giàu có, mặc dù họ giàu có thực sự theo quan điểm của công chúng. Nhóm này cũng tạo nên “vỏ ngoài” đối nghịch với thực tế họ có để diễn vai của những con người khiêm tốn, sự nghiêm túc về đạo đức, tiêu chuẩn văn hóa… Những con người này khiêm tốn một cách bài bản, coi nhẹ giá trị vật chất và sự giàu có, nêu cao sức mạnh tinh thần và sự tự trọng. Họ là những người gieo vào đầu người khác biểu tượng về một xã hội đối nghịch với việc chạy qua “dịch chuyển” lên tầng lớp cao hơn, thực tế cuối cùng thì họ cũng đang cố gắng “diễn” một vai diễn đối nghịch với xu thế mà thôi, nhằm che giấu con người thực của họ.

Có thể nói rằng, tác phẩm The presentation of self in everyday life của Erving Goffman đã phần nào lột tả được hành vi trong các mối quan hệ xã hội ở cấp độ vi mô thông qua các tương tác giữa cá nhân với cá nhân, cũng như giữa cá nhân với nhóm trong xã hội. Quan điểm đời sống thường ngày của con người như là một sân khấu, mỗi cá nhân là một diễn viên, các diễn viên trong đó sắm nhiều vai khác nhau như trên sân khấu của các vở kịch, thường xuyên khám phá các sự kiện và xem xét phản ứng của các thành viên, tìm hiểu các giá trị của thành viên khác nhằm nội tâm hóa (thuộc về) nhóm cùng giá trị. Từ đó, con người duy trì “vỏ bề ngoài” vừa để biểu đạt bản thân cho người khác chấp nhận vừa toan tính chấp nhận giá trị từ người khác nhằm giữ mối quan hệ đồng thuận từ người xung quanh.

Nhưng hậu quả có thể là một hiện tượng được gọi là “tự xa cách”, tức nguồn gốc khởi đầu của việc con người thấy xa lạ với chính bản thân trong hành trình thực hiện vai diễn. Khi đó cái tôi cá nhân dần đồng nhất với các nhóm, các đơn vị thì lúc đó dường như khó thoát ra khỏi tương tác xã hội của nhóm hoặc cao hơn là khó phá vỡ các đơn vị xã hội của các tương tác đang vận hành.

Con người lệ thuộc vào các giá trị bên ngoài thường sẽ đánh mất các giá trị nội tại của đời sống mà ngay tại thời điểm đó con người/người khác chưa nhận thức được, điều đó cũng dễ hiểu! Khi con người chưa đủ khả năng biểu đạt những ấn tượng từ nội tại của bản thân, họ tìm kiếm sự chấp nhận từ giá trị của người khác như là một phương tiện họ đạt mục đích cho mình, họ sống theo tiêu chuẩn chung thống trị và chờ đợi được đánh giá sản phẩm hình thành nằm ngoài thời gian và địa điểm hiện tại.

(1) Tác giả Tôn Quang Toàn dịch tác phẩm The presentation of self in everyday life của nhà xã hội học người Pháp Erving Goffman (1922-1982) sang tiếng Việt quí 4-2022, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Bách Việt phát hành.

(2) Nguyễn Xuân Nghĩa. (2012). Một số chủ đề cơ bản trong tư tưởng Xã hội học của Erving Goffman: tương tác, căn tính và trật tự xã hội. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 1(161), trang 60-71.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới