Thứ Ba, 13/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vải tiến Trường An hay bài toán logistics hồi ngàn năm trước

Nữ Lâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Mặc cho cái vẻ ngoài tưởng chừng là tiểu thuyết mượn sử, hay phiêu lưu ly kỳ, Vải tiến Trường An lại có thể rất gần gũi với cả những nhân viên văn phòng, những người đang ngày ngày nói vui là bản thân đang “bán mình cho tư bản”.

Trước cuốn tiểu thuyết Vải tiến Trường An, nhà văn Mã Bá Dung đã quen thuộc với độc giả Việt Nam qua các tác phẩm như Danh gia cổ vật, Trường An 12 canh giờ. Nhưng Vải tiến Trường An là một tiểu thuyết đặc biệt trong sự nghiệp của Mã Bá Dung. Sự đặc biệt này có lẽ đến từ chính câu chuyện. Vu Canh Triết trong lời nói đầu đã gọi đây là “một tiểu thuyết công sở phiên bản cổ trang”.

Được xem là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa thời xưa, Dương Quý Phi trở thành nhân vật hấp dẫn của biết bao giai thoại, đã đi vào văn chương phim ảnh. Chắc bà con Nam bộ vẫn thuộc tuồng cải lương thi vị hóa chuyện tình An Lộc Sơn và nàng vương phi họ Dương qua tiếng hát của đôi danh ca Minh Vương – Lệ Thủy. Ở đó, vị tướng An Lộc Sơn biết người đẹp thích ăn vải nên đã vượt ngàn dặm để mang thứ trái có tên mỹ miều là lệ chi này về chiều lòng người đẹp.

Thực tế thì chẳng ông tướng nào rảnh đến vậy, nhất là vào thời buổi loạn lạc nhiễu nhương. Nhưng có câu “nhất tướng công thành vạn cốt khô”, tướng không làm vì đã có lính làm thay. Thế gian chỉ nhớ chuyện Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi, An Lộc Sơn, chứ nào ai biết những con người thấp cổ bé họng, không được hậu thế nhớ mặt đặt tên. Chính họ mới thật sự là người góp sức không nhỏ tạo nên những truyền kỳ còn lưu mãi đến ngàn sau.

Vải tiến Trường An lấy bối cảnh năm Thiên Bảo thứ 14 (năm 755) viên quan cửu phẩm Lý Thiện Đức bị cấp trên gài bẫy phải lãnh nhiệm vụ vận chuyển vải từ phương Nam xa xôi về kinh thành Trường An cho kịp ngày sinh nhật Dương Quý Phi. Lộ trình vận chuyển vải nhanh nhất phải hơn chục ngày nhưng đây là thứ trái “một ngày đổi màu, hai ngày đổi mùi, ba ngày đổi vị”. Đem vải về kinh thành sao cho không hư hỏng còn bất khả hơn cả chuyện Trần Huyền Trang đi Thiên Trúc thỉnh kinh trong bộ phim Tây Du Ký của đạo diễn Dương Khiết trước đó.

Trong thời phong kiến, không hoàn thành được mệnh lệnh của thiên tử thì kết cục chỉ có chết. Nên đối với Lý Thiện Đức đây là nhiệm vụ tự sát. Biết vậy nhưng y cũng không thể từ chối hay buông xuôi cho số phận.

Có thể hiểu Lý Thiện Đức là hiện thân của một anh nhân viên văn phòng thời hiện đại. Y đã ngoài bốn mươi, bao nhiêu năm lăn lộn chốn quan trường nhưng vẫn phải vay tiền của… nhà chùa để mua căn hộ ở kinh thành. Y giống những nhân viên lâu năm mãi không được thăng tiến, cứ cặm cụi với công việc kiểu “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về” nhàm chán, mang ước mơ có một mái nhà yên ấm để lại cho vợ con, được nhập hộ khẩu thành phố, về già có được khoản lương hưu sống an nhàn hàng tháng…

Cho nên, Mã Bá Dung mượn chuyện thời xưa mà nói chuyện đời nay. Có thể coi triều Đường trong sách là một tập đoàn xuyên quốc gia, nhà vua là vị chủ tịch hội đồng quản trị, dưới trướng ông ta có hàng trăm ngàn nhân viên, vô số vị trưởng phòng, giám đốc mà ông không bao giờ nhớ hết. Và do đó, các giám đốc chi nhánh có quyền lực lớn, tự tung tự tác.

Bài toán vận chuyển vải của Lý Thiện Đức cũng là bài toán đặt ra cho những người làm ngành logistics thời hiện đại, bằng phương thức tối ưu nhất chuyển được hàng hóa, sản phẩm đến người tiêu dùng. Đặc biệt trong thời đại mà sau một cú nhấp chuột, một cuộc gọi, những đơn hàng phải được xử lý nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo khi đến tay khách hàng, sản phẩm phải còn nguyên vẹn, chất lượng tốt nhất.

Cái tài tình của Mã Bá Dung là từ chuyện tưởng chừng không có gì nhưng đã vạch ra được cả bộ máy quan liêu. Một chốn quan trường khốc liệt, nơi sinh mệnh con người chẳng qua chỉ là quân cờ thí trong tay những người có quyền.

“Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung” (Mặt tưởng là hoa, áo ngỡ mây – Trần Trọng San dịch). Lý Bạch đã tả sắc đẹp của nàng quý phi như vậy. Vì nụ cười của nàng, vì ước muốn ăn trái vải tươi của nàng mà bao người lao tâm khổ tứ, bao nhiêu người bỏ mạng. Đường chuyển vải xa muôn trùng. “Năm ngàn bốn trăm bốn mươi bảy dặm! Nếu quy một dặm thành một quan tiền thì ông có thể mua được mười, hai mươi căn nhà ở Trường An” (tr.54). Nhưng có xá gì, miễn Đường Minh Hoàng mua được tiếng cười của người đẹp.

Nó cũng phần nào giải thích cho cả độc giả hôm nay hiểu được vì sao có những loại nông sản, thực phẩm cao cấp (và đắt giá) đến vậy. Không chỉ quy trình trồng trọt chăm sóc vất vả, mà còn quá trình vận chuyển công phu, nhiều bất trắc.

Để giữ cho chùm vải tươi dâng lên vương phi, Lý Thiện Đức phải hủy diệt cả vườn vải, đem cả cây mà đi. Sau đó là các công đoạn bảo quản phức tạp khác, lạc hậu hơn rất nhiều so với ngày nay. Trừ những trái hư hỏng hoặc thất thoát trên đường, cuối cùng, số vải đến được kinh thành chỉ còn một ít.

Vải tiến Trường An so với các tác phẩm khác của Mã Bá Dung có thể kém hấp dẫn hơn. Nhưng ông đã viết nó bằng nguồn cảm hứng dào dạt vượt khỏi những dự định ban đầu. Nhà văn tâm sự rằng khi viết mình “cũng không đắn đo về cảm nhận của độc giả, thậm chí không cần bận tâm đến việc xuất bản”. Ông chỉ viết cùng một tinh thần với Lý Thiện Đức khi vận chuyển vải: “Cho dù có thất bại, tôi cũng muốn biết mình còn cách vạch đích bao xa”. (tr.96)

Vạch đích bao xa vốn dĩ khó lường nhưng không vì gian nan mà thôi hy vọng. Mã Bá Dung có thể khắc họa cuộc sống bạo tàn ô trọc của một trong những thời đại thịnh trị nhất trong lịch sử Trung Hoa, hoặc là mượn chuyện triều đình nói chuyện công sở đi nữa, thì vẫn có sự lãng mạn của văn nhân, dẫu là sự lãng mạn xen lẫn ngậm ngùi, chua xót. Tựa hồ bài thơ của Đỗ Mục, nói chuyện nhà vua sai người đem vải về cho nàng quý phi:

Ngoảnh lại Trường An tựa gấm thêu

Đầu non nghìn cửa mở liền nhau

Bụi hồng ngựa ruổi, phi cười nụ

Vải tiến mang về ai biết đâu.

(Nam Trân dịch) 

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới