(KTSG) - Chưa bao giờ cụm từ “đổi mới sáng tạo” được nhắc đến nhiều như thế trên các phương tiện truyền thông. Sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW được ban hành cuối năm 2024, những chương trình hành động đã được triển khai trong hai tháng vừa qua với một tốc độ rất nhanh, trong đó vai trò của các tập đoàn kinh tế lớn đặc biệt được chú trọng, như đánh giá của Thủ tướng trong cuộc họp đầu năm 2025.
- Tập đoàn kinh tế nhà nước thực hiện thí điểm điện gió ngoài khơi
- Tập đoàn kinh tế: tiếp tục tái cơ cấu, đầu tư cho đổi mới sáng tạo

Trong tuần qua Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (và đã được Quốc hội thông qua) về thí điểm một số chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với trọng tâm là thí điểm một số chính sách quan trọng, bao gồm quản lý tài sản từ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, cùng với các chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Song song với đó, Bộ KH&CN cũng đang tập trung xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách đột phá lớn của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn.
Nghị quyết 57 và định hướng đổi mới sáng tạo quốc gia
Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đưa kinh tế Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời xác định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột để hiện thực hóa khát vọng phát triển. Để làm được điều này, nền kinh tế phải chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên sang mô hình dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo để tăng trưởng đột phá. Đặc biệt, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), nâng cao năng lực nội tại trong việc làm chủ công nghệ lõi, đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường toàn cầu.
Một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam là thúc đẩy các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng lớn như sản xuất linh kiện bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo. Những lĩnh vực này không chỉ đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế mà còn giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và tài nguyên.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 57 nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Ở các nền kinh tế phát triển, phần lớn ngân sách cho nghiên cứu khoa học đến từ khu vực tư nhân, trong khi tại Việt Nam, chi tiêu cho R&D của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn thu từ ngân sách nhà nước. Điều này không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước mà còn khiến Việt Nam chậm trễ trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Trước tình hình ấy, nghị quyết kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, không chỉ phục vụ lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của quốc gia.
Ngoài ra, Nghị quyết 57 cũng đề cao mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học, xem đây là yếu tố then chốt để chuyển đổi thành công các phát minh khoa học thành sản phẩm thương mại có giá trị cao. Hàn Quốc là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của mô hình này, khi các tập đoàn hàng đầu như Samsung, LG, Hyundai kết hợp chặt chẽ với các trường đại học hàng đầu để đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ. Câu chuyện của họ thật sự là một bài học đáng tham khảo cho Việt Nam trong hành trình đổi mới sáng tạo trong giai đoạn sắp tới.
Học hỏi Hàn Quốc từ mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học
Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia có thể chuyển mình từ một nền kinh tế kém phát triển thành cường quốc công nghệ chỉ trong vài thập niên. Thành tựu này không chỉ đến từ các chính sách công nghiệp hóa mạnh mẽ của chính phủ, mà còn nhờ vào chiến lược chủ động của các tập đoàn kinh tế lớn trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Những doanh nghiệp hàng đầu như Samsung, Hyundai, LG không chỉ đơn thuần đóng vai trò sản xuất mà còn là những trung tâm R&D công nghệ hàng đầu. Chính sự đầu tư bài bản và định hướng dài hạn này đã giúp Hàn Quốc làm chủ nhiều công nghệ cốt lõi, từ đó giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu và vươn lên dẫn đầu trong các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn, ô tô và thiết bị điện tử.
Một trong những yếu tố quan trọng của quá trình hợp tác này chính là việc đầu tư mạnh mẽ vào R&D. Ngay từ những năm 1980, các tập đoàn Hàn Quốc đã nhận ra rằng để cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, họ không thể tiếp tục dựa vào mô hình gia công sản xuất đơn thuần mà cần phải làm chủ các công nghệ nền tảng. Thay vì chỉ tập trung vào nghiên cứu nội bộ, các doanh nghiệp đã chủ động hợp tác với các trường đại học hàng đầu như Đại học Quốc gia Seoul, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) và POSTECH để phát triển các công nghệ mới. Samsung là một trong những tập đoàn tiên phong trong mô hình này khi thành lập các trung tâm nghiên cứu ngay trong khuôn viên trường đại học, nơi các nhà khoa học có thể làm việc trực tiếp cùng đội ngũ kỹ sư của tập đoàn.
Bên cạnh R&D công nghệ, các tập đoàn Hàn Quốc còn đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo nhân lực ngay từ trong trường đại học. Để đảm bảo lực lượng lao động có thể nhanh chóng thích ứng với những công nghệ tiên tiến, nhiều tập đoàn đã tham gia trực tiếp vào quá trình giảng dạy và thiết kế chương trình đào tạo. Thay vì chỉ tuyển dụng lao động sau khi tốt nghiệp, các công ty này đã thiết lập những chương trình thực tập dài hạn, cho phép sinh viên tiếp cận môi trường làm việc thực tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Những chương trình này không chỉ giúp các tập đoàn tiết kiệm đáng kể chi phí tuyển dụng và đào tạo lại lao động mà còn đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay lập tức các yêu cầu kỹ thuật cao của ngành công nghiệp.
Ngoài ra, các tập đoàn đã đẩy mạnh việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp bằng cách thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm và vườn ươm doanh nghiệp. Samsung NEXT, một quỹ đầu tư mạo hiểm do Samsung thành lập, đã hỗ trợ hàng trăm startup công nghệ trên toàn cầu, giúp các công ty này tiếp cận được nguồn vốn và công nghệ tiên tiến để mở rộng quy mô. Không chỉ hỗ trợ tài chính, các tập đoàn còn cung cấp cơ sở vật chất, công nghệ và cố vấn chiến lược cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra một môi trường thuận lợi để các ý tưởng sáng tạo có thể nhanh chóng được hiện thực hóa và đưa vào ứng dụng thương mại.
Bài học từ Hàn Quốc cho thấy, sự thành công của một nền kinh tế không chỉ dựa vào sản xuất mà còn phụ thuộc vào việc làm chủ công nghệ cốt lõi. Nghị quyết 57 thực tế đã đề cập được gần như toàn bộ các định hướng mà Hàn Quốc đã từng triển khai như đã phân tích ở trên, tất nhiên việc thực thi sẽ còn là một chặng đường dài phía trước. Tuy nhiên, những quyết tâm cả về tài chính và nguồn lực của Đảng và Chính phủ với nghị quyết này thực sự cho chúng ta thấy đây là một ván cược rất lớn của Việt Nam để tận dụng nhịp thay đổi đột phá trên toàn cầu trong thập niên tới để tạo bước chuyển mình thực sự cho quốc gia.
(*) CFA
(**) UEL