(KTSG) - Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, sớm hơn năm tháng so với dự kiến. Đây đều là những luật, với những quy định mới và được bổ sung sửa đổi, đã được cả doanh nghiệp và người dân chờ đợi từ lâu.
- Quốc hội sẽ sớm xem xét Luật Đất đai từ ngày 1-8
- Chính phủ đề xuất Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1-7
Với doanh nghiệp, họ mong đợi những quy định mới sẽ giúp giải tỏa được những ách tắc pháp lý về đất đai vốn đã làm nhiều doanh nghiệp phải điêu đứng, qua đó giúp cho hoạt động đầu tư và kinh doanh được thông suốt. Còn với người dân, đây là hy vọng để hàng trăm ngàn người giải tỏa mối lo về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, và cũng là cơ hội để người thu nhập thấp tìm được chốn an cư hợp túi tiền nhờ chương trình nhà ở xã hội được thúc đẩy.
Tuy nhiên, luật có hiệu lực không đồng nghĩa với các quy định của luật sẽ ngay lập tức được thực thi một cách thông suốt. Thực tế đã cho thấy, những quy định mới càng cởi mở, càng có tính cải cách thì việc thực thi càng dễ gặp trắc trở, do sự vô cảm của cán bộ cũng như sự trì trệ của bộ máy thừa hành. Vì vậy, để bảo đảm các luật trên được thực thi, đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, Chính phủ sẽ cần phải tiếp tục thúc đẩy một cách mạnh mẽ.
Trong môi trường luật pháp ở Việt Nam, việc đưa vào áp dụng các quy định mới sẽ khó tránh khỏi gặp phải những mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của những văn bản pháp luật khác. Cho dù các luật, thông thường, đều có quy định ưu tiên áp dụng theo một văn bản luật nào đó khi có sự khác biệt, nhưng đây vẫn là yếu tố tiềm ẩn gây ra ách tắc.
Bên cạnh đó, dù Chính phủ đã rất nỗ lực soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết để có thể sớm đưa ba luật trên vào thực thi, nhưng những gì Chính phủ đã làm được chưa thể coi là đã đầy đủ. Hơn nữa, trong bối cảnh các tỉnh và thành phố vẫn còn nặng thói quen thực thi pháp luật theo thông tư hướng dẫn của các bộ, còn các sở ngành và quận huyện ở địa phương thì chỉ làm theo hướng dẫn của UBND cấp tỉnh và thành phố, nên khả năng xảy ra tình trạng “án binh bất động” ở các cấp thừa hành sau ngày 1-8 là rất cao.
Tóm lại, triển khai thực thi được ba luật sửa đổi nêu trên một cách thông suốt và minh bạch là một thách thức rất lớn. Hơn nữa, đất đai và nhà ở lại là lĩnh vực rất “nhạy cảm” với nạn tham nhũng và tiêu cực, cộng với tình trạng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm của cán bộ công chức nên đùn đẩy hoặc không chịu làm đang diễn ra rất phổ biến hiện nay, khiến cho nguy cơ các quy định mới của luật có thể bị vô hiệu quả, ít nhất là trong những tháng trước mắt, càng cao hơn.
Chính phủ đã rất nỗ lực để đưa ba luật sửa đổi về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản sớm hơn năm tháng so với dự kiến, nhưng nếu các luật này không thể được thực thi một cách thông suốt trong thực tế, thì nỗ lực trên cũng trở nên vô ích.
Vì vậy, để bảo đảm luật được thực thi, sự quyết liệt thúc đẩy của Chính phủ là rất cần thiết và đây cũng là cách hữu hiệu để khôi phục đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Vì một khi các ách tắc liên quan đến đất đai, thị trường bất động sản và nhà ở được khai thông, sẽ tạo ra hưng phấn cho nhiều lĩnh vực kinh doanh khác.