(KTSG) - Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, tình trạng thiếu xăng cục bộ, cửa hàng xăng đóng cửa hoặc tự ý tăng giá bán lại tiếp tục diễn ra tại nhiều tỉnh thành từ Bắc chí Nam. Tình trạng này cho thấy, trong gần một năm qua, bài toán tháo gỡ vướng mắc cho hệ thống phân phối xăng dầu vẫn chưa được giải tận gốc.
- Lại thiếu xăng dầu cục bộ, Bộ Công Thương chỉ đạo khẩn
- TPHCM đề xuất loạt giải pháp khắc phục tình trạng thiếu xăng
Ngày 29 Tết, Bộ Công Thương gửi công điện chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Trong Tết, tổ công tác của Tổng cục QLTT giám sát tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... và đã xử phạt một số trường hợp vi phạm.
Trong ngày mùng 4 Tết, tại Hà Nội, một cửa hàng xăng ở huyện Ứng Hòa tự niêm yết giá bán lẻ xăng dầu cao hơn giá quy định và bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng. Một cửa hàng xăng dầu ở tỉnh Hà Nam và hai ở Hải Phòng đóng cửa không bán hàng mà không có lý do chính đáng bị phạt mỗi trường hợp 15 triệu đồng.
Tại các tỉnh phía Nam, QLTT tỉnh Bình Phước đã lập biên bản và xử phạt một cửa hàng xăng dầu tự ý ngừng bán hàng. Theo báo cáo ngày 26-1 (mùng 5 Tết) của Cục QLTT TPHCM cho biết có bốn cửa hàng xăng dầu đang ngưng hoạt động để thực hiện thủ tục giải thể và tám cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng dầu và tạm ngưng để nghỉ Tết. Tình trạng cây xăng đóng cửa cũng diễn ra nhiều tại tỉnh An Giang, một số cửa hàng xăng dầu không bán xăng cho ô tô, xe máy chỉ bán 50.000 đồng/lần đổ xăng.
Điểm chung của tình trạng đóng cửa, tự ý tăng giá và thiếu xăng là chỉ diễn ra tại các cây xăng thuộc các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa. Nguyên nhân chung không quá khó hiểu: bài toán chiết khấu vẫn chưa được giải quyết tận gốc.
Khi mức chiết khấu quá thấp, doanh nghiệp xăng dầu quy mô nhỏ và vừa rơi vào tình trạng trên đe dưới búa. Chiết khấu thấp thì mức lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí nên càng bán nhiều càng lỗ lớn.
Do kinh doanh xăng dầu là ngành được quản lý đặc biệt nên dù lỗ các doanh nghiệp cũng không thể tự ý ngừng bán nếu không được sự đồng ý của cơ quan chức năng quản lý nhà nước. Giá bán lẻ xăng dầu cũng được quản lý chặt chẽ nên doanh nghiệp cũng không thể tự ý tăng giá để giảm lỗ như các mặt hàng khác.
Báo Tuổi Trẻ Online ngày 27-1 dẫn lời một cán bộ Đội QLTT số 2 phụ trách hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết, hiện nay nguồn xăng đang khan hiếm vì chiết khấu quá thấp, chỉ có 50 đồng/lít. Không chịu đựng lỗ kéo dài được, đã có công ty xăng dầu xin tạm dừng hoạt động hệ thống 14 cửa hàng trong một năm(*).
Với mức chiết khấu thấp như vậy, trong khi thời điểm Tết cửa hàng xăng dầu phải trả lương cao hơn cho nhân viên thì mức lỗ càng cao hơn ngày thường nên việc thiếu xăng, tạm nghỉ là điều khó tránh. Một số cửa hàng xăng dầu thì đánh liều tăng giá bán để bù vào chi phí vận hành nhưng khi cơ quan chức năng phát hiện họ sẽ bị xử phạt nặng.
Hiện nay chỉ có hệ thống của các ông lớn xăng dầu vừa chủ động nhập xăng dầu, vừa có hệ thống cửa hàng bán lẻ mới có thể hoạt động ổn định. Các doanh nghiệp xăng dầu quy mô nhỏ và vừa bị bất lợi vì họ lệ thuộc hoàn toàn vào mức chiết khấu từ các doanh nghiệp đầu mối.
Trong vài tháng cuối năm ngoái, tình trạng “chiết khấu 0 đồng” đã giảm nhưng với mức chiết khấu mang tính tượng trưng chỉ 50 đồng/lít xăng ở một số thời điểm thì các doanh nghiệp nhỏ vẫn tiếp tục lỗ.
Cách giải tận gốc bài toán chiết khấu để các doanh nghiệp xăng dầu nhỏ và vừa có thể tồn tại là quy định mức chiết khấu tối thiểu cho họ. Đáng tiếc là, cho đến nay bài toán này còn bị bỏ ngỏ từ phía cơ quan chức năng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp xăng dầu nhỏ sẽ phải bỏ cuộc trong ấm ức và nợ nần.
Cái gì cũng có nguyên nhân. Biết rõ nguyên nhân, thì phải có cách xử lý đúng. Chưa biết rõ, thì dễ sa vào xử lý kiểu nửa vời. Nhưng đáng lo hơn cả, không cần biết nguyên nhân là gì, chỉ mải lo đi xử lý hậu quả thì khổ?
Nguyên nhân ? Hiểu nôm nay, căn nguyên vấn đề do con người gây ra. Vậy là rõ.