(KTSG Online) – Dự báo nửa cuối năm nay, tình hình có thể khó khăn hơn nhưng cũng có khả năng cải thiện khi chính sách thương mại của Mỹ rõ ràng hơn, theo đại diện của Standard Chartered Việt Nam. Vấn đề của doanh nghiệp là cần nâng cao hiệu quả chi phí và tiếp tục đa dạng thị trường.
- Việt Nam cần hơn 4 triệu tỉ đồng vốn để tăng trưởng GDP 8% năm 2025
- Tăng trưởng kinh tế 2025: Kỳ vọng từ nội lực đi lên

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong bối cảnh thế giới gặp thách thức từ thuế quan của Mỹ. Để hiểu thêm về rủi ro và cơ hội mà Việt Nam đang đối diện, KTSG Online đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Đầu tư, Standard Chartered Việt Nam, chia sẻ bên lề buổi tọa đàm về tổng quan kinh tế Việt Nam và Thế Giới trong nửa đầu năm 2025 tại TPHCM.
Đa dạng hóa thị trường và áp lực chi phí
KTSG Online: Với từ khóa “thuế quan” hiện nay, những rủi ro mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt là gì thưa bà?
- Bà Nguyễn Thúy Hạnh: Các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều trao đổi với chúng tôi về lo ngại tác động của chính sách thuế mới. Nhìn chung với biên lợi nhuận trung bình của ngành sản xuất chỉ khoảng 6-8%, mức thuế tăng thêm 10% thì dù có lạc quan đến mấy thì doanh nghiệp cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
Cũng cần lưu ý thêm rằng chính sách thương mại của Mỹ có thể áp dụng thuế toàn cầu chứ không nhắm đến một mặt hàng. Dĩ nhiên các doanh nghiệp cũng có chiến lươc đương đầu, nhưng sẽ có khó khăn trong bối cảnh phức tạp và bất ổn. Dự báo nửa cuối năm nay, tình hình có thể khó khăn hơn nhưng cũng có khả năng cải thiện, đặc biệt đối với thị trường Việt Nam khi chính sách thương mại của Mỹ rõ ràng hơn ở thời điểm đó.
Vậy bà có khuyến nghị gì với doanh nghiệp?
- Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered trong tọa đàm đã nói đến việc phân tán rủi ro, tìm kiếm thị trường mới và đánh giá lại sản lượng, nhưng cũng cần phải nói thêm rằng thuế tăng thì mới chỉ là một góc độ thôi, những nguyên liệu đầu vào khác có thể cũng sẽ tăng.
Biên lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng, nhưng để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng hơn và tốt hơn, chúng ta cũng phải xem lại cái chi phí vận hành xem thực sự đã hiệu quả chưa. Xu hướng của của tất cả các ngành hiện nay là số hóa và tự động hóa. Doanh nghiệp sử dụng người lao động ở những khâu có thể tạo ra giá trị nhiều hơn mà máy móc không thể thay thế.
Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam trong một thời gian rất dài qua đã cải thiện được sự hiệu quả, tăng năng suất. Ví dụ ngành ngân hàng thì có hai yếu tố là thu nhập và chi phí. Nếu như thu nhập bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào tăng hoặc thuế tăng, chúng ta cần phải quản lý để giảm chi phí thành phẩm.
Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng khá nhanh nhạy, không chỉ tập trung vào việc kiểm soát chi phí trong thời gian qua mà còn chủ động mở rộng thị trường. Các ngành xuất khẩu trọng điểm như nông sản, thủy sản, dệt may đều đã có sự chuẩn bị từ trước, đặc biệt sau ba năm Covid-19 khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, buộc doanh nghiệp phải phân tán rủi ro.
Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường không thể diễn ra ngay lập tức. Cũng may mắn là nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tìm kiếm đối tác mới từ trước, chứ không phải đợi đến khi ông Trump thay đổi chính sách thuế mới bắt đầu.
Một kỳ vọng tích cực là Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu. Quan điểm của bà về chính sách thu hút FDI của Việt Nam?
Quan sát của tôi thấy rằng sau dịch Covid-19, nguồn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam nhiều hơn, nhưng đây là sự dịch chuyển tự nhiên. Các chính sách Việt Nam không chỉ tập trung vào Trung Quốc mà rất mở, hướng đến việc thu hút đầu tư từ các quốc gia phát triển khác.
Định hướng lâu dài vẫn là thúc đẩy Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình đến cao. Nghĩa là phải phát triển ngành nghề trong nước nhiều giá trị hơn, sản phẩm của người lao động sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn, thu nhập vì thế sẽ tốt hơn do đòi hỏi kỹ năng cao hơn.
Từ năm 2012, gần như năm nào chúng tôi cũng đưa các nhà chức trách Việt Nam đi gặp gỡ nhà đầu tư trên thế giới, chủ yếu là khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ. Đây là hoạt động rất tốt dù nhiều năm qua Chính phủ không phát hành trái phiếu do nguồn vốn nội địa dồi dào.
Phản hồi nhận được đều rất tích cực, mọi người đều muốn có sản phẩm để tiếp tục đầu tư. Chính sách FDI của Việt Nam không phải chỉ để thích ứng với những khó khăn mà chính sách của Tổng thống Trump mang lại, mà trong thời gian dài đã nỗ lực cập nhật tình hình kinh tế, chính trị để các nhà đầu tư quốc tế có đủ thông tin đưa ra quyết định đầu tư.

Không quá lo ngại về lạm phát
KTSG Online: Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn năm ngoái. Bà có đánh giá gì về nhu cầu tín dụng?
Chúng tôi vẫn lạc quan về nhu cầu tín dụng năm 2025. Năm 2024 khá khó khăn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đạt hơn 15%. Định hướng năm nay là 16% và chúng tôi tự tin có thể đạt được.
Tăng trưởng tín dụng có thể đến từ một vài mảng chính, một là chi phí công, hai là chi phí tăng thêm phục vụ cho sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân. Với định hướng của Chính phủ đạt mức tăng trưởng trung bình cao thì tiền lương cho người tiêu dùng tăng lên, nên chúng tôi cũng hi vọng tăng trưởng tiêu dùng của người dân cũng sẽ tương ứng.
Đã có những lo ngại về câu chuyện điều hành tỷ giá, lãi suất và áp lực lạm phát, bà đánh giá như thế nào?
Về xu hướng lãi suất, từ năm 2024, chúng tôi đã dự báo rằng lãi suất có thể tăng. Tuy nhiên, trong thời gian dài Chính phủ cũng như NHNN giữ lãi suất thấp để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nhưng đồng thời giữ chính sách tiền tệ linh hoạt, cân đối giữa tỷ giá và lãi suất để gây dựng niềm tin vào tiền đồng. Cách điều hành chính sách tiền tệ này cũng sẽ giữ nguyên trong thời gian tới.
Còn về lạm phát nếu như ở mức 4,5% cũng không phải là rủi ro quá lớn, vì phần chúng ta được lợi sẽ nhiều hơn là rủi ro. Khi tăng trưởng kinh tế trên 8% thì các thành viên tham gia thị trường đều có lợi ích. Tuy nhiên, lạm phát tăng có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhiều hơn nếu tiền lương và công việc không tăng lên tương ứng.
Trong một thời gian dài thì kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 6-7%, khoảng 15 năm trở lại đây thì cũng có lúc lạm phát tăng cao như thế. Tôi tin chính phủ sẽ luôn sẽ có biện pháp phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cuối cùng, bà có thể nói riêng một chút về Standard Chartered thích ứng như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Bối cảnh thế giới năm 2025 chưa rõ ràng, đặc biệt với chính sách của ông Trump, ngân hàng đã có sự chuẩn bị nhất định. Với mạng lưới hoạt động tại 52 quốc gia, chúng tôi có sự phân tán rủi ro nhất định vì không phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Để đáp ứng với sự thay đổi và chuyển mình của thị trường thì ưu tiên hàng đầu của chung tôi vẫn là tiếp tục sử dụng công nghệ, số hóa để làm sao hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời mang đến nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng và đối tác tại Việt Nam.
Là ngân hàng quốc tế với hơn 120 năm hoạt động tại Việt Nam, thông qua hợp tác với khách hàng và đối tác, chúng tôi cam kết thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện đối với tài chính bền vững, hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050 và thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng cho quốc gia.
Xin cảm ơn bà!