Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vẫn là bán cái mình có!

Đức Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Báo Thanh Niên đưa tin Việt Nam là một trong rất ít quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu được xoài vào thị trường Nhật Bản. Vì hạn mức nhập khẩu xoài do phía Nhật Bản đưa ra thấp, tổng cộng chỉ hơn 7.611 tấn mỗi năm nên sản lượng xoài Việt Nam vào Nhật Bản không nhiều. Tuy nhiên, so với đối thủ cạnh tranh lớn nhất khu vực là Thái Lan thì sản lượng xoài của Việt Nam đưa vào Nhật Bản không hề kém cạnh. Cái mà xoài Việt Nam thua Thái Lan ở thị trường Nhật, thậm chí là thua rất nặng, chính là giá cả.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết xoài Việt Nam ở thị trường Nhật chỉ bán được với giá 370 yen/ki lô gam, chưa bằng một nửa so với mức 765 yen/ki lô gam của xoài Thái. Giá xoài Việt Nam bán ở Nhật cũng là thấp nhất so với xoài của sáu quốc gia và vùng lãnh thổ được xuất khẩu vào nước này.

Thông tin của ông Tạ Đức Minh về khẩu vị cũng như thị hiếu của người Nhật đối với trái xoài có thể phần nào lý giải được nguyên nhân xoài Việt Nam đứng chót bảng về giá cả ở thị trường Nhật Bản. Ông cho biết, người tiêu dùng Nhật Bản thích loại trái cây tươi không quá đậm mùi, mùi không quá thơm. Họ thích quả xoài có mùi hương nhẹ; quả xoài một phần vỏ má hồng đỏ, phần còn lại là màu xanh.

Có thể còn những nguyên nhân khác khiến cho xoài Việt Nam không bán được giá ở thị trường Nhật Bản, nhưng suy cho cùng, trái xoài Việt Nam theo khẩu vị của người Nhật là không ngon và nhìn không bắt mắt, mới là yếu tố quyết định.

Thông thường, để có thể chinh phục thành công một thị trường mới nhà xuất khẩu trước tiên phải tìm hiểu thông tin về thị hiếu của người tiêu dùng trước, rồi từ đó mới thiết kế ra những sản phẩm có đầy đủ những yếu tố để có thể chinh phục họ.

Với mặt hàng trái cây cũng vậy, nếu muốn xuất khẩu thành công lẽ ra Việt Nam cần tìm hiểu thông tin về khẩu vị và thị hiếu của người bản xứ trước, rồi xác định loại giống cũng như vùng trồng thích hợp để cho ra được loại sản phẩm phù hợp với khẩu vị và thị hiếu người dùng tại mỗi thị trường mục tiêu. Nhưng dường như Việt Nam vẫn đang làm ngược, tức chọn những sản phẩm mình có sẵn để xuất khẩu. Đây là hiện trạng khá phổ biến của ngành trái cây Việt Nam.

Hiện trạng này có thể là do Việt Nam chưa có chiến lược thị trường rõ ràng và chi tiết cho từng loại cây ăn trái. Đặc điểm chung của ngành này hầu hết vẫn dựa vào sức tiêu thụ của thị trường nội địa là chính, việc xuất khẩu chỉ là phụ, khá bị động và chủ yếu xuất tiểu ngạch qua đường bộ sang Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, việc nhà vườn ưu tiên chọn trồng loại giống được thị trường trong nước ưa chuộng, hơn là theo khẩu vị của thị trường xuất khẩu, là điều dễ hiểu. Vì vậy, với trái xoài, đương nhiên các nhà vườn sẽ ưu tiên trồng Cát Chu hoặc Cát Hòa Lộc hơn so với loại “có mùi hương nhẹ, quả xoài một phần vỏ má hồng đỏ, phần còn lại là màu xanh” mà người Nhật ưa thích.

Cũng như Thái Lan, nước xuất khẩu trái cây hàng đầu châu Á, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại trái cây nhiệt đới. Tuy nhiên, ngành trái cây xuất khẩu Việt Nam hiện nay hầu như chỉ để tâm đến thị trường Trung Quốc, trong khi bỏ ngỏ rất nhiều thị trường khó tính nhưng nhiều tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc…

Để hóa giải nghịch lý này thì không thể thiếu bàn tay của Nhà nước. Theo đó, điều cơ quan quản lý ngành nông nghiệp và ngành công thương cần làm là xác định loại giống và quy hoạch vùng trồng phù hợp cho từng loại cây trái theo thị hiếu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu mục tiêu. Song song đó là tăng cường đầu tư cho xúc tiến thương mại để mở thị trường và chuyển giao kỹ thuật để trái cây Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Làm được như vậy thì trái cây Việt Nam mới có hy vọng bắt kịp Thái Lan về quy mô xuất khẩu cũng như về giá cả.

2 BÌNH LUẬN

  1. Sở dĩ VN trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo, theo tôi nhờ nhà nước ưu tiên cho các viện nghiên cứu lúa gạo từ rất lâu. Thái Lan có nhiều viện nghiên cứu giống trái cây, các viện nghiên cứu này hỗ trợ nông dân trong việc phát triển các loại trái cây đủ loại. Điển hình như trái thanh long, khi VN xuất khẩu trái thanh long ruột trắng thì chính Thái Lan đã đưa ra thị trường thanh long ruột đỏ .Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các viện nghiên cứu giống cây trồng trong việc phát triển các loại trái cây, rau củ, giúp nông dân làm giàu nhờ nông sản xuất khẩu.

  2. Mỗi thị trường mỗi khác. Với Nhật, sản phẩm gì họ muốn mua thì trước hết phải hợp với khẩu vị và sở thích. Bởi vậy mới có câu chuyện chính người Nhật qua VN để tự khảo sát, tiến hành hợp tác với ta để trồng trọt và xuất bao tiêu sản phẩm về chính quốc. Chỉ có những sản phẩm mang tính đặc thù VN mới được họ quan tâm như vậy. Do vậy, không phải cứ có sản phẩm để bán đại trà là ổn. Mà phải là sản phẩm đặc thù, độc đáo, trên cơ sở nghiên cứu cặn kẽ nhu cầu của từng loại hình thị trường nhất định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới