Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Văn minh gì “gạch đá”!

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ năm 2019, Việt Nam đã có Luật An ninh mạng, trong đó có quy định xử phạt hành vi dùng mạng xã hội để xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, khá cụ thể. Trước đó, tội danh này cũng đã được quy định trong luật hình sự (điều 155, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017) và nghị định (điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP) với mức phạt đủ sức răn đe. Cho dẫu vậy, “ném đá”, xúc phạm nhân phẩm và bôi nhọ danh dự người khác vẫn là hiện tượng phổ biến trên mạng xã hội hiện nay.

Phổ biến nhưng khó kiện

Mạng xã hội rõ ràng đáp ứng nhu cầu bộc lộ tiếng nói, quan điểm, hình ảnh và giá trị cá nhân trong đời sống hiện đại. Nhưng phía sau sự tự do thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, thái độ trước các vấn đề quan tâm, thì cũng như trong đời sống thực, mạng xã hội cần ở người sử dụng một ý thức văn minh thực sự đặt trên nguyên tắc căn bản: tôn trọng cuộc sống khác biệt của tha nhân, đừng để tự do của bản thân can thiệp, xâm hại đến cuộc sống và tự do của người khác.

Quá dễ để tạo ra một nick ảo nhằm bảo vệ các giá trị chủ quan mà mình cho là đúng, và ngược lại - tấn công hay miệt thị người khác. Cũng quá dễ để “lên sóng” tạo ảnh hưởng bằng các thông điệp trực tiếp trước nhiều sự kiện nóng bỏng, bới móc đời tư thiên hạ chỉ để nhanh chóng khẳng định bản thân. Có quá nhiều cách để đẩy mạnh mức độ tương tác, “mua sự ảnh hưởng” bằng các chương trình quảng cáo, nhằm xây dựng một thứ quyền lực truyền thông cá nhân chi phối nhiều người.

Điều lạ lùng là đại chúng theo dõi mạng xã hội cũng dễ dàng chấp nhận, thậm chí thu nạp những xung đột truyền thông và đẩy bùng lên bằng sự chia sẻ, bàn luận không phải bao giờ cũng từ hiểu biết và trách nhiệm. Từ đó, nhiều chuyện nhỏ được phóng đại trở nên to tát và mất kiểm soát.

Tuy nhiên, các vụ xử an ninh mạng về xâm phạm quyền riêng tư, danh dự và uy tín cá nhân hiện được xem là khó khăn vì cần vi bằng thuyết phục (vì nhiều người hùng hồn xúc phạm người khác, lan truyền qua nhiều tài khoản nhưng sau đó đã nhanh chóng xóa dấu tích). Trong khi đó, mức độ ảnh hưởng của người bị hại lại liên quan tới sức khỏe tâm lý và tinh thần không dễ minh chứng cụ thể. Đó là chưa kể các màn ném đá nặc danh phải cần đến công cụ điều tra công nghệ đặc biệt để xác định thủ phạm... Đây cũng là những lý do khiến người hoặc tổ chức bị hại thường chỉ “đánh động” để kẻ phạm tội buông tha, hơn là tìm đến tòa án.

Quyền năng KOL

KOL (viết tắt của “Key Opinion Leader”) từng là một thuật ngữ trong ngành marketing, để chỉ người dẫn dắt dư luận chủ chốt trong việc truyền thông mặt hàng mà anh ta có chuyên môn thẩm định, đánh giá. Trên mạng xã hội, từ này đã được mở rộng hơn về hàm nghĩa, để chỉ những người có ảnh hưởng nói chung, kể cả những ảnh hưởng ngoài trang bị chuyên môn. Sức ảnh hưởng của KOL từ các phát ngôn vô trách nhiệm, những quan điểm chủ quan, thiếu thấu đáo, cho đến các ý đồ bôi nhọ và tấn công người khác được thực hiện quá dễ dàng và họ không màng tới hệ lụy hay hậu quả mà người khác phải gánh chịu.

Từ lâu, các chuyên gia tâm lý đã cảnh báo trong một thế giới mà “sự ảnh hưởng” được đo bằng số lượt truy cập, follow (theo dõi), subscribe (đăng ký, tán thành) hay bày tỏ cảm xúc yêu thích, bình luận và share (chia sẻ) thì cần phải có sự phản tỉnh về hệ giá trị. Cái đúng, cái tích cực không hẳn nằm ở chỗ những ảnh hưởng theo tâm lý đám đông.

Cần nhớ lại trong thời gian đại dịch căng thẳng vào khoảng nửa cuối năm 2021, khi cuộc sống đầy rẫy bức bối, âu lo và sợ hãi, các KOL đã có những cuộc điều hướng dư luận mạnh mẽ thế nào. Thậm chí nhiều người, có cả người trong giới làm truyền thông, cho rằng những buổi livestream của KOL Nguyễn Phương Hằng là “hiện tượng truyền thông” khi số lượt xem đạt hơn 1 triệu. Sức ảnh hưởng của những buổi “điều qua tiếng lại” với các nghệ sĩ, nhà báo về đời tư, chuyện bếp núc từ thiện... đã đưa dư luận đi hết màn kịch tính này đến màn kịch tính khác. Ở đó, danh dự, đời tư của nhiều người trở thành chất liệu cho các buổi livestream nổi đình nổi đám.

Việc KOL Nguyễn Phương Hằng và mở rộng những người liên quan bị bắt để điều tra đang là vấn đề được xã hội quan tâm. Chuyện đúng, sai ở mức độ nào; sự ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm, tác động gây hại cho người khác ra sao thì còn chờ đến những phiên tòa. Nhưng đây có thể xem là một vụ việc điển hình để cộng đồng mạng cần xem lại các biểu hiện văn hóa bất ổn và vi phạm pháp luật lẫn đạo lý nhưng từ lâu cứ được xem là bình thường. Đây cũng là sự việc cho thấy những người cảm thấy mình bị thiệt hại bởi những “gạch đá” ở trên mạng xã hội hoàn toàn có thể sử dụng các công cụ pháp luật để bảo vệ mình hoặc tổ chức của mình.

Đã có luật thì sự nghiêm minh thực thi pháp luật cần được chứng minh, để những giá trị văn minh được đảm bảo, trên mạng cũng như trong đời sống thực. n

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới