Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vấn nạn doanh nghiệp ma và bài toán quản lý đăng ký doanh nghiệp

Lưu Minh Sang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vào một ngày không đẹp trời gần đây, trong lúc làm một số thủ tục với cơ quan thuế, ông anh của tôi phát hiện ra mình bỗng nhiên trở thành chủ sở hữu và người đại diện theo pháp luật của đến hai công ty trách nhiệm hữu hạn, đều được đăng ký từ năm 2021. Mặc dù, anh ấy chỉ đăng ký thành lập một công ty...

Bỗng nhiên trở thành chủ doanh nghiệp

Điều ấy đồng nghĩa có ai đó đã lấy cắp thông tin và giấy tờ cá nhân của anh để giả mạo làm thủ tục đăng ký công ty còn lại. Đáng nói hơn, công ty giả mạo đang được ghi nhận trạng thái ngừng hoạt động và đang nợ thuế nhà nước. Chưa kể, nó còn đang được xếp vào nhóm doanh nghiệp có rủi ro cao trong quản lý, sử dụng hóa đơn. Sự hiện diện của một công ty từ “trên trời rơi xuống” với một lai lịch “bất hảo” đang tạo nên rất nhiều rắc rối về mặt pháp lý, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của anh ấy.

Với nhiều người, khi thoạt nghe qua câu chuyện này, có thể nghĩ rằng đó là một trường hợp cá biệt và hy hữu. Tuy nhiên, nếu quan sát và theo dõi tình hình thời sự thời gian qua, dễ dàng nhận thấy đây không còn là câu chuyện của một cá nhân hay một hiện tượng mới mà đã dần trở thành một vấn nạn phổ biến.

Hành vi giả mạo đăng ký thành lập doanh nghiệp nói riêng và sự xuất hiện của rất nhiều doanh nghiệp “ma” nói chung đang trở thành một thách thức lớn trong công tác quản lý doanh nghiệp. Theo công bố từ các cơ quan hữu trách, hàng ngàn doanh nghiệp ma đã được phát hiện, gắn liền với các vụ án hình sự đã đưa ra xét xử.

Những doanh nghiệp này được thành lập dưới nhiều hình thức khác nhau, từ việc lợi dụng kẽ hở trong quy trình pháp lý đến các vi phạm pháp luật trắng trợn, tinh vi và phức tạp. Một số thủ đoạn phổ biến có thể kể đến là giả mạo đăng ký thành lập doanh nghiệp hay nhờ người thân, họ hàng, nhân viên đứng tên hộ.

Phần nhiều trong số đó không tồn tại về mặt thực tế, không có trụ sở hoạt động hoặc nhân sự, chỉ xuất hiện trên giấy tờ. Mục tiêu chính của việc thành lập doanh nghiệp này là tạo vỏ bọc pháp lý cho những hành động phi pháp như gian lận thương mại, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, thực hiện các chiêu trò lừa đảo hoặc tạo lập hồ sơ khống vay tiền của ngân hàng. Thực tế cho thấy, qua những đại án ngân hàng và các vụ án về các loại tội phạm kinh tế đã được đưa ra xét xử gần đây, hàng loạt doanh nghiệp ma đã được phát hiện và xử lý.

Vấn nạn này tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho môi trường kinh doanh và xã hội, cả về mặt an ninh, kinh tế và pháp lý. Thấy rõ nhất là sự hao tốn nguồn lực cho công tác quản lý, đồng thời làm gia tăng nguy cơ gây thất thu thuế. Tiếp đến là tính lành mạnh của môi trường kinh doanh bị đe dọa khi những doanh nghiệp chân chính lại phải cạnh tranh không công bằng với “bóng ma” của nền kinh tế. Sự diện diện của những doanh nghiệp ma có thể dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu kinh tế và ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách kinh tế, tài chính. Người dân cũng sống trong trạng thái bất an, như trường hợp của ông anh tôi, người đã vướng vào rắc rối vì bị người khác mạo danh.

Tác dụng phụ của cải cách quy trình đăng ký doanh nghiệp?

Qua hơn 20 năm triển khai và thực hiện Luật Doanh nghiệp, chỉ số “Khởi sự kinh doanh” của Việt Nam đã có rất nhiều bước cải thiện đáng kể, với điểm số liên tục tăng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh. Cải cách trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp khá rõ nét với mức độ chuyển đổi số cao. Thủ tục hành chính được đơn giản hóa, khá thuận tiện và ít rào cản, nhưng đồng thời cũng tạo nên “tác dụng phụ” khi mở ra kẽ hở để một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thành lập các doanh nghiệp ma nhằm thực hiện các hành vi bất chính.

Quy trình đăng ký doanh nghiệp và công tác hậu kiểm vẫn còn thiếu sự chặt chẽ, đồng bộ, dẫn đến các hành vi giả mạo hay thông tin sai lệch có thể dễ dàng qua mặt được hệ thống kiểm soát.

Một số vấn đề cần được hoàn thiện đã được gọi tên như: (1) quy định về xác thực thông tin khi thành lập doanh nghiệp còn lỏng lẻo; (2) cơ chế chia sẻ dữ liệu sau giai đoạn thành lập giữa các cơ quan nhà nước và các bên liên quan còn hạn chế; (3) không có quy định cụ thể về thời hạn cơ quan đăng ký kinh doanh xử lý đối với trường hợp phát hiện nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo.

Giải pháp nào cho vấn nạn doanh nghiệp ma?

Trước bối cảnh này, nhiều đề xuất đã được đưa ra trên các diễn đàn nhằm giải quyết vấn nạn như: buộc phải công chứng đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp; phải bổ sung giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của cá nhân, tổ chức là cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu của doanh nghiệp; hoặc giới hạn số lượng doanh nghiệp mà một cá nhân được thành lập...

Tất cả đề xuất nêu trên đều có thể giúp cho các cơ quan hữu trách dễ dàng kiểm soát và giải quyết được vấn nạn này. Tuy nhiên, hệ quả của các đề xuất này là tạo nên gánh nặng thực hiện thủ tục hành chính, cản trở quyền tự do kinh doanh và đi ngược lại xu thế quốc tế chung là “tiền đăng hậu kiểm”. Điều này có thể kéo lùi mức độ cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam so với các nước, đặc biệt là với chỉ số khởi sự kinh doanh.

Theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của WB năm 2020, dù đã có nhiều cải cách nhưng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam vẫn nằm ngoài tốp 100 (xếp hạng 115/190 quốc gia được khảo sát). Nếu xét trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng trên Malaysia, Indonesia, Philippines, Lào và Campuchia và xếp sau Singapore, Brunei, Thái Lan và Myanmar. Nếu tính hiệu quả của các cải cách từ Luật Doanh nghiệp 2020 (có hiệu lực từ năm 2021) thì cao lắm, Việt Nam chỉ có thể tăng từ 20-25 bậc, nhưng vẫn ở thứ hạng khá thấp so với thế giới.

Vì lẽ đó, xu hướng cải cách trong hoạt động quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian qua có thể nói là đúng hướng, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa thủ tục khởi sự kinh doanh thay vì dựng lên các hàng rào kỹ thuật. Tất nhiên, vấn nạn doanh nghiệp ma vẫn cần được giải quyết và giải pháp phải thỏa mãn cùng lúc hai mục tiêu: (i) tiếp tục cải cách, đơn giản hóa quy trình khởi sự kinh doanh; (ii) ngăn chặn hành vi giả mạo đăng ký thành lập doanh nghiệp và sự ra đời của các doanh nghiệp ma.

Trước hết, cần khai thác giá trị đến từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc xác thực thông tin khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Các chủ thể sẽ sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục. Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể tích hợp thông tin cá nhân từ cơ sở dữ liệu này vào hồ sơ đăng ký và xác thực, vừa giúp ngăn chặn hành vi giả mạo hồ sơ, đồng thời cắt giảm nghĩa vụ kê khai thông tin cá nhân và nộp bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân.

Về lâu dài, việc áp dụng công nghệ blockchain trong quản lý thông tin doanh nghiệp cũng có thể là một giải pháp hiệu quả, giúp đảm bảo tính minh bạch và không thể chỉnh sửa thông tin gian lận.

Ngoài ra, đối với trường hợp ủy quyền thành lập doanh nghiệp, người viết đồng ý với kiến nghị cần bổ sung quy định người ủy quyền phải thực hiện xác thực điện tử với cơ quan đăng ký kinh doanh thông qua phương tiện xác thực để xác nhận việc ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ chế thông báo kết quả xử lý hồ sơ đăng ký qua số điện thoại cá nhân cũng là một giải pháp giúp người dân phát hiện kịp thời nếu xảy ra tình trạng bị mạo danh.

Như đã nêu, cơ chế “tiền đăng hậu kiểm” cần tiếp tục duy trì và đổi mới để phù hợp với bối cảnh hạn chế về nguồn lực nhân sự của các cơ quan liên quan. Việc chia sẻ cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sau giai đoạn đăng ký giữa các cơ quan quản lý để phục vụ mục tiêu hậu kiểm và quản lý là vô cùng quan trọng. Dù điều 215 Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định vấn đề này nhưng vẫn thiếu hướng dẫn chi tiết. Do vậy, quy định này cần được hướng dẫn và thực hiện một cách đồng bộ để tạo cơ sở cho việc xây dựng những công cụ hậu kiểm tự động.

Hiện tại, một số ngành như thuế, hải quan hay một số địa phương như Đà Nẵng, Bình Dương... đã xây dựng được hệ thống và công cụ nhằm dự báo sớm những rủi ro liên quan đến doanh nghiệp nhờ vào việc chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, phần lớn những hệ thống này vẫn còn mang tính cục bộ, chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các ngành cũng như giữa trung ương đến địa phương.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chia sẻ và liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi. Bởi lẽ trên thực tế, cơ chế chia sẻ dữ liệu hai chiều giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu giữa ngành thuế, bảo hiểm xã hội đã được hình thành và vận hành khá hiệu quả, cho thấy tiềm năng trong việc mở rộng áp dụng rộng rãi hơn.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới