(KTSG) - Các công ty phụ thuộc cửa ngõ nhập khẩu hàng hóa ở Bờ Tây đang chuyển sang các vùng khác của Mỹ khi thương mại toàn cầu xáo trộn.
Nhà sản xuất bút vẽ Newell Brands Inc. đang mở các trung tâm phân phối ở Pennsylvania và Bắc Carolina để giảm bớt sự phụ thuộc vào các cảng biển ở California; Abercrombie & Fitch Co. dần chuyển nhiều hàng hóa hơn qua New York và New Jersey để tránh tắc nghẽn ở Bờ Tây; Công ty sản xuất điều hòa không khí Trane Technologies PLC đang gửi phần lớn hàng hóa năm nay qua các cảng ở miền Nam nước Mỹ, thay vì khu vực Los Angeles.
Hệ thống phân cấp các cảng Mỹ dần lung lay. Các công ty trong nhiều ngành đang cân nhắc lại cách thức và địa điểm vận chuyển hàng hóa sau nhiều năm phụ thuộc Bờ Tây làm điểm nhập khẩu, đặt cược rằng các cảng ở Bờ Đông và miền Nam có thể giúp họ tiết kiệm thời gian và tiền bạc đồng thời giảm thiểu rủi ro.
Vào tháng 8-2022, Los Angeles mất danh hiệu cảng nhộn nhịp nhất quốc gia vào tay cảng New York và New Jersey tính theo số lượng container nhập khẩu. Theo dữ liệu của Hiệp hội Vận chuyển Thương mại Thái Bình Dương (PMSA) và dữ liệu cảng, Los Angeles một lần nữa xếp sau đối thủ Bờ Đông trong tháng 9 và tháng 10.
Craig Grossgart, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng đường biển toàn cầu của Seko Logistics, công ty giao nhận vận tải có trụ sở tại Itasca, bang Illinois, cho biết: “Mọi người đang mở rộng chuỗi cung ứng của họ. Rất nhiều khách hàng gặp rắc rối to vì hoàn toàn phụ thuộc vào Los Angeles và Long Beach”.
Bất kỳ thay đổi nào trong dòng chảy thương mại đều quan trọng đối với các cảng và thành phố liên quan. Cảng Los Angeles tạo ra 1,1 triệu việc làm cho California, trong khi cảng Long Beach hỗ trợ hơn 316.000 việc làm ở Nam California, theo PMSA. Cảng New York và New Jersey đã hỗ trợ 506.000 việc làm tính đến năm 2019, theo Hiệp hội Vận tải New York và New Jersey.
Bờ Tây có thể lấy lại phần nào thương mại đã mất nếu các thành viên của Hiệp hội Kho bãi và Lao động xếp dỡ quốc tế - những người đã làm việc không có hợp đồng kể từ ngày 1-7, đồng ý với một hiệp ước mới với các công ty vận tải biển và các công ty tư nhân điều hành các hoạt động bốc xếp hàng hóa từ California đến tiểu bang Washington. Tuy nhiên, một số công ty có thể quyết định rằng việc quay trở lại là quá rủi ro hoặc hợp lý hơn khi có nhiều lựa chọn hơn trên khắp đất nước.
Gene Seroka, Giám đốc điều hành của Cảng Los Angeles, cho biết ông đã mất khoảng 21% lượng hàng hóa từ tháng 8 đến tháng 11-2022 và dự đoán rằng khoảng 5% lượng hàng có thể ra đi vĩnh viễn.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ phải chiến đấu để giành lại từng chút một”.
Dịch chuyển thương mại sang Bờ Đông đánh dấu sự trở lại nơi khởi nguồn của các tàu container. Ngành công nghiệp này bắt đầu vào năm 1956 khi Ideal X, tàu chở dầu đã được chuyển đổi, xuất phát từ Newark, bang New Jersey, mang theo 58 thùng hàng đến Houston. Những container này giúp việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trở nên dễ dàng và sau đó xếp chồng các thùng hàng lên tàu tiếp tục hành trình.
Hệ thống giao thông mới đã giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác trên thế giới, tạo tiền đề cho sự bùng nổ thương mại toàn cầu. Khi Trung Quốc nổi lên như nhà xuất khẩu hàng hóa giá rẻ chiếm ưu thế đối với các nhà bán lẻ khổng lồ của Mỹ như Walmart Inc. thì California, do vị trí địa lý gần khu vực này của thế giới, đã trở thành cửa ngõ nhập khẩu lý tưởng vào Mỹ. Từ đó hàng hóa có thể được di chuyển bằng đường sắt và đường bộ trên khắp đất nước.
Theo dữ liệu được phân tích bởi ông Jason, Chủ tịch lâm thời của khoa Quản trị chuỗi cung ứng thuộc Đại học Michigan, đến năm 2003, các cảng Bờ Tây từ Seattle đến San Diego đã xử lý khoảng 70% hàng hóa nhập khẩu bằng container từ châu Á tính theo trọng lượng, với hầu hết trong số đó vận chuyển qua Los Angeles và Long Beach.
Một loạt diễn biến đã làm giảm sự thống trị của Bờ Tây, bao gồm cả việc mở rộng kênh đào Panama vào năm 2016 giúp các tàu lớn hơn đến các vùng khác nhau của đất nước dễ dàng hơn và các mức thuế quan mới đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt. Căng thẳng gia tăng giữa Washington, D.C. và Bắc Kinh về thương mại đã khiến các giám đốc điều hành người Mỹ bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất sang các nước bên ngoài Trung Quốc, nghĩa là các cảng Bờ Đông có ý nghĩa hơn trong vai trò cửa ngõ nhập khẩu hàng hóa.
Đại dịch càng tạo thêm động lực cho các công ty đẩy mạnh vận chuyển đến nửa phía Đông của nước Mỹ khi lượng tàu dồn ứ tăng cao tại các cảng lớn phía Nam California bắt đầu từ năm 2020.
Larry Grischow, Phó chủ tịch điều hành chuỗi cung ứng và thu mua của Abercrombie & Fitch, cho biết ngày nay công ty vận chuyển 25% hàng quần áo của mình qua các cảng Bờ Đông, chủ yếu là New York và New Jersey. Ngay cả sau khi công ty quay trở lại sử dụng đường sắt, ông vẫn mong muốn sử dụng Bờ Đông làm trung tâm - đặc biệt là khi nhiều hoạt động sản xuất hàng may mặc của công ty chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia như Indonesia và Bangladesh có thể kết nối với Bờ Đông thông qua các tuyến hàng hải xuyên kênh đào Suez.
Newell, công ty có trụ sở tại Atlanta, nơi sản xuất nến Yankee Candles và bút Sharpie, là một công ty khác đã quyết định mở rộng mạng lưới phân phối ở các bang phía Đông. Họ làm vậy nhằm tiết kiệm tiền, giảm rủi ro và tiến gần hơn một số khách hàng của mình.
“Điều quan trọng là chúng tôi không muốn bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, Chris Peterson, Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của Newell, cho biết trong một cuộc phỏng vấn về chủ đề này vào tháng 4.
Mối đe dọa về một cuộc đình công của công nhân bến cảng trong năm nay càng tạo thêm động lực để một số công ty chuyển khỏi Bờ Tây. Trane Technologies, công ty sản xuất hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí cho các tòa nhà và phương tiện giao thông, đã từng nhập khẩu hơn một nửa số hàng hóa của mình cho thị trường Bắc Mỹ thông qua các cảng ở phía Tây của đất nước, chủ yếu là Los Angeles và Long Beach.
Năm nay, công ty của Ai Len này gửi 70% sản phẩm của mình, chẳng hạn như thiết bị sưởi ấm và không khí cũng như phụ tùng qua Bờ Đông, chủ yếu vì các cuộc đàm phán lao động. Phần lớn sẽ qua Savannah, một số cũng vận chuyển qua Charleston, Jacksonville, bang Florida, và Houston. Trane có doanh thu hàng năm hơn 14 tỉ đô la.
Nhà khai thác cảng Savannah đang thực hiện một số biện pháp nhằm chuẩn bị cho khối lượng hàng hóa lớn hơn. Họ đang chi hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ trong vài năm tới để tăng gấp đôi số lượng cầu bến nhằm tăng khả năng dỡ hàng từ các tàu container lớn và dự kiến vào năm tới sẽ hoàn thành một nhà kho rộng 27.900 mét vuông cho phép các nhà nhập khẩu nhanh chóng chuyển hàng hóa từ các container đường biển sang xe đầu kéo để phân phối nội địa.
Griff Lynch, Giám đốc Cơ quan Quản lý cảng Georgia là bên điều hành cảng Savannah, cho biết các công ty sẽ không đầu tư lớn vào kho bãi và trung tâm phân phối ở khu vực Savannah nếu đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Theo The Wall Street Journal