(KTSG) - Nếu giữ làm của để dành, nhà đầu tư thông minh sẽ mua vàng nhẫn bốn số chín thay vì vàng miếng SJC vì chất lượng như nhau trong khi vàng miếng SJC đắt hơn trên 10 triệu đồng/lượng tùy thời điểm. Vàng bốn số chín nào cũng là vàng - một doanh nhân đã từng lăn lộn hàng chục năm trong ngành vàng nhận xét.
- Vàng thế giới tiếp tục giảm sâu, vàng trong nước vẫn giữ giá
- Đồng euro về ngang giá với đô la Mỹ, giá vàng tiếp tục rớt mạnh
Năm 1994, đúng năm năm sau ngày dập lượng vàng miếng đầu tiên, Công ty Vàng bạc Đá quý TPHCM (SJC) thông báo đã gia công một triệu lượng vàng, tương đương 37,6 tấn. Từ chỗ chiếm hơn 90% lượng vàng lưu thông trên thị trường, ngày hôm nay vàng miếng SJC chỉ còn chiếm dưới 10% thị phần. Thanh khoản vàng miếng SJC èo uột đến mức mua khoảng 100 lượng, bán chừng 100 lượng/ngày trên phạm vi toàn quốc. Đại diện một ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng cho biết lâu lâu mới có khách hàng giao dịch vài lượng. Ngân hàng ông đã bỏ dịch vụ giữ hộ vàng. Một số ngân hàng cho thuê két sắt và người có vàng có thể gửi ở két sắt. Một ngân hàng cổ phần từng có cái kho rộng chuyên trữ vàng huy động cách đây hơn thập kỷ báo phí giữ hộ vàng hiện tại là 10.000 đồng/chỉ/tháng. Tính ra mỗi năm mất 1,2 triệu đồng phí/lượng nếu gửi vàng ở ngân hàng.
Nhu cầu về vàng giảm mạnh đến mức nó trở thành kênh đầu tư lép vế so với tiền đồng, chứng khoán và đặc biệt là bất động sản. Năm tháng đầu năm nay doanh số mua bán vàng miếng trên địa bàn TPHCM, theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố, chưa tới 400.000 lượng. Doanh số mua vào giảm 15%, bán ra giảm 12% so với cùng kỳ.
Khi Nghị định 24 về quản lý, kinh doanh vàng ra đời và có hiệu lực từ giữa năm 2012, sự liên thông giữa giá vàng quốc tế và trong nước bị cắt đứt, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, nhu cầu vàng lao dốc kiên trì, bền bỉ. Chủ trương của Nhà nước làm cho người ta “chán” vàng kéo dài suốt nhiều năm. Cả giai đoạn 2014-2019 giá vàng SJC xoay quanh ngưỡng 35-36 triệu đồng/lượng. Sức hấp dẫn của hoạt động đầu cơ cũng như đầu tư là biến động giá. Giá lên cũng được. Giá xuống cũng được. Cứ có chênh lệch giá là người ta đầu tư. Tuy nhiên giá vàng SJC bấy nhiêu năm cứ đứng ì một chỗ bất chấp giá thế giới lên xuống. Hệ lụy vàng bị “chán” cuối cùng phát huy tác dụng.
Ngân hàng Nhà nước nên chăng khảo sát đầy đủ nhu cầu vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang và đứng ra nhập khẩu ở mức vừa đủ để cung ứng cho các doanh nghiệp chế tác nữ trang.
Người ta mua vàng ít hơn, bán vàng nhiều hơn suốt thời gian 2016-2019, dẫn tới cán cân cung cầu lệch về cung, nhập vàng lậu chuyển sang xuất vàng lậu. Không ít tháng hoạt động thu mua ngoại tệ mặt của các ngân hàng tăng vọt 500 triệu đô la Mỹ/tháng. Sau khi tính toán nguồn cung ngoại tệ mặt ngân hàng mua được từ du lịch, kiều hối, khách vãng lai..., giới ngân hàng khẳng định đô la mặt lúc ấy còn có nguồn gốc từ xuất vàng lậu. Vàng lậu xuất đi chủ yếu là vàng miếng SJC. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến lượng vàng SJC trên thị trường thu hẹp dần.
Nguyên nhân thứ hai làm thị phần vàng miếng SJC hao hụt là Nhà nước ngừng cấp quota dập vàng cho công ty SJC. SJC hiện nay chỉ chế tác vàng nữ trang và đổi vàng móp méo, hư hỏng bao bì cho người tiêu dùng với phí 140.000 đồng/lượng. Doanh thu của công ty SJC từng đạt 110.000 tỉ đồng năm đỉnh cao 2011, năm ngoái tụt xuống gần 18.000 tỉ đồng.
Sự ổn định của các chỉ số vĩ mô và tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đã và đang củng cố vị thế, giá trị của tiền đồng cũng góp phần làm “lung lay” ảnh hưởng của vàng. Tiền đồng có vị thế độc tôn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch đều phải thực hiện bằng tiền đồng. Những giao dịch tiến hành bằng ngoại tệ nếu không được phép đều là bất hợp pháp. Vàng đã mất chức năng thanh toán. Bây giờ nó đơn thuần là một thứ hàng hóa kim loại quý hiếm, do đó chủ trương “ổn định thị trường vàng, không ổn định giá vàng” của Nhà nước hoàn toàn phù hợp với điều kiện quốc tế và trong nước.
Trên thế giới không có quốc gia nào đặt mục tiêu bình ổn giá vàng trong chính sách tiền tệ. Sự biến động giá vàng không tác động đến giá trị đồng nội tệ. Đã có ý kiến đề xuất huy động vàng trong dân với ước tính dân đang giữ 500 tấn vàng. Chưa có một sự thống kê chính xác người dân có bao nhiêu vàng và 500 tấn chỉ là phỏng đoán. Huy động vàng trong dân chúng ta từng làm. Các ngân hàng từng huy động, cho vay vốn bằng vàng và hậu quả nặng nề của nó đối với nền kinh tế ra sao, các “cơn sốt” vàng tác động đến xã hội như thế nào, hẳn nhiều người chưa quên.
Thỉnh thoảng lại thấy Hội đồng Vàng thế giới công bố số liệu nhu cầu vàng của Việt Nam. Chẳng hạn theo tổ chức này, nhu cầu vàng năm 2019 của nước ta là 56,4 tấn. Quí 1-2022 nhu cầu là 19,6 tấn, tăng 6% so với mức 18,6 tấn của quí 4-2021. Ngân hàng Nhà nước, các công ty kinh doanh vàng mà người viết tham khảo ý kiến đều không biết Hội đồng Vàng thế giới dựa trên cơ sở nào để tính toán nhu cầu trên. Một công ty kinh doanh vàng nhận xét có thể Hội đồng Vàng thế giới lấy số liệu nhập khẩu vàng của Campuchia và cho rằng vàng Campuchia nhập là để xuất lậu sang Việt Nam. Nếu đúng thế thì thật võ đoán. Liệu có chuyện Hội đồng Vàng thế giới khảo sát nhu cầu từ các tiệm vàng tư nhân? Nếu có, họ sử dụng nguồn lực nhân sự nào để thực hiện việc này? Các tiệm vàng tư nhân có tự nguyện trưng ra số liệu thật mua/bán vàng?
Câu chuyện của quản lý thị trường vàng hôm nay không nằm ở điều hành giá vàng, mà ở vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang. Những năm gần đây nhu cầu vàng trang sức của người dân bắt theo nhịp thời trang thế giới. Sự quan tâm phát triển ngành công nghiệp chế tác nữ trang, vì thế, nên được đặt cao hơn sự chú ý đến giá vàng.
Ba năm vừa qua, trước và sau đại dịch Covid-19, vấn đề lớn của chế tác vàng nữ trang là nguyên liệu đầu vào. Có công ty doanh số nữ trang vàng 50-60 tỉ đồng/ngày, tương đương 1.500-1.800 tỉ đồng/tháng và họ cần trung bình ước 25-30 ký vàng nguyên liệu/ngày. Họ mua vàng nguyên liệu trôi nổi từ các công ty kinh doanh vàng khác, từ các tiệm vàng tư nhân, từ người dân, nhưng người dân bán vàng không có hóa đơn. Vàng nguyên liệu trôi nổi mua bán theo giá thị trường. Trước đây có thời họ mua vàng miếng SJC về phân kim, gia công nữ trang. Giờ vàng miếng SJC đắt quá, họ không mua nữa.
Ngân hàng Nhà nước nên chăng khảo sát đầy đủ nhu cầu vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang và đứng ra nhập khẩu ở mức vừa đủ để cung ứng cho các doanh nghiệp chế tác nữ trang.
Thiết nghĩ sẽ thực tế nếu nhìn vào giá vàng nhẫn bốn số chín thay cho vàng miếng SJC bởi vàng miếng SJC không còn đại diện cho thị trường. Ngày 18-7-2022 giá vàng quốc tế đứng ở 1.707 đô la Mỹ/ounce, tương đương 51,2 triệu đồng/lượng (đã tính thuế và phí gia công), trong khi giá vàng nhẫn bốn số chín trong nước dao động ở 52,5-52,8 triệu đồng/lượng. Sự chênh lệch 1,3-1,6 triệu đồng/lượng tạm coi như chấp nhận được.
Quan trọng hơn hết, vẫn còn đó những tranh luận trên phạm vi toàn cầu về việc vàng có là “hầm trú ẩn” thời lạm phát. Giá vàng thế giới đang ở mức thấp nhất trong vòng một năm qua, giảm 16,5% so với đỉnh. Vàng không miễn nhiễm với rủi ro.
Vàng sẽ mất giá hoặc lên giá. Nhưng vàng vẫn cứ là… vàng, với vai trò nguyên thủy là phương tiện cất trữ không thể thay thế. Ngân hàng TƯ nước Nga đã nhận thức rất rõ điều này trước khi khai chiến với thế lực mạnh mẽ là phương Tây. Tất nhiên, với người kinh doanh thì vàng không phải là công cụ thượng sách, bởi vì đối với họ, tiền không được ngủ yên, và lợi nhuận phải không ngừng tăng lên. Tóm lại, lòng tham không đồng nghĩa với cất trữ nhiều vàng. Vàng chỉ là chỗ dựa cuối cùng khi mọi thứ tài sản khác đã và đang mất đi.