Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vàng ngày càng hiếm vì trữ lượng cạn kiệt

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngành công nghiệp khai thác vàng đang chật vật duy trì tăng trưởng sản lượng khi các trữ lượng mới của kim loại quí này dưới lòng đất càng khó tìm kiếm, theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC).

Các công ty khai thác vàng đang chật vật duy trì tăng trưởng sản lượng khi chi phí tăng và các trữ lượng vàng mới ngày càng khó tìm. Ảnh: Getty

Dữ liệu mới nhất của WGC cho thấy, sản lượng vàng khai thác toàn cầu chỉ tăng hàng năm 0,5% trong năm 2023. Trong năm 2022, sản lượng vàng tăng hàng năm 1,35% trong khi đó con số tăng trưởng của năm 2021 là 2,7%. Trong khi đó, sản lượng khai thác vàng toàn cầu ghi nhận mức giảm 1% trong năm 2020, lần đầu tiên suy giảm trong một thập niên.

"Sản lượng khai thác vàng kỷ lục trong quí 1-2024, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn, tôi nghĩ sản lượng khai thác vàng đang bão hòa ở mức của năm 2016 và năm 2018,không thấy tăng trưởng đáng kể kể từ đó” John Reade, Giám đốc chiến lược thị trường của WGC nói.

Theo Reade, sau 10 năm phát triển nhanh chóng kể từ năm 2008, ngành công nghiệp khai thác vàng đang chật vật duy trì tăng trưởng sản lượng. Các trữ lượng vàng mới trên thế giới ngày càng trở nên khó tìm khi nhiều khu vực tiềm năng đã được thăm dò.

Theo WGC, việc khai thác vàng quy mô lớn đòi hỏi nhiều vốn và cần phải tiến hành nhiều hoạt động thăm dò và phát triển, mất trung bình từ 10-20 năm trước khi một mỏ sẵn sàng đi vào sản xuất.

Ngay cả trong quá trình thăm dò, khả năng phát hiện trữ lượng vàng có phát triển thành mỏ là rất thấp. Chỉ có khoảng 10% trữ lượng vàng mới phát hiện trên toàn cầu có đủ vàng để đảm bảo khai thác có lợi nhuận.

Cho đến nay, khoảng 187.000 tấn vàng đã được khai thác, phần lớn đến từ Trung Quốc, Nam Phi và Úc. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trữ lượng vàng trên thế giới có thể khai thác hiện nay ước tính khoảng 57.000 tấn. Riêng trong năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu sản lượng khai thác vàng với khoảng 370 tấn, Úc và Nga xếp thứ hai; mỗi nước khai thác khoảng 310 tấn, tiếp đó là Canada (200 tấn) và Mỹ (170 tấn), theo dữ liệu của Statista.

Reade cho biết thêm, bên cạnh quá trình thăm dò phát hiện vàng khó khăn, việc xin các giấy phép liên quan cũng gian nan không kém. Để có được các giấy phép cần thiết trước khi mỏ vàng bắt đầu đi vào hoạt động, các công ty khai thác vàng có thể mất vài năm.

Ngoài ra, nhiều dự án khai thác được lên kế hoạch ở các vùng sâu vùng xa đòi hỏi cơ sở hạ tầng như đường, điện và nước, dẫn đến tăng thêm chi phí xây dựng các mỏ. “Ngày càng khó tìm vàng, xin giấy phép khai thác, vay vốn để phát triển và vận hành mỏ vàng”, Reade nói.

Hoạt động khai thác vàng khó khăn và tốn kém là lý do khiến giá cổ phiếu của các công ty khai thác vàng lớn trên thế giới tăng chậm hơn giá vàng. Trong khi giá vàng tăng khoảng 20% so với cách đây một năm thì một chỉ số theo dõi giá cổ phiếu của các công ty khai thác vàng hàng đầu lại chỉ tăng phân nửa mức đó.

Trong thời gian gần đây, nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi về việc, liệu một số công ty khai mỏ có thể đào được nhiều vàng như chi phí như dự kiến hay không. Tại Úc, các công ty khai thác vàng đang đối mặt với những thách thức trong hoạt động khai thác, trong đó có lượng mưa lớn.

Theo Tom Palmer, CEO của Newmont, công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Denver (Mỹ), lạm phát chi phí sau đại dịch Covid và cuộc xung đột Nga- Ukraine của Nga đóng vai trò lớn khiến giá cổ phiếu của ngành khai thác tăng kém hơn so với giá vàng.

“Bạn đã thấy đường cong chi phí của ngành khai thác vàng tăng lên 200-300 đô la Mỹ/ounce trong năm qua. Tôi nghĩ cổ phiếu của ngành khai thác vàng đang trong tình trạng ảm đạm vì nhà đầu tư hoài nghi về việc các công ty khai thác có thể tạo ra dòng tiền tự do cần thiết để điều hành hoạt động kinh doanh, tái đầu tư để mang lại lợi nhuận hay không”, ông Palmer nói.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lạc quan về triển vọng đối với cổ phiếu ngành khai thác vàng, dự báo giá vàng còn tăng tiếp nên có thể mang lại cho các công ty khai mỏ lợi nhuận tăng vọt trong thời hầu hết doanh nghiệp đang phải vật lộn để kiểm soát lạm phát chi phí.

Các nhà phân tích của ngân hàng UBS dự đoán, giá ​​vàng sẽ đạt 2.800 đô la Mỹ/ounce trước cuối năm 2025. Ngân hàng Citi dự đoán vàng sẽ đạt mức giá 3.000 đô la/ounce trong thời gian đó.

Theo CNBC, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới