Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Vaping’ không phải là ‘hút thuốc lá’!

Lê Hữu Huy(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Lời mở đầu: Tôi cố tình tô đậm từ “Vaping” và không muốn dịch thuật ngữ này sang tiếng Việt mặc dù nhiều người trong chúng ta vẫn gọi đó là “hút thuốc lá điện tử”. Thành thật mà nói, bản thân tôi từ lúc lần đầu tiên nghe đến từ Vaping trong tiếng Anh cho đến trước khi chấp bút viết bài báo này vẫn nghĩ đơn giản đó là một sự lựa chọn “hiện đại”, vệ sinh, sạch sẽ và an toàn hơn khi không còn ai làm rơi tàn thuốc hay bật lửa với người hút nữa. Thế nhưng, sau khi tiếp cận được những kiến thức liên quan đến Vaping trên The Straits Times và một số nguồn thông tin đáng tin cậy khác, tôi thiển nghĩ phải dùng hẳn từ Vaping để phân biệt rõ nó với “cigarette”. Bởi lẽ, Vaping không phải là “hút thuốc lá” mà còn nhiều điều cần bàn hơn.

Một số loại thuốc lá thế hệ mới. Ảnh minh hoạ: TTXVN

“Chúng tôi đã báo cáo trường hợp một bệnh nhân bị suy hô hấp do sự tích tụ bất thường của protein và chất béo trong túi khí trong phổi sau khi người này bắt đầu Vaping”. Đó là chia sẻ của bác sĩ Sewa Duu Wen, người đứng đầu khoa hô hấp và chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH) với độc giả nhật báo The Straits Times (TST) về một trường hợp bệnh nhân hút thuốc lá điện tử (smoking e-cigarette). Người đàn ông này đã trải qua một thủ tục điều trị bất thường, gọi là rửa toàn bộ phổi và bác sĩ Sewa Duu Wen cũng kể thêm một số trường hợp đầy giai thoại khác về những bệnh nhân nhập viện vì bệnh hen suyễn và bệnh phổi trầm trọng hơn sau khi bắt đầu Vaping.

Theo bác sĩ Sewa Duu Wen, hầu hết các bác sĩ điều trị các vấn đề về hô hấp tại Singapore không phải lúc nào cũng biết liệu bệnh nhân của mình có Vaping hay không. Do đó, các ca bệnh không được theo dõi một cách có hệ thống tại bệnh viện vì những bệnh nhân này không phải lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ lịch sử Vaping của bản thân. Với việc kiểm soát Vaping và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, ngay cả ở những điểm nóng công cộng như trung tâm hành chính, công viên, trung tâm thương mại và quán bar, những bệnh nhân tại Singapore có vấn đề về hô hấp do Vaping đều biết nhưng vẫn giữ im lặng.

Vaping là gì?

Trong tiếng Anh, Vaping là một danh động từ - tức là có hình thức của động từ nhưng mang tính chất của danh từ và có thể đứng ở nhiều vị trí như chủ ngữ, tân ngữ hoặc sau các giới từ, liên từ trong câu. Những tác hại của Vaping đối với cơ thể đã được nhiều chuyên gia y tế cảnh báo như được tổng hợp trong Sơ đồ 1, nhưng để hiểu và nhận thức chúng một cách căn cơ hơn, độc giả có thể dành chút thời gian tham khảo cơ chế vận hành của Vape. Đó là một thiết bị điện tử cầm tay, sử dụng pin để làm nóng dung dịch điện tử có chứa nicotine và các chất hóa học khác, tạo ra các hạt khí dung (aerosol hay sol khí) cho người dùng hít vào (Sơ đồ 2). Có rất nhiều loại Vape với tên gọi, hình dáng và kích thước khác nhau sử dụng một lần hay nhiều lần, cho phép điều chỉnh nhiệt độ và thành phần dung dịch điện tử, dung dịch điện tử nạp sẵn hoặc tái nạp…

Theo tạp chí Emerald Insight thuộc Emerald Publishing Limited là nhà xuất bản hàng đầu về kinh doanh và quản trị của Anh, số lượng người dùng Vape trên toàn thế giới ước tính là 82 triệu người vào năm 2021, trong đó 14,3 triệu người ở Đông Nam Á. Thị trường Vaping toàn cầu được định giá 22,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022. Dữ liệu của từng quốc gia cũng cho thấy sự gia tăng đáng báo động về Vaping, đặc biệt là ở thanh thiếu niên và thanh niên ở độ tuổi 20 trên khắp thế giới. Năm 2021, ở Anh, 69% người Vaping từ 11-17 tuổi. Ở Mỹ, người từ 18-24 tuổi có nhiều khả năng Vaping nhất trong số những người trưởng thành, theo Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia Mỹ (NCHS).

Với một thị trường béo bở như vậy, theo các nhà quan sát, không có gì ngạc nhiên khi các nhà cung cấp Vape thường tiếp thị sản phẩm của họ như những sản phẩm thay thế “lành mạnh hơn” cho thuốc lá hoặc thậm chí là một cách để bỏ hút thuốc. Họ tuyên bố “khói” thuốc từ Vape thường chứa ít hóa chất độc hại hơn hỗn hợp chết người của 7.000 hóa chất trong khói thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 12-2023 đã kêu gọi chính phủ các nước đối xử với Vaping theo cách tương tự như thuốc lá và cấm tất cả các hương vị.

Như đã trình bày trong Sơ đồ 2, Vape tạo ra khí dung gồm các hạt mịn bằng cách kích hoạt bộ phận làm nóng vào bình chứa chất lỏng. Theo bác sĩ Sewa Duu Wen, chất lỏng này thường chứa propylene glycol (một chất lỏng tổng hợp không màu và gần như không mùi), glycerine, chất phụ gia hương liệu và nicotine, khiến người dùng tiếp xúc với mức độ độc tố cao hơn. “Vẫn còn nhiều hóa chất độc hại như chất gây ung thư, chất độc, kim loại nặng và các hạt nano kim loại trong hơi thuốc lá điện tử gây tác hại cho cơ thể. Không có mức độ tối thiểu nào của các hợp chất này được coi là an toàn khi hít vào cơ thể chúng ta”, vị bác sĩ nói. Ông cũng cho biết thêm rằng có rất ít nghiên cứu được thực hiện về tác động lâu dài của Vaping.

Hiện trạng Vaping tại Singapore

Tại Singapore, tình hình Vaping ngày càng trở nên đáng báo động hơn. Việc mua, sử dụng hoặc sở hữu Vape đã tăng 58% lên khoảng 7.900 trường hợp vào năm 2023, từ khoảng 5.000 trường hợp vào năm 2022. Theo bác sĩ Duu Wen, Vape phát triển thành các thiết bị “được cá nhân hóa” hơn và các nhà sản xuất bổ sung thêm các hương vị và chất phụ gia khác nhau, rủi ro của một số hóa chất này hiện đã được công nhận. “Có bằng chứng đáng kể cho thấy một số hóa chất có trong bình xịt thuốc lá điện tử, chẳng hạn như formaldehyde và acrolein, cùng với các kim loại vi lượng niken, chì và cadmium, có khả năng gây tổn thương DNA và gây đột biến, có khả năng gây ung thư”, ông nhấn mạnh. Đáng lưu ý là hiện đang có nhiều thiết bị Vape cung cấp các hương vị như kẹo bông, bánh nướng, bánh bơ, pop rock và bơ đậu phộng để tăng sức hấp dẫn với giới trẻ.

Theo thông tin chính thức từ Bộ Giáo dục Singapore (MOE), nước này đã có khoảng 800 sinh viên đã được chuyển đến Cục Khoa học Y tế (HSA) để xử lý vì sử dụng Vape vào năm 2022. Đây là mức tăng so với năm 2018 và 2019, khi tổng số sinh viên Vaping trong cả hai năm này đều dưới 50. Mặc dù các trường đại học và viện nghiên cứu sau đại học đã tăng cường kiểm tra trong những năm gần đây, nhưng vẫn có khả năng xảy ra tình trạng chưa được phát hiện. Trước đó, MOE cũng đã từng công bố thông tin trung bình cứ 1.000 học sinh ở các trường tiểu học, trung học và các viện giáo dục đại học thì có khoảng 7 học sinh đã bị bắt vì tội hút thuốc lá và Vaping. Trong khi đó, trong một khảo sát vào tháng 9-2023, sinh viên tại các ký túc xá của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Đại học Quản lý Singapore (SMU) tiết lộ rằng văn hóa Vaping vẫn tồn tại trong khuôn viên trường và nhiều sinh viên đã bán lại Vape số lượng lớn từ các đại lý.

Có nên hợp pháp hóa Vaping?

Ngày 13-10-2021, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) lần đầu tiên đã phê duyệt e-cigarette có hương vị thuốc lá, với lý do lợi ích mà nó mang lại cho người lớn đang cố gắng bỏ hút thuốc lớn hơn nguy cơ nghiện thuốc lá đối với người mới sử dụng. Nói cách khác, FDA đồng ý với dữ liệu của nhà sản xuất rằng một số sản phẩm e-cigarette có thể thay thế tốt hơn cho thuốc lá thông thường. Phải chăng điều đó khiến Lý Hiển Dương, em trai của Thủ tướng Lý Hiển Long, nhưng lại là đảng viên của đảng đối lập mang tên Đảng Tiến bộ Singapore (PSP), đã kêu gọi chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm e-cigarette.

Trong một dòng trạng thái trên Facebook vào cuối tháng 12 năm ngoái, ông Lý Hiển Dương cho rằng Chính phủ Singapore nên dỡ bỏ lệnh cấm Vaping bởi lợi ích thu được từ việc sử dụng e-cigarette theo quy định sẽ lớn hơn những rủi ro tiềm ẩn liên quan. “Bằng chứng cho thấy Vaping ít gây hại hơn nhiều so với hút thuốc lá đã được ghi nhận và chấp nhận. Tốt hơn hết là nên quản lý e-cigarette và áp đặt các tiêu chuẩn an toàn. Chúng ta nên cho phép Vaping đối với những người đang cố gắng bỏ thuốc lá. Việc giữ lại một cách giáo điều các quy định hiện hành đơn giản là một chính sách công tồi tệ”, ông viết. Một tuần sau, ông còn đăng ảnh chụp màn hình một trang web ở Anh ủng hộ quan điểm của mình và nói thêm: “Các chuyên gia ở Anh đã phát hiện dựa trên bằng chứng quốc tế rằng mặc dù Vaping không phải là không có rủi ro, nhưng trong ngắn hạn và trung hạn, Vaping gây ra một phần nhỏ rủi ro so với việc hút thuốc”.

Ý kiến trên đây của ông Lý Hiển Dương chỉ là thiểu số bởi theo hầu hết các chuyên gia y tế, cái gọi là e-cigarette hay “thuốc lá điện tử” đang được quảng cáo là lựa chọn tốt hơn và có lợi hơn cho sức khỏe so với thuốc lá thông thường, nhưng thực chất, nó ẩn chứa nhiều đặc tính xấu có hại cho sức khỏe. Một nghiên cứu thực hiện năm 2018 tại Mỹ cho thấy thuốc lá điện tử có chứa các hóa chất độc hại có thể gây tổn thương phổi không thể phục hồi. Điều đáng lo là một số thanh niên xem Vaping là hành vi vô hại và bắt đầu thói quen này khi không hề hay biết mình đang dấn thân vào điều gì. Những quan niệm sai lầm về Vaping đã được các bác sĩ tại Singapore của Bệnh viện Gleneagles chia sẻ trong Sơ đồ 3.

Theo quy định luật pháp hiện hành tại Singapore, việc mua, sở hữu hoặc sử dụng e-cigarette hay Vape trên đảo quốc Sư Tử có thể bị phạt tới 2.000 đô la Mỹ. Người phạm tội lần đầu nhập khẩu, phân phối, bán hoặc chào bán Vape và các thiết bị liên quan có thể bị phạt tới 10.000 đô la Mỹ, bị tù tới sáu tháng hoặc cả hai. Vào cuối tháng 12 năm ngoái, cảnh sát Singapore đã bắt 177 đối tượng tại sân bay Changi do sở hữu Vape.

Thông qua hãng truyền thông CNA, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong (vừa trở thành tân Thủ tướng) cho biết lệnh cấm Vaping của Singapore là để bảo vệ người dân nước này khỏi tác hại của e-cigarette và “khả năng mất doanh thu thuế thuốc lá do giảm tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá không phải là một yếu tố dẫn đến quyết định này”. Tuyên bố này của ông Wong là để trả lời các câu hỏi của một nghị sĩ rằng liệu khả năng mất doanh thu thuế có phải là một yếu tố dẫn đến lệnh cấm Vaping hay không. Theo ông Wong, Chính phủ Singapore sẽ gặp phải những thách thức tương tự như những thách thức hiện đang gặp phải đối với thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác nếu hợp pháp hóa và đánh thuế thuốc lá điện tử. “Trong mọi trường hợp, chính phủ không có kế hoạch thay đổi cách tiếp cận hiện tại, vì ưu tiên của chúng tôi là bảo vệ sức khỏe của người dân và ngăn chặn e-cigarette gây hại cho người dân, đặc biệt là giới trẻ Singapore”, ông Wong nói.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

1 BÌNH LUẬN

  1. Ông L.Wong đã hành động chuẩn xác. FDA, ngay từ đầu cũng đã bị đánh lừa bởi thủ thuật cao tay ấn của các nhà sản xuất E-ciga. Vaping, không gì khác hơn là một loại thuốc lá gây nghiện trá hình. Độc hại không khác gì ma túy. Mong rằng các nhà lập pháp của ta phải nhanh chóng ra tay chặn đứng hiểm họa này, với giới trẻ, và cả người lớn nữa !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới