Vasep đề nghị cần có hạn ngạch trong nuôi cá tra
Ngọc Hùng
Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến cá tra. Ảnh: Phạm Thái. |
(TBKTSG Online) - Trước tình trạng người nuôi cá tra treo ao vì càng nuôi càng lỗ, còn các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra có thể bị phá sản do càng xuất càng lỗ, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã đề nghị Chính phủ cần đưa ra hạn ngạch sản lượng nuôi cá tra nhằm phù hợp với nhu cầu thị trường.
>>> Nuôi cá tra và cuộc cạnh tranh không cân sức
>>> Một nửa nông dân nuôi cá tra bị lỗ
Theo công văn của Vasep gửi Chính phủ, những năm qua sản lượng cá tra luôn tăng nóng sau mỗi năm mà không căn cứ trên những dự báo về cung cầu nên lượng cá tra nguyên liệu luôn đứng trước áp lực sản xuất ra nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Do đó, hiệp hội này cho rằng cần phải áp dụng cơ chế kiểm soát hạn ngạch sản lượng nuôi cá tra phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo đó, hàng năm căn cứ trên báo cáo tình hình xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, phía Vasep, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Hiệp hội cá tra Việt Nam, UBND các tỉnh ở ĐBSCL cùng ấn định tổng sản lượng cá tra nguyên liệu sẽ nuôi trong năm đó và từ đó phân bổ cho các tỉnh mức sản lượng cá phải nuôi.
Điều này được hiểu rằng, một nông dân ở An Giang đang có lợi nhuận từ 5 héc ta ao nuôi cá tra trong năm 2013 nhưng sang năm 2014 sẽ không được tiếp tục nuôi nữa vì An Giang được cấp hạn ngạch về sản lượng cá tra giảm khoảng 20% so với trước đó và số lượng này sẽ chuyển sang cho Đồng Tháp. Lúc này, có thể một số nông dân nuôi cá tra ở Đồng Tháp đã treo ao trước đó sẽ được chính quyền khuyến khích nuôi trở lại để đáp ứng được hạn ngạch về sản lượng cá tra vừa được cho tăng thêm ở trên.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) cho biết, ý tưởng cấp hạn ngạch nuôi cá tra cho các tỉnh ở ĐBSCL là hiện của Vasep. Tuy nhiên, kiến nghị này có được Chính phủ chấp nhận hay không lại là chuyện khác.
Theo ông Thắng, đây không phải lần đầu Vasep có những kiến nghị với lý do là đang cố gắng giúp ngành cá tra phát triển bền vững.
“Lần trước, Vasep đã có kiến nghị về giá sàn sản xuất khẩu cá tra nhưng cuối cùng có làm được đâu, dù sao đó là kiến nghị nằm trong quyền hạn được giao của Vasep. Song, tôi không hiểu sao lần này họ lại đưa ra một kiến nghị liên quan đến người nuôi cá mà đó vốn là nhiệm vụ của VN Pangasius”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cho rằng, việc cấp hạn ngạch về sản lượng nuôi cá tra theo ý tưởng của Vasep nhiều khả năng sẽ xảy ra hiện tượng xin-cho giữa bên cấp hạn ngạch và bên được cấp hạn ngạch là các tỉnh đang nuôi cá tra hiện nay.
Theo VN Pangasius, để ngành cá tra phát triển bền vững thì mọi việc cứ để thị trường quyết định, nếu người dân nuôi cá có lãi thì họ sẽ tiếp tục nuôi, còn thua lỗ thì họ sẽ treo ao và điều này cũng tương tự như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra hiện nay.
Hiện Vasep đã gửi Chính phủ công văn 233, trong đó kiến nghị các giải pháp tái cơ cấu sản xuất và tiêu thụ cá tra. Ngoài việc kiến nghị cần phải cấp hạn ngạch nuôi cá tra cho các tỉnh thành ở ĐBSCL như đã nói ở trên, Vasep còn kiến nghị áp dụng thí điểm cơ chế một đầu mối dịch vụ xuất khẩu cá tra cho thị trường châu Âu mà ở đó các khâu như dịch vụ đại lý, vận chuyển, hậu cần, kho ngoại quan, bán đấu giá trên sàn điện tử, phân phối đến khác hàng… sẽ được thực hiện tại cảng Zeebrugge (Bỉ). |