(KTSG Online) – Hiện nay, toàn bộ các dòng thuỷ sản nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã ở mức 0% nhưng đổi lại tôm Việt Nam vẫn bị áp hạn ngạch xuất khẩu sang đây. Điều này đã ảnh hưởng đến việc gia tăng lượng tôm xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường này, theo VASEP.
- Xuất khẩu tôm phục hồi nhưng thách thức từ khu vực nuôi là rất lớn
- Xuất khẩu tôm sang Úc tăng gấp đôi sau 5 năm gia nhập CPTPP
Ngày 15-4, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn số 47/CV-VASEP gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Ngoại giao với nội dung Đề nghị bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc
VASEP viện dẫn, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ cuối năm 2015. Năm 2024 là năm thứ 10 thực hiện VKFTA. Theo lộ trình, gần hết các dòng hàng thủy sản có mức thuế về 0%.
Tuy nhiên, theo cam kết về hạn ngạch tại Phụ lục 2A-1 về quản lý hạn ngạch thuế quan của Hàn Quốc tại Văn kiện VKFTA, hiện vẫn còn nhóm 7 dòng sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch. Cụ thể, đối với nhóm này, Hàn Quốc chỉ miễn thuế nhập khẩu cho Việt Nam theo VKFTA là 15.000 tấn/năm (mức hạn ngạch áp dụng từ năm 2020 trở đi). Nếu khối lượng sản phẩm nhập khẩu vượt quá mức hạn ngạch sẽ phải chịu mức thuế cơ sở là 20%.
Trong khi đó, đối chiếu với biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam cập nhật nhất (năm 2024), thì toàn bộ các dòng hàng thủy sản nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã ở mức 0%. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn mở cửa với thủy sản Hàn Quốc nhưng đổi lại vẫn bị áp hạn ngạch xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc.
“Việc này khiến các nhà nhập khẩu không còn động lực để tăng mua tôm Việt Nam phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng ở Hàn Quốc, thay vào đó họ đang xem xét mua thêm tôm từ các quốc gia khác như Peru, nước đang có Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc mà mức thuế nhập khẩu đã về 0% với lộ trình 5 - 7 năm theo FTA với Hàn Quốc. Điều này làm triệt tiêu toàn bộ các lợi thế về thuế quan từ VKFTA cho các sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam ở thị trường Hàn Quốc”, theo VASEP.
Vì thế, VASEP cho rằng, việc xem xét đề nghị Hàn Quốc gỡ bỏ cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với tôm đông lạnh Việt Nam theo VKFTA là cấp thiết để bảo vệ thị phần và lợi ích trong lâu dài của tôm Việt Nam tại thị trường này.
Theo VASEP, từ góc độ thực tiễn, khả năng đề nghị này được phía Hàn Quốc ủng hộ vì hiện nay, Hàn Quốc đang phải đối mặt lạm phát, giá thực phẩm tăng phi mã, Chính phủ nước này đã phải chủ động giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng và dường như sẽ sẵn sàng xem xét các giải pháp khác giúp giảm giá thực phẩm nhập khẩu như tham vấn điều chỉnh thuế quan VKFTA.
Thời gian qua, Hiệp định VKFTA đã có tác động tích cực tới các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong đó có thủy sản. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng 62% từ 585 triệu đô la Mỹ vào năm 2015 lên 950 triệu đô la năm 2022 và 786 triệu đô la năm 2023.