(KTSG Online) – Rất nhiều vướng mắc xuất phát từ quy định của các văn bản hướng dẫn hoặc thông tư, công văn thay vì ở cấp luật, pháp lệnh và nghị định, theo VCCI.
Tại hội thảo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2021” do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 29-3, đại diện VCCI cho biết nhiều văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh được sửa đổi theo hướng cởi mở, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng vẫn có nhiều quy định tại các văn bản hướng dẫn như thông tư, công văn gây khó cho doanh nghiệp.
Đặc thù của hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam khiến phần lớn quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định sẽ không thể áp dụng ngay trên thực tế mà phải chờ thông tư hướng dẫn, thậm chí phải giải thích tại các công văn.
“Một quy định tốt ở thông tư sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và ngược lại”, đại diện VCCI giải thích.
Tương tự, công văn hướng dẫn nhanh chóng, phù hợp với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sẽ giúp doanh nghiệp nhận biết và hiểu rõ quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo sản xuất kinh doanh thông suốt, ngược lại sẽ tạo ra lúng túng, vướng mắc trong áp dụng pháp luật và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
“Có thể cho rằng chất lượng của thông tư, công văn sẽ tác động lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Hoạt động cải cách thể chế có hiệu quả hay không một phần phụ thuộc vào chất lượng của các dạng văn bản này”, đại diện VCCI nhận xét.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, VCCI - cho biết số lượng thông tư chiếm hơn 68% tổng số lượng VBQPPL ban hành luỹ kế từ 1-1-2016 đến 20-7-2020. Với tỷ trọng này, mỗi luật được ban hành có trung bình 6,8 nghị định, 1,8 quyết định của Thủ tướng và 25,8 thông tư, 1,9 thông tư liên tịch hướng dẫn.
Với số lượng áp đảo so với các VBQPPL khác, ông Tuấn cho rằng thông tư có vai trò vô cùng quan trọng khi hiện thực hóa các chính sách của nhà làm luật và sẽ tác động rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Thống kê của VCCI cho thấy mặc dù các thông tư đã không còn đưa ra nhiều điều kiện kinh doanh không như trước do các bộ, ngành đã ý thức hơn về thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh. Nhưng tình trạng thông tư chứa điều kiện kinh doanh vẫn còn, đặc biệt là tình trạng “lạm dụng ban hành thông tư”.
Thậm chí, có trường hợp không nhất thiết cần thông tư nhưng các cơ quan nhà nước vẫn ban hành. Ở một số ngành, lĩnh vực có hiện tượng việc thực thi các quy định phụ thuộc quá nhiều vào thông tư.
Cụ thể, có hơn 70 thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, còn có Thông tư 28/2018 quy định về điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần và giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài; Thông tư 03/2018 quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.
Một dạng "ẩn" điều kiện kinh doanh được VCCI chỉ ra là các quy định về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ cho cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác. Cụ thể, Thông tư 78/2021 do Bộ Tài chính ban hành quy định các tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Theo đó, tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử phải đáp ứng các tiêu chí về chủ thể pháp lý, tài chính, nhân lực, kỹ thuật.
Tổng cục Thuế sẽ lựa chọn các tổ chức đáp ứng đầy đủ các điều kiện và ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế.
“Cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử là một ngành nghề kinh doanh, nhưng để được sự đồng ý này, các tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử phải đáp ứng các điều kiện/tiêu chí theo quy định. Như vậy, xét về bản chất, các quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử là một dạng của điều kiện kinh doanh”, VCCI nhấn mạnh.
Ngoài ra, VCCI cho biết hiện đã xuất hiện thực trạng việc thực thi luật bị lệ thuộc quá lớn vào các quy định tại thông tư, dẫn tới quan ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung”– còn gọi là quy định tại thông tư lớn hơn luật - quay trở lại.
Điều này, theo VCCI, sẽ tạo rủi ro cho môi trường kinh doanh, khi các quy định tác động đến doanh nghiệp lại được ban hành theo quy trình có tính chất nội bộ của các cơ quan thực thi.