(KTSG Online) - Để thích ứng với tình hình thị trường điện luôn thay đổi, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất duy trì chu kỳ điều chỉnh giá điện là 3 tháng nhằm đảm bảo có đủ thời gian để tổng hợp số liệu và đưa ra quyết định điều chỉnh phù hợp.
- Giá ca cao tăng gần 6% trong tuần qua
- Đi lại trên 10km cao tốc Bến Lức – Long Thành dịp Tết như thế nào?
Trong góp ý về dự thảo về quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương, để đảm bảo tính chính xác và khoa học, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét điều chỉnh thời gian tối thiểu lên 3 tháng.
Theo liên đoàn, dự thảo quy định giá điện có thể được điều chỉnh sau 2 tháng, nhưng việc tổng hợp số liệu để điều chỉnh lại dựa trên từng quý.
Sự khác biệt này sẽ gây khó khăn trong thực hiện. Để giải quyết, cơ quan chức năng cần điều chỉnh thời gian tối thiểu lên 3 tháng, phù hợp với thông lệ kế toán và đảm bảo quyết định điều chỉnh giá điện dựa trên dữ liệu đầy đủ.
Bên cạnh đó, theo dự thảo, mỗi năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm lập báo cáo chi phí sản xuất điện, sau đó báo cáo này sẽ được kiểm toán độc lập và công bố công khai trên website của EVN.
VCCI chỉ ra sự khác biệt giữa dự thảo và quyết định 05/2024/QĐ-TTg về việc công bố báo cáo chi phí. Liên đoàn kiến nghị cần làm rõ hơn về thời điểm công bố để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của EVN.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính thống nhất và minh bạch, VCCI cũng đề nghị điều chỉnh điều 7.2, quy định rõ nội dung công bố là báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện và báo cáo kiểm toán độc lập, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và theo dõi thông tin.
Trước đó, Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Bộ đề xuất cho phép điều chỉnh giá điện sau 2 tháng nếu giá điện tăng 2% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành.
Ngược lại, nếu giá bán điện bình quân giảm 1% trở lên so với mức hiện tại, giá điện cũng sẽ được điều chỉnh giảm tương ứng.
Trong khi đó, theo quy định hiện tại, việc điều chỉnh giá điện thực hiện khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên với thời gian điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng.
Bộ Công Thương cho biết việc điều chỉnh giá điện linh hoạt hơn nhằm mục tiêu giúp giá điện phản ánh chính xác tình hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo doanh nghiệp có đủ nguồn lực để đầu tư phát triển, đồng thời tránh tình trạng giá điện tăng giảm đột ngột, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và nền kinh tế.
Trường hợp giá điện cần tăng 10% hoặc hơn, hoặc gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến chỉ đạo. Trong một số trường hợp, Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng sẽ được tham vấn.