Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Về đâu những thuyền chài?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Về đâu những thuyền chài?

Cảnh mua bán tấp nập tại cảng cá Cồn Chà sáng 7-7 -Ảnh: NGỌC THU

(TBKTSG Online) – Biển đã vào vụ cá nam, mùa mà biển cả ưu đãi ngư dân nhất, mời gọi các thuyền chài ra khơi. Dù vậy, mỗi chuyến đi biển vẫn chở nặng nỗi lo về giá xăng dầu, phí tổn và giá thu mua.

6g sáng, chúng tôi có mặt tại cảng cá Cồn Chà ở Phan Thiết. Thuyền ghe tấp nập chuyển cá, mực… lên bờ, cảnh mua bán, tranh giành náo nhiệt, các chủ vựa lăm lăm ghi chép trong khi đội ngũ nhân viên tất bật cân hàng, chuyển hàng, nhiều chiếc xe thu mua từ nơi khác đến đang hối hả chất hàng lên xe, đá lạnh tỏa hơi nghi ngút.

Nằm ngay cửa biển Phan Thiết (nơi sông Cà Ty tiếp giáp với biển), Cồn Chà là chợ cá nổi tiếng nhất vùng duyên hải Nam Trung bộ. Quanh chợ có hơn chục vựa thu mua lớn, nhỏ.

Tới đâu hay tới đó!

Giữa những ồn ào náo động đó, chúng tôi để ý một chiếc thuyền yên lặng nằm bờ. Đó là cặp ghe dã cào đôi của vợ chồng chị T.T, nhà ở La Gi. Cặp ghe thuộc loại lớn, có công suất máy 150CV, đã cập bến đổ hàng được 4 ngày, đang đợi bạn thuyền tập trung về để ra khơi lại.

“Hồi trước có ngày lời nhiều, có ngày trung bình, lúc nào ít cá mực thì lỗ. Còn từ hồi xăng dầu lên giá thì mình cũng bồng bềnh như con nước, giá xăng dầu ăn hết vô tiền lời rồi, chỉ đi cho có, chuyến nào về cũng phải vay mượn. Vay nóng 10 triệu đồng thì mỗi tháng ít nhất cũng trả tiền lời 450.000 đồng. Thôi thì tới đâu hay tới đó, coi như thí mạng cùi”, chị T than.

Chị làm một bài tính, tiền dầu cho mỗi chuyến đi biển 13-15 ngày là 140 triệu đồng, tiền đá 10 triệu, tiền chi phí 30 triệu, tổng cộng là 180 triệu, nhưng một chuyến đánh bắt hời nhất chỉ được 190 triệu, trong khi trên thuyền còn 13 bạn chài đi cùng.

Cặp ghe 150CV mỗi ngày đi biển tiêu thụ khoảng 600 lít dầu -Ảnh: NGỌC THU

Ngày trước, mỗi lần ghe chị đi cả tháng, vì có thể mua thiếu dầu cho 30 ngày đi biển. Bây giờ giá dầu đã tăng gấp đôi, các trạm yêu cầu trả tiền ngay nên chỉ có thể mua dầu cho hơn 10 ngày rồi vô bờ đổ hàng để có tiền mua dầu đi tiếp.

Cặp ghe và cả căn nhà, chị đã thế chấp ngân hàng từ lâu để vay 150 triệu đồng, sau đó là xoay xở đủ cách vay nóng, vay nguội để có tiền mua dầu, tiền ăn, tiền gửi cho con…

Trong khi anh đi đánh bắt, chị mỗi ngày ra biển mua cá bán lại để có thêm thu nhập, hai đứa con đang học trên Sài Gòn cũng tìm việc làm thêm từ ngày xăng dầu lên giá cho ba mẹ nhẹ bớt gánh lo, còn đứa út sắp vào lớp 12 thì miễn giảm mọi khoản học thêm.

Chị T cho biết, phường Bình Tân nơi chị ở có khoảng 50 ghe chài và chị em nào có chồng đi biển giờ cũng phải xoay ra buôn bán mới có tiền mua gạo. 

Nói về việc Nhà nước hỗ trợ, chị đáp: “Có nghe ti vi Hàm Tân nói mình được 24 triệu đồng (đối với tàu từ 90CV trở lên, hỗ trợ tiền dầu 3 lần/năm, mỗi lần 8 triệu đồng), nhưng chờ hoài không thấy. Bây giờ coi như thí mạng cùi, đi được ngày nào thì đi chứ tính hoài nhức đầu nhức óc quá. Mỗi lần thấy thuyền cập bờ là xanh mặt”.

Bán ghe cũng không ai mua

Rời khỏi ghe chị T, chúng tôi lân la đến một chiếc thuyền đánh nổi vừa cập bến đổ cá lên bờ. Chủ ghe, anh B.M, ở phường Thanh Hải, Phan Thiết, cho biết đây là chuyến đánh bắt thứ hai của anh sau hai tháng nằm nhà vì thua lỗ, hụt vốn. Để đi được chuyến này, anh đã phải đem cầm chiếc máy bộ đàm tầm xa mới có tiền mua dầu.

Họa vô đơn chí!

Ra khơi từ ngày 7-7, cập bến ngày 13-7, anh T.N cho biết chỉ đánh bắt được hơn 2 tạ cá, thu về 2,6 triệu đồng, tức lỗ hơn 11 triệu.

Rất nhiều ngư dân khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự trong lần ra khơi này. Nguyên do là có mấy chiếc tàu bên dầu khí đi thăm dò đúng vào khu vực mà các ngư dân đã thả cội chà xuống biển (cho các đàn cá vào ẩn nấp). Họ cắt hết chà, lại lùa thuyền chài ra khỏi khu vực đánh bắt nên ngư dân không thể có được mẻ lưới như mong đợi.

Phạm vi bên dầu khí đi thăm dò trải rộng đến khoảng 70 hải lý vuông, nghe đâu kéo dài đến tận 30-8. Nhiều chủ ghe bức xúc, tại sao lại nhằm ngay mùa thu hoạch của ngư dân để đi thăm dò. Sự cố này sẽ lại khiến nhiều thuyền chài phải nằm bờ ngay trong vụ cá nam.

Theo anh N, trong các vụ năm 2000, 2004 đã từng xảy ra trường hợp bên dầu khí cắt chà của ngư dân, sau đó các thuyền chài nhận được đền bù chỉ khoảng 30% giá trị cội chà. Như vụ 2004, anh được đền bù 3 triệu đồng/cội chà.

Trung bình mỗi vụ, các ngư dân làm khoảng 3 cội chà. Vụ này, anh N làm 4 cội chà, mỗi cội tốn phí từ 17 triệu đồng.

Vấn đề anh đặt ra là nghe nói bên dầu khí đền bù ít nhất 50%, nhưng sao số tiền tới tay ngư dân lúc nào cũng sụt giảm đáng kể? Liệu năm nay số tiền đền bù có khá hơn, nhất là trong tình hình ngư dân đang phải vật lộn với giá dầu?

Bài toán của anh M cũng không sáng sủa hơn của chị T. Mỗi chuyến anh đi khoảng 7 ngày, chi phí gần 14 triệu đồng (trong đó tiền dầu gần 12 triệu), thu hoạch khá nhất khoảng 1,5 tấn cá, bán được 17 triệu, chia cho 13 anh em bạn thuyền, vị chi mỗi người được hơn 30.000 đồng/ngày.

Thuyền của anh có công suất đến 195CV nhưng anh không dám ra xa vì sợ tiền dầu ăn vào tiền cá. Anh cho biết cũng có nghe nói Nhà nước hỗ trợ tiền xăng dầu nhưng chưa nhận được đồng nào hết. “Không phải mình tôi mà tất cả mọi người ở đây chưa ai được nhận hết”, anh khẳng định.

43 tuổi, còn độc thân, anh M hiện sống với cha mẹ già và 6 người em. “Từ lúc xăng dầu lên giá là thấy đời đen tối, từ chỗ là lao động chính nay toàn về nhà ăn bám. Kiểu này chắc ế vợ luôn”, anh đùa mà giọng nghe chua xót. Nói về hướng đi sắp tới, anh bảo đang muốn bán ghe để lên bờ kiếm nghề khác, chẳng hạn mua một mảnh ruộng trồng thanh long, nhưng “bán ghe cũng không ai mua”.

Vì sao thua lỗ mà vẫn ra khơi?

Theo ông Nguyễn Văn Thương, trưởng ban điều hành bến Cồn Chà, tình hình chung của các thuyền đánh bắt ở đây hết sức khó khăn, họa chăng chỉ có dăm ba chiếc thuyền lớn còn trụ được. Nhưng biển đã vào vụ cá nam, mùa đánh bắt cho sản lượng cao nhất trong năm, nên ngay cả những thuyền chài đã nằm bờ dài ngày cũng ra khơi với hy vọng trúng được những mẻ cá lớn đủ bù đắp chi phí và nếu trời thương thì đủ trang trải nợ nần.

Ngặt nỗi, biển vào mùa và sản lượng nhiều hơn cũng đồng nghĩa với chủ vựa giảm giá thu mua. Việc này đã trở thành lệ thường theo cái gọi là “quy luật cung cầu thị trường” nhưng trong tình hình giá xăng dầu đã tăng vọt thì quả là vắt kiệt ngư dân.

Chị T thở dài khi nói đến giá thu mua: “Hồi trước mực tuộc 28.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 19.000 đồng/kg mà nhiều khi còn phải năn nỉ lạy lục mới bán được”. Còn anh M thì khẳng định, hôm nào đánh bắt được nhiều là giá cá rớt từ 12.000 đồng/kg xuống 8.000 đồng/kg.

Có người bức quá quyết định không bán cho chủ vựa mà tự tìm khách hàng mua sỉ, lẻ tại ghe. Nhưng những trường hợp này thường không tránh khỏi bị các chủ vựa làm khó, như không cho đổ cá lên cảng với lý do là trước mặt tiền của họ hoặc tệ hơn, thuê bọn “đầu gấu” dằn mặt.

Khi nghe nói sắp tới có thể nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, không ít ngư dân đã tỏ ra phẫn nộ: “Mới vào mùa đã bị ép giá, mai mốt còn nhập khẩu thủy sản nữa thì sống sao nổi! Nói mấy ổng nhập về cho các nhà máy hết luôn đi, tụi tui chỉ đánh bắt đủ bán chợ thôi!”.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều ngư dân cho rằng đây có lẽ là mùa đánh bắt cuối cùng của họ vì hết vụ cá nam (khoảng tháng 9 hay tháng 10) thì không ai có đủ can đảm ra khơi nữa. Nhưng họ sẽ làm nghề gì để sống? Một chủ ghe cười buồn: “Theo nghề biển 23 năm rồi, bây giờ buông ra cũng không biết nên làm gì, chắc… đi bán cà rem!”

Chúng tôi rời cảng cá Cồn Chà với lời nhắn nhủ của chị T, nếu có tin gì hay thì báo cho chị biết để chị “cố gắng cầm cự”.

Theo Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Bình Thuận, đề án nhập khẩu nguyên liệu thủy sản là cần thiết trong giai đoạn trước mắt để đảm bảo hoạt động của các nhà máy chế biến và giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc này không tốt cho ngư dân xét về lâu dài. Ông khẳng định, để đảm bảo cho ngành đánh bắt thủy sản, cần quy định chặt chẽ nhập khẩu nguyên liệu gì, số lượng bao nhiêu.

Chúng tôi mang thắc mắc ấy đến hỏi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai. Câu trả lời của ông khiến chúng tôi không biết nên buồn hay nên vui: “Bây giờ họ bắt đầu được nhận hỗ trợ rồi đó, Chủ tịch UBND tỉnh mới ký giấy chi ngân sách 71,5 tỉ đồng cấp tạm ứng, ngày 2-7”.

Hôm ấy là ngày 7-7. Còn quyết định hỗ trợ của Thủ tướng thì được ban hành vào ngày 18-3. Ông Hai lý giải về sự chậm trễ rằng đến tháng 6 mới nhận được thông tư hướng dẫn, sau đó phát hiện một số điểm bất cập và kiến nghị sửa đổi, kế đến là thủ tục giấy tờ…

Nhưng đến ngày 12-7, chị T và anh M khẳng định vẫn chưa thấy bóng dáng của các khoản hỗ trợ. Vậy bao giờ tiền mới đến tay ngư dân? Ngoài phần phụ phí xăng dầu và bảo hiểm còn có hỗ trợ thay máy ít tốn nhiên liệu hơn và nâng công suất máy để đánh bắt xa hơn, liệu sẽ có bao nhiêu ngư dân tận dụng được chiếc phao cứu sinh này để trụ lại với biển? 

NGỌC THU – THANH THƯƠNG 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới