Thứ tư, 7/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vẽ lại bản đồ các cơ sở đại học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẽ lại bản đồ các cơ sở đại học

Quang Chung

Sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM ôn bài trước giờ vào lớp học. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) - Dự án quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại vùng TPHCM và vùng Thủ đô Hà Nội, mới được Chính phủ phê duyệt vào tháng 6-2009, sẽ được triển khai theo hướng nào trước tình hình phát triển quá mức về số lượng trường cũng như số sinh viên như hiện nay?

Phát triển quá tự do!

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới đây cho thấy số lượng các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam tăng đột biến trong vòng hơn 20 năm qua. Nếu như năm 1987, cả nước chỉ có 107 trường đại học, cao đẳng thì con số này hiện nay là gần 400 trường. Tính bình quân, 22 năm qua, cứ mỗi tháng ra đời thêm hơn một trường đại học, cao đẳng.

Hiện nay, tỉnh - thành nào cũng có trường đại học, cao đẳng nhưng phần lớn đang tập trung tại Hà Nội và TPHCM. Cụ thể, trong tổng số khoảng 1,7 triệu sinh viên hiện đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước (năm 1987 chỉ có 133.136 sinh viên) thì có đến hơn 70% sinh viên tập trung tại hai đô thị lớn nhất nước này, theo báo cáo chưa đầy đủ của Bộ GD-ĐT.

Có thể nói, số trường đại học và sinh viên đã “phát triển” vượt tầm kiểm soát của Bộ GD-ĐT. Thật vậy, tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ Xây dựng và Văn phòng Bộ GD-ĐT tại TPHCM (bàn về quy hoạch đại học), đại diện Bộ GD-ĐT thừa nhận là không nắm chính xác số lượng các trường đại học, cao đẳng tại TPHCM. “Trường thuộc bộ thì chúng tôi nắm nhưng trường tư thục thì chưa thể nắm chính xác được”, đại diện bộ này nói.

Theo KTS.TS. Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học, do việc thành lập các trường đại học, cao đẳng quá dễ dãi nên nó “mọc” một cách quá thoải mái trong thời gian qua và đang trở thành vấn đề của xã hội và đô thị. Với số lượng sinh viên tập trung đông trong nội thành, tình hình giao thông, trật tự và an ninh xã hội trở nên hết sức phức tạp. Đó là chưa nói đến chuyện sinh viên phải học tập trong một môi trường ngột ngạt và xuống cấp do nhiều trường thiếu đất đầu tư hạ tầng (trong đó kể cả ký túc xá).

Thống kê của Bộ GD-ĐT về diện tích đất của gần 100 (trong tổng số gần 150) trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội và TPHCM cho thấy tiêu chuẩn sử dụng đất trên một sinh viên là rất thấp. Trong khi TCVN - 3981 - 85 quy định tiêu chuẩn sử dụng đất/sinh viên phải từ 55-85 mét vuông thì tại Hà Nội con số này bình quân chỉ là 10 mét vuông/sinh viên và TPHCM bình quân 6,97 mét vuông/sinh viên. Thậm chí có rất nhiều trường tư thục con số này chỉ từ 0,2 đến dưới 1 mét vuông/sinh viên.

Nếu như năm 1987, cả nước chỉ có 107 trường đại học, cao đẳng thì con số này hiện nay là gần 400 trường. Tính bình quân, 22 năm qua, cứ mỗi tháng ra đời thêm hơn một trường đại học, cao đẳng.

Một cán bộ của Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng hầu hết các trường đại học, cao đẳng không có diện tích cho cây xanh vì không được quy hoạch đàng hoàng mà chỉ cố bám vào nội thành, dù phải thuê mướn địa điểm. Chính điều này làm hạn chế các hoạt động giáo dục toàn diện, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo và sự phát triển của các trường về mọi phương diện.

Tuy nhiên, chất lượng của các trường còn phụ thuộc vào đội ngũ giảng viên. Theo bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, số giảng viên trên cả nước hiện nay chỉ có 61.190 người, nghĩa là chỉ tăng gấp ba lần so với năm 1987 (20.212 người). Đáng nói hơn là cả nước hiện chỉ có 330 giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư nhưng có đến gần 400 trường đại học, cao đẳng; bình quân chưa đến một giáo sư/trường.

Đại học và đất đai

Trước thực trạng không lấy gì làm sáng sủa về quy hoạch của hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội và TPHCM, tháng 6-2009, Chính phủ đã ra hai quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng cho vùng Thủ đô Hà Nội (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình) và vùng TPHCM (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang) đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo dự báo của Chính phủ, quy mô đào tạo tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2015 khoảng 1,7 triệu sinh viên, năm 2025 khoảng 1,8 triệu sinh viên (450 sinh viên/10.000 dân). Dự kiến quỹ đất dành cho các trường đại học, cao đẳng thuộc khu vực này trong thời gian tới từ 13.000-15.000 héc ta (chỉ tiêu tối thiểu 65 mét vuông/sinh viên). Tương tự, vùng TPHCM dự kiến đến năm 2025 cũng sẽ có khoảng 1,1-1,2 triệu sinh viên, với quỹ đất cũng khoảng 7.000-15.000 héc ta.

Với dự báo này, theo Bộ GD - ĐT, nếu không có các giải pháp chủ động và quyết liệt để giảm bớt số sinh viên tập trung về Hà Nội và TPHCM, không chỉ chất lượng giáo dục đại học khó cải thiện, mà còn đặt ra cho hai thành phố nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phải giải quyết. Cho nên, giải quyết nhu cầu về đất cho các trường đại học ở Hà Nội và TPHCM là vấn đề hết sức cấp thiết.

Ông Hoàng Minh Trí, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, cho rằng quy hoạch đất cho phát triển giáo dục đại học tại Hà Nội và TPHCM phải gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội và đặc điểm riêng của mỗi thành phố; đồng thời phải đặt trong mối liên kết và phối hợp giữa các địa phương trong vùng. Trên tinh thần này, trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng chung TPHCM đến năm 2025 đang trình Chính phủ xem xét, TPHCM đã đề xuất hàng loạt trung tâm đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học tập trung.

Ngoài khu Đại học Quốc gia TPHCM đang xây dựng (bao gồm 200 héc ta thuộc quận Thủ Đức và 600 héc ta thuộc tỉnh Bình Dương), TPHCM còn quy hoạch đất cho các trường đại học tại, (i) phía Nam: thuộc khu đô thị Nam thành phố 130 héc ta, huyện Nhà Bè 115 héc ta; (ii) phía Tây: thuộc huyện Bình Chánh 585 héc ta; (iii) phía Đông: thuộc quận 9 khoảng 200 héc ta; (iv) phía Bắc: thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn diện tích 600 héc ta.

Theo ông Trần Thanh Bình, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng (Bộ Xây dựng) nên xem xét quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng vùng Hà Nội và TPHCM theo hướng dãn các trường trong nội thành ra ngoài theo hướng cụm và tuyến hóa - có khoảng cách trên dưới 30 kí lô mét - như Đại học Quốc gia TPHCM ở Thủ Đức và Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc; nội thành chỉ giữ lại những trường có ý nghĩa lịch sử, mang tính bảo tồn.

Ông Bình gợi ý, Hà Nội có thể phát triển hệ thống các trường đại học theo ba tuyến: (i) tuyến Tây Nam với trung tâm là Đại học Quốc gia Hà Nội (1.000 héc ta) và Đại học Khoa học và Công nghệ (100 héc ta); (ii) tuyến theo khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng gắn với việc mở rộng quy mô của đô thị Sóc Sơn, Mê Linh; (iii) và tuyến theo khu vực đô thị phía Đông sông Hồng - Nam sông Đuống, kéo dài từ trường Đại học Nông nghiệp dọc theo đường 5.Xét ở khía cạnh vùng, với các đô thị vệ tinh trong vùng Thủ đô và đồng bằng sông Hồng, theo ông Bình, hướng Đông Nam (Hưng Yên) nên quy hoạch cụm đại học 1.000 héc ta, Hà Nam (500 héc ta); hướng Đông (Hải Dương) hơn 500 héc ta; hướng Đông Bắc (Bắc Ninh) 500 héc ta; hướng Tây Bắc (Vĩnh Yên) 500 héc ta... Đối với vùng TPHCM, ông Bình cũng cho rằng cần có thêm các trung tâm đại học tại Long Thành (Đồng Nai), Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Khi nào mới khả thi?

Theo ông Châu Ngọc Ẩn, Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng Đại học quốc gia TPHCM, thực ra ý tưởng di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội thành đã được đưa ra từ nhiều năm trước nhưng để thực hiện không hề đơn giản. Trong một cuộc hội thảo gần đây, hiệu trưởng một trường đại học dân lập, nói thật: “Trong nội thành chúng tôi còn chưa tuyển sinh được thì dời ra ngoại thành làm sao chúng tôi có sinh viên!”.

Một thực tế nữa là, hiện nay, một số trường đại học trong nội thành TPHCM đã được chính quyền cấp đất ở quận 9, quận 7... để di dời nhưng tiến độ rất chậm. Theo lãnh đạo một trường đại học có trụ sở tại quận 3, việc di dời nói thì đơn giản nhưng thực hiện rất khó. “Cơ chế, chính sách còn nhiều thứ vướng, nhất là đền bù giải phóng mặt bằng. Do việc cho chuyển nhượng bất động sản của một số trường trong nội thành để lấy vốn di dời mới ở dạng chủ trương nên nhiều trường không có vốn để di dời”.

Trong báo cáo đề dẫn tại Hội nghị Quy hoạch đất cho các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và TPHCM hồi đầu năm ngoái, Bộ GD-ĐT có đề xuất sửa đổi chính sách để việc di dời các trường đại học ra khỏi nội thành được thuận lợi nhưng cho tới nay mọi việc vẫn không có tiến triển gì! Vì vậy, theo ông Ẩn, song song với việc làm quy hoạch xây dựng các trường đại học, cao đẳng Nhà nước cần phải soạn thảo những chính sách hỗ trợ rõ ràng và minh bạch cho việc di dời các trường thì mới có tính khả thi.

Ở góc độ quy hoạch, ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng cách căn cứ vào dân số để tính ra số lượng sinh viên trên đầu người (như hiện nay 450 sinh viên/10.000 dân) để từ đó quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng dường như không ổn lắm! “Nó duy ý chí quá”, ông nói. Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, các nước EU và Mỹ không có quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học trên khu vực rộng lớn như thế; mà mỗi đại học tự tổ chức lấy hệ thống giáo dục của mình và cạnh tranh nhau về chất lượng.

Vậy, liệu chúng ta có nên quy hoạch xây dựng lại cả hệ thống các trường đại học, cao đẳng hay chỉ cần có những tiêu chí, tiêu chuẩn (về không gian, môi trường, điều kiện cư trú, cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên...) rõ ràng và những chính sách hỗ trợ cùng với việc quản lý chặt chẽ để cho các trường tự điều chỉnh?

Mục tiêu quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020

a) Phấn đấu đạt 200 sinh viên/10.000 dân vào năm 2010; 300 sinh viên/10.000 dân vào năm 2015 và 450 sinh viên/10.000 dân vào năm 2020. Đến năm 2020 có khoảng 70-80% sinh viên đại học được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng và 20-30% sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu.

b) Đến năm 2020 có từ 30-40% sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học tư thục.

c) Đến năm 2010 có trên 40% giảng viên đại học và trên 30% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên; có trên 25% giảng viên đại học và 5% giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ.Đến năm 2015: 70% giảng viên đại học và trên 50% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên; có trên 50% giảng viên đại học và ít nhất 10% giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ.Đến năm 2020 có trên 90% giảng viên đại học và trên 70% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên; có trên 75% giảng viên đại học và ít nhất 20% giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ.

d) Sau năm 2010 diện tích đất đai và diện tích xây dựng của các trường đạt chuẩn định mức quy định về diện tích tính bình quân trên 1 sinh viên; hình thành các khu đại học dành cho các trường đại học nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

đ) Vào năm 2010 bảo đảm đủ giáo trình, tài liệu dành cho sinh viên theo quy định đối với các môn học, ngành học.

e) Đến năm 2010 có 10 trường đại học mà mỗi trường có ít nhất 1 khoa (ngành) hoặc lĩnh vực đào tạo đạt tiêu chí chất lượng tương đương so với các trường có uy tín trên thế giới; đến năm 2015 có 20 trường đại học đạt tiêu chí nêu trên và năm 2020 có 1 trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới.

g) Thu hút đạt tỷ lệ trên 0,1% vào sau năm 2010; 1,5% vào sau năm 2015 và 5% vào năm 2020 số lượng sinh viên là người nước ngoài so với tổng số sinh viên cả nước đến học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.

Nguồn: Quyết định 121/2007/QĐ-TTg ngày 27-7-2007 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới