Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Về Quảng Nam, khám phá văn hóa-du lịch Tây Giang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Về Quảng Nam, khám phá văn hóa-du lịch Tây Giang

Tin, ảnh: Trương Chi

Về Quảng Nam, khám phá văn hóa-du lịch Tây Giang
Nói lý-hát lý của đồng bào Cơ tu vừa được công bố di sản văn hoá phi vật thể

(TBKTSG Online) – Chương trình khởi động năm du lịch Tây Giang 2016 với chủ đề “Tiếng gọi đại ngàn” khai mạc ngày hôm qua 9-5, tại huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) và sẽ kết thúc vào ngày mai, 11-5.

Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao được tổ chức nhân dịp này. Đặc biệt sẽ có lễ công bố cây pơmu là cây di sản Việt Nam; nghề dệt thổ cẩm, nói lý-hát lý, múa tân tung-da dá của người Cơtu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Du khách sẽ được trải nghiệm thực tế tại quần thể rừng pơmu với 727 cây được công nhận là cây di sản, tham gia các lễ hội với các nghi thức truyền thống của người Cơtu như lễ hiến trâu, múa tâng tung – da dá, nói lý – hát lý…

Đây là lần đầu tiên huyện miền núi Tây Giang tổ chức phát động năm du lịch nhằm quảng bá, kêu gọi đầu tư, xúc tiến du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, sự kiện còn là cơ hội vinh danh những giá trị độc đáo về cảnh quan môi trường sinh thái, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm để bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị khu sinh thái rừng nguyên sinh pơmu.

Các hoạt động tại lễ hội cũng nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ, cộng đồng về công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu, văn hóa cộng đồng làng trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập.

Với hơn 90% dân số là đồng bào Cơtu, các bản làng ở Tây Giang hầu như vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa của dân tộc Cơtu, đặc biệt là không khí lễ hội, ẩm thực, kiến trúc… Ngôi làng truyền thống Cơtu do những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tạo dựng – gồm nhà sàn, nhà tộc họ, nhà dài, Gươl – thể hiện tình yêu và lòng tôn kính đối với ngôi nhà như là linh hồn sống của buôn làng.

Không gian sống của cộng đồng người Cơ Tu ở đây theo mô hình làng truyền thống với tính cộng đồng cố kết chặt chẽ trong mọi sinh hoạt văn hóa. Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín cũng luôn được phát huy để bảo tồn những giá trị đặc thù của dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển hiện tại của địa phương.

Một số sản phẩm du lịch ở đây được hình thành như du lịch trải nghiệm, khám phá lễ hội, thưởng thức ẩm thực truyền thống… cũng lồng ghép giới thiệu những nét văn hóa truyền thống như dệt thổ cẩm, múa tân tung-da dá, nói lý – hát lý, điêu khắc, múa hát cồng chiêng…

Nghề dệt thổ cẩm đồng bào Cơ tu vừa được công bố di sản văn hóa phi vật thể

Thổ cẩm là một thành tố góp phần tạo nên bản sắc độc đáo của đồng bào Cơtu. Kỹ thuật nhuộm sợi của người Cơtu được biết đến là kỹ thuật cổ xưa của vùng Đông Nam Á còn lưu giữ được. Hiện thổ cẩm Cơtu đang trở thành sản phẩm mang tính giá trị nghệ thuật đặc sắc được du khách ưa chuộng.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch Tây Giang thì hiện nhiều công ty lữ hành cũng đã  xúc tiến đưa du khách đến vùng miền núi này với các chương trình du lịch như trải nghiệm văn hóa truyền thống, khám phá làng Cơ Tu, du lịch sinh thái rừng pơmu… Hiện địa phương chú trọng vào những mục tiêu như đầu tư phục hồi làng nghề, khôi phục không gian Gươl, Moong truyền thống, hình thành quy hoạch nhưng không phá vỡ không gian truyền thống để đáp ứng hạ tầng cho du lịch.

Việc rừng pơmu được công nhận là cây di  sản, cùng với các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khác của làng như nói lý-hát lý, nghề dệt thổ cẩm, múa tân tung-da dá,…sẽ là những “đặc sản” mang thương hiệu du lịch văn hóa trải nghiệm của Tây Giang. Du lịch phát triển theo hướng bền vững sẽ là cơ hội để thay đổi diện mạo của vùng đất này, cải thiện sinh kế bền vững cho người dân địa phương, đồng thời nâng tầm, giữ gìn, phát triển văn hóa Cơ Tu.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới