Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ve sầu kêu ve ve…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ve sầu kêu ve ve…

Trần Huy

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Mấy hôm trước, khi đi qua công viên trước dinh Thống Nhất – con đường thường ngày đến cơ quan – hắn bỗng giật mình thích thú khi cả một vùng rộ lên tiếng ve. Cũng như hắn, nhiều người đi xe chậm lại, ngẩng nhìn lên những vòm cây xanh lắng nghe, nét mặt giãn ra, nhẹ nhõm.

Ở một thành phố chen chúc gần cả chục triệu dân, xe cộ nườm nượp, khói bụi mù mịt, tiếng ồn đinh tai nhức óc, thế mà có lúc còn được nghe tiếng ve rộn rã như thể đang lạc vào vùng quê thanh bình, một khu vườn rợp bóng cây mùa hè – khác nào bất ngờ nhận được món quà thanh khiết từ đất trời. Và dọc đường về, tâm trí hắn cứ văng vẳng tiếng ve và điệp khúc: Ve sầu kêu ve ve…

“Ve sầu kêu ve ve; suốt mùa hè…” – phải rồi, đoạn mở đầu bài học thuộc lòng từ thuở nhỏ vốn là bài thơ ngụ ngôn “Con ve và con kiến” của Nguyễn Văn Vĩnh dịch của nhà thơ Pháp La Fontaine. Chuyện rằng: có chú ve suốt mùa hè cứ mải mê ca hát, trong khi chú kiến chăm chỉ, cần cù, lo tích trữ thức ăn. “Đến kỳ gió bấc thổi”, chú ve đói quá, mò sang nhà kiến để vay mấy hạt; kiến ta vặn vẹo: “Nắng ráo chú làm chi?” và còn mai mỉa: “Kiến rằng: xưa chú hát; nay múa thử đây coi”. Bài thơ dừng ở đó, tác giả không nói ra nhưng hẳn người đọc cũng hình dung được số phận của chú ve ham ca hát cho sướng miệng mà quên bén cái bụng.

Bài học luân lý của La Fontaine quá rõ: phải cần mẫn, tiết kiệm, biết lo xa, đừng sa đà chuyện rong chơi, ca xướng. Nói theo ngôn ngữ lý luận văn học bây giờ, ý đồ sáng tác, hay chủ đích sáng tác của nhà thơ Pháp rất tốt, mang tính giáo dục cao. Nhưng lẽ thường, có ý đồ, chủ đích tốt là một chuyện, còn thể hiện nó ra cho sinh động, hấp dẫn, thuyết phục người đọc lại là một chuyện khác. Lúc còn đi học, tôi cứ đinh ninh rằng con ve của La Fontaine quả là đáng tội, chẳng nên trách chú kiến làm gì. Nhưng rồi sau này tôi lại nghĩ khác: không chắc nhà thơ mô phạm đã công bằng với chú ve.

Trong thực tế, theo mô tả của nhà côn trùng học Jean Henri Fabre (1823-1915) thì chính ve là kẻ rộng lượng, sẵn sàng chia thức uống là nhựa cây (do ve chích từ vỏ cây) vào mùa hè nắng cháy cho lũ côn trùng đang khát bỏng trong đó có cả lũ kiến và chính kiến là kẻ tham lam, cướp giật của người khác. Sự thật đảo ngược là vậy. Nhưng thôi, tạm gác chuyện khoa học xác thực ấy để nói về thế giới hư cấu, tưởng tượng của thơ ca. Sáng tác ngụ ngôn, người ta thường nhân cách hóa con vật, biến nó thành nhân vật điển hình cho những tính tốt hoặc thói xấu nào đó. Việc nhân cách hóa, điển hình hóa ấy thường dựa trên nét đặc trưng ở hình dạng, hành vi và tập tính của con vật. Chẳng hạn, con cọp hay sư tử là điển hình của uy dũng và cả sự hung dữ; con cáo tinh ranh, giảo hoạt; con ong cần mẫn, trật tự…

Một nhà thơ tài năng lừng lẫy như La Fontaine thừa hiểu điều đó, và con kiến trong thơ ông tr ở thành nhân vật rất điển hình cho tính cần cù, tiết kiệm, biết lo xa – điều đó rất thích hợp và rất đúng; Nhưng còn con ve? Nhà thơ đã biến chúng thành một đám vô dụng, thiếu tự trọng (đi van xin vay mượn kiến), sống vô tâm. Do định kiến hay một mối ác cảm nào chăng?

Thử xem ve có làm việc không? Nó làm việc quá đi chứ. Trước nhất là vì lẽ sống còn của giống loài: ve ca hát để gọi “bạn tình” thực hiện chức năng giao phối, truyền giống. Sau nữa là để báo hiệu một chu kỳ mới trong năm: mùa hè đã đến. Và sau hết, tiếng hát (tuy có hơi ồn) của nó tạo thêm nét đa dạng, đặc sắc cho cảnh quan. Chính mẹ thiên nhiên phó cho chúng những công việc ấy, nhiệm vụ ấy. Và con người được hưởng những gì mà loài ve mang lại: đám học sinh náo nức chờ tiếng ve, các họa sĩ (đặc biệt là thủy mặc), thi sĩ, nhạc sĩ lấy cảm hứng sáng tác từ ve, các nhà khoa học tìm hiểu bí ẩn của chu kỳ kéo dài có khi đến 17 năm dưới đất của ấu trùng ve, khung cảnh đồng quê mang vẻ đẹp yên bình với tiếng ve ran…

Nhưng không rõ từ lúc nào người đời quen ví kiếp ve như “kiếp cầm ca” theo cái nghĩa tủi buồn: cứ hát xướng mua vui thiên hạ cho lắm để rồi sau đó chuốc lấy sự bạc bẽo, rẻ rúng, thanh sắc chóng tàn phai, cô đơn nghèo túng khi về chiều. “Xướng ca vô loài”, cái nhìn tiêu cực ấy phổ biến từ thời phong kiến xa xưa đối với ca sĩ (hay nghệ sĩ nói chung) không ngờ còn kéo đến tận ngày nay. Nếu đã ví von, sao ta không ví tiếng hát của loài ve với nỗi đam mê theo đuổi cái đẹp, “cháy” hết mình trong ca hát, trong nghệ thuật, không chút tính toán, thực dụng. “Cháy” đến mức cả đời sống mình chỉ còn kết tinh trong nghệ thuật, trong những gì mình đã dâng hiến cho đời. Như thế có đáng yêu, đáng quý trọng? Có vẻ như cường điệu, nhưng với hắn, có lẽ ve sầu là hình ảnh của một nghệ sĩ đích thực, một kẻ tuẫn đạo – nghệ thuật. Bạn có nghĩ vậy không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới