(KTSG) - Trên nền kinh tế vĩ mô hồi phục, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn cũng theo chiều hướng đi lên, qua đó đưa định giá của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam về mức khá hấp dẫn.
Vĩ mô tiếp đà hồi phục
Theo báo cáo chiến lược mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, các chỉ số chính của kinh tế vĩ mô tháng 8-2024 vẫn đang cho thấy xu hướng hồi phục của nền kinh tế. Cụ thể, các chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số quản lý thu mua (PMI) và xuất khẩu mở rộng mạnh mẽ so với cùng kỳ cho thấy nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời điểm hiện tại.
Hoạt động thương mại tiếp tục hồi phục tốt với mức tăng trưởng hai con số trong tháng 7. Nhập khẩu (+24,7%) tăng mạnh hơn xuất khẩu (+19,1%) là tín hiệu khả quan để kỳ vọng vào mùa xuất khẩu cuối năm. Các nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng tích cực ở cả chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất khẩu là gỗ (+24,4%), điện tử (+22,5%), điện thoại và linh kiện (+19,1%), sắt thép (+19,5%).
Trong khi đó, tiêu dùng trong nước vẫn chưa hồi phục hoàn toàn khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 7 (theo giá hiện hành) tăng 9,4% so với cùng kỳ (bảy tháng đầu năm 2024 tăng 8,5%), nhưng do lạm phát vẫn ở mức cao nên mức tăng sau khi loại trừ lạm phát trong bảy tháng đầu năm 2024 chỉ là 5,2% (bảy tháng đầu năm 2023 tăng 9,8%). Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 4,3% (nếu đã loại trừ lạm phát), thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tiềm năng trước đại dịch Covid-19.
Còn doanh thu từ hoạt động du lịch chỉ tăng 13% khi lượng khách quốc tế tới Việt Nam đã hạ nhiệt do yếu tố mùa vụ. Đối với khách du lịch nội địa, lượng khách vận chuyển qua đường hàng không giảm mạnh (-29,3%) trong tháng 7 mặc dù đây là tháng cao điểm du lịch nội địa. Điều này cho thấy nhu cầu chi tiêu trong nước vẫn đang ở mức thận trọng.
Với các yếu tố hỗ trợ cho TTCK bao gồm đà hồi phục lợi nhuận và mức định giá tốt, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở các ngành/cổ phiếu còn dư địa mở rộng định giá và có các yếu tố hưởng lợi từ sự hồi phục kinh tế trong nửa cuối năm. Chiến lược tích lũy từng phần khi giá giảm sâu được coi là tương đối phù hợp cho các nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại.
Về các nguồn vốn đầu tư, giải ngân vốn FDI trong bảy tháng đầu năm đạt 12,5 tỉ đô la Mỹ - tăng 8,4% và phần lớn giải ngân vào lĩnh vực chế biến chế tạo (79,5% tổng vốn giải ngân). Tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh bảy tháng đầu năm đạt 15,7 tỉ đô la, tăng 30%. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính tổng vốn FDI đăng ký trong năm 2024 (bao gồm đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần) có thể đạt 39-40 tỉ đô la (năm 2023 đạt 37 tỉ đô la).
Việc cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI trong khu vực hiện khá gay gắt và Việt Nam đang có những động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi, đặc biệt đối với các dự án công nghệ cao sau khi áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công lại chưa có sự bứt phá. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công trong bảy tháng đầu năm mới đạt 34,7% kế hoạch Thủ tướng giao. Mức giải ngân đầu tư công theo số tuyệt đối giảm khoảng 8,4% do mức nền cao trong năm 2023. Tốc độ giải ngân chưa có sự bứt phá do công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên vật liệu xây dựng, công tác phân bổ chi tiết kế hoạch vốn chậm hay nguồn thu ngân sách địa phương bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản chững lại. Bộ Tài chính đã và đang phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ban hành một luật sửa đổi, bổ sung một số luật nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách (Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu...).
Định giá thị trường ở mức hấp dẫn
Trên nền kinh tế vĩ mô phục hồi, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn cũng theo chiều hướng đi lên. Hiện mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 2-2024 gần như đã kết thúc với tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn HOSE tăng 17,5% so với quí trước (cao hơn tốc độ tăng 6,6% trong quí 1) và tăng 23% so với cùng kỳ (cao hơn nhiều mức tăng 4,8% trong quí 1). Đóng góp nhiều nhất đến từ các ngành như bán lẻ (tăng 32 lần), viễn thông (tăng 4,4 lần), tài nguyên cơ bản (tăng hơn 3 lần), du lịch và giải trí (tăng 3 lần)... Ở chiều ngược lại, các ngành có đà tăng trưởng chậm lại là dịch vụ tài chính, hàng và dịch vụ công nghiệp. Riêng nhóm bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận dương trở lại (+19,5%) sau khi giảm 63% trong quí trước.
Mặc dù có sự phân hóa nhất định nhưng nhiều nhóm ngành có tăng trưởng khá đồng đều như ngân hàng, hàng không, hóa chất và bán lẻ. Sự phục hồi ở ngành bán lẻ là khá rõ nét với tốc độ tăng trưởng cải thiện nhiều so với quí trước, ghi nhận ở các doanh nghiệp như PNJ, MWG, FRT. Với ngành thực phẩm tiêu dùng, sự cải thiện ở các doanh nghiệp đầu ngành như SAB, MSN và VNM cũng khá rõ nét. Diễn biến trên đã hỗ trợ cho TTCK ở hai khía cạnh: dòng tiền xoay vòng giữa các nhóm ngành và số lượng mã trụ cột dẫn dắt thị trường tăng lên.
Dù kết quả kinh doanh hồi phục tích cực song TTCK lại biến động mạnh trong những phiên đầu tháng 8 khi xuất hiện các biến số khách quan mới như: (i) lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái khi các dữ liệu về sản xuất và thị trường lao động cho thấy sự suy yếu (ii) Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 0,1% lên 0,25%. Theo đó, các tài sản rủi ro, trong đó có cổ phiếu bị bán mạnh ở hầu hết các TTCK trên thế giới.
Đối với TTCK Việt Nam, một số chuyển biến về nền tảng cơ bản theo hướng tích cực có thể đã bị thị trường bỏ qua (khi yếu tố tâm lý đang có phần lấn át) như: (i) rủi ro tỷ giá giảm dần khi đô la Mỹ suy yếu; (ii) xu hướng hồi phục lợi nhuận theo quí của toàn thị trường vẫn tốt; (iii) định giá thị trường hiện ở mức khá hấp dẫn với chỉ số P/E forward ở mức quanh 11x.
Theo ước tính, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đang có mức định giá ước tính một năm thấp hơn so với bình quân năm năm, điển hình là nhóm tiêu dùng, nhóm tài chính, nhóm công nghiệp, nhóm bất động sản. Riêng nhóm công nghệ thông tin có mức định giá mở rộng trong thời gian gần đây, nhưng vẫn được hỗ trợ tốt bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bền vững và bảng cân đối lành mạnh.
Với các yếu tố hỗ trợ cho TTCK bao gồm đà hồi phục lợi nhuận và mức định giá tốt, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở các ngành/cổ phiếu còn dư địa mở rộng định giá và có các yếu tố hưởng lợi từ sự hồi phục kinh tế trong nửa cuối năm. Trong đó, trọng tâm có thể là nhóm hàng tiêu dùng (thực phẩm, bán lẻ), nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp (các cổ phiếu cảng vận tải biển)... Theo đó, chiến lược tích lũy từng phần khi giá giảm sâu được coi là tương đối phù hợp cho các nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại.