(KTSG) - Chỉ trong vòng năm năm gần đây, các vụ sai phạm liên quan đến đất đai lần lượt được phanh phui tại 7 tỉnh, thành phố liên quan trực tiếp đến khoảng 20 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh cao nhất gồm bí thư/phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch/phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Trong thời gian từ năm 2018 đến hiện tại đã có đến 17 bí thư, phó bí thư tỉnh ủy/thành ủy, chủ tịch/phó chủ tịch của 6 tỉnh/thành phố lần lượt bị bắt giam, trong số này một số đã ra tòa và lãnh án tù giam.
Điểm chung trong các vụ án này là liên quan đến sai phạm về quản lý đất đai như giao đất, định giá, đấu giá đất sai quy định… dẫn đến đất công, đất “vàng” bị lọt vào tay một số doanh nghiệp với giá thấp, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng.
Mới đây nhất tại tỉnh Đồng Nai, hồi giữa tháng 4 năm nay cơ quan thanh tra tỉnh này đã kết luận vụ việc giao đất khu dân cư Bình Đa không thông qua đấu giá có dấu hiệu tội phạm về quản lý đất đai nên đã chuyển vụ việc sang cơ quan công an để điều tra. Trong vụ này, có đến 9 cán bộ từng là lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, giám đốc sở và lãnh đạo UBND thành phố Biên Hòa liên quan trực tiếp đến vụ sai phạm khiến đất công biến thành đất tư này. Đáng chú ý, trong vụ này có liên quan đến ba đời phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai suốt từ năm 2011-2016.
Một tỉnh khác cũng có sai phạm kéo dài nhiều đời chủ tịch, phó chủ tịch là Khánh Hòa với hai đời cựu chủ tịch liên tiếp nhau là Nguyễn Chiến Thắng (nhiệm kỳ 2011-2016) và Lê Đức Vinh (nhiệm kỳ 2016-2021).
Xa hơn một chút là Đà Nẵng, thành phố trực thuộc trung ương, với hai cựu chủ tịch là ông Trần Văn Minh (giai đoạn 2006-2011) và Văn Hữu Chiến (giai đoạn 2011-2014). Trong số những lãnh đạo tỉnh bị kết án thì ông Trần Văn Minh cũng là người bị lãnh mức án thuộc hàng cao nhất, đến 17 năm tù giam.
Còn TPHCM cũng có đến ba vị cựu phó chủ tịch và một cựu phó bí thư thành ủy rơi vào vòng lao lý, lãnh án tù vì các sai phạm liên quan đến đất công, tài sản công trong giai đoạn từ năm 2010 trở về sau.
Các vụ án liên quan đến sai phạm đất đai ở các tỉnh, thành phố không chỉ liên quan đến các nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của địa phương như chủ tịch/phó chủ tịch và bí thư/phó bí thư mà thường kéo theo các giám đốc/phó giám đốc, trưởng phó phòng của các sở chức năng như tài nguyên môi trường, xây dựng, tài chính, tư pháp và các cơ quan chuyên trách khác như thuế, quản lý đất đai…
Đây là các sai phạm từ khoảng năm 2010 đến nay, tức kéo dài hơn mười năm và trải qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo các tỉnh.
Vậy, lỗ hổng nằm ở đâu trong suốt quá trình này? Làm thế nào để kiểm soát được trong tương lai để các sai phạm về đất đai, công sản như vậy không xảy ra tiếp?
Mục tiêu phải đạt được không chỉ là hạn chế thiệt hại tài sản công mà còn bảo đảm một sân chơi công bằng cho doanh nghiệp, ai có năng lực thì được khai thác dự án chứ không phải kiểu “đi tắt” dựa trên mối quan hệ như trong các vụ sai phạm nêu trên.
Ngừa bệnh hơn trị bệnh vì các sai phạm đất đai ở cấp tỉnh, thành phố một khi đã xảy ra thì thiệt hại cho tài sản nhà nước rất lớn trong khi việc khắc phục hậu quả lại không dễ dàng. Cái mất lớn hơn nữa là lòng tin của người dân sụt giảm kéo theo uy tín nhà nước bị ảnh hưởng không nhỏ.
Không còn là sai phạm nghiêm trọng nữa. Khi mà mọi thứ trở nên khó quản, khó hiểu, khó tin, thì nên đặt ra câu hỏi nghiêm túc và phải có giải đáp đúng bài, đúng thuốc, đúng liều lượng. Đây có thể xem là thách thức lớn nhất của thể chế quản lý công sản hiện nay. Nếu không xử lý sớm, e rằng tổn hại kinh tế chính trị xã hội là khó đo đếm được.