(KTSG) - Sự quan trọng của nền kinh tế TPHCM không chỉ phụ thuộc vào tỷ trọng GRDP của thành phố này trong GDP cả nước, mà còn là sự lan tỏa của cầu cuối cùng và sản xuất của TPHCM đến các vùng khác trong đất nước thế nào.
- TPHCM siết chặt kỷ cương trong triển khai 33 dự án trọng điểm
- Chính phủ trình Quốc hội 7 nhóm chính sách đặc thù cho TPHCM
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 38/NQ-CP về Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Để phân tích tầm quan trọng của một vùng (hoặc một tỉnh), phân tích IO (Input/Output) liên vùng là một công cụ khoa học quan trọng. Nghiên cứu này dựa trên ý niệm về phân tích liên vùng nhằm mô tả cấu trúc nội tại của ngành và liên ngành cũng như cấu trúc nội tại của vùng và liên vùng của TPHCM và những vùng còn lại của Việt Nam.
Về lý luận, một quốc gia thường có những ngành có tầm quan trọng tương đối so với các ngành khác trong nền kinh tế thông qua các chỉ số lan tỏa và độ nhạy. Ý niệm về phân tích liên vùng được Isard (1951) đưa ra và được cụ thể hóa bởi Harry W. Richardson (1973) và Miyazawa, K. (1976) và nó được xem như một công cụ quan trọng trong nghiên cứu về kinh tế vùng.
Tương tự như với ngành, một vùng hoặc tỉnh có tầm quan trọng riêng (theo ngành cụ thể) và một vùng nào đó có thể có tầm quan trọng lan tỏa đến nền kinh tế cả nước hơn những vùng/tỉnh khác.
Sự quan trọng của nền kinh tế TPHCM không chỉ phụ thuộc vào tỷ trọng GRDP của thành phố này trong GDP cả nước, mà còn là sự lan tỏa của cầu cuối cùng và sản xuất của TPHCM đến các vùng khác trong đất nước thế nào.
Nghiên cứu qua mô hình IO liên vùng của Việt Nam cho thấy, nhu cầu cuối cùng và sản xuất của TPHCM lan tỏa đến các vùng khác rất mạnh. Chỉ số lan tỏa của TPHCM cao gấp 1,5 lần các tỉnh phía Bắc; 1,7 lần các tỉnh miền Trung và 1,9 lần các tỉnh phía Nam. Cụ thể hơn, tiêu dùng của TPHCM lan tỏa đến các vùng khác cao hơn chỉ số này của các tỉnh phía Bắc 1,6 lần, các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Nam là 1,72 lần.
Đầu tư cũng lan tỏa mạnh đến sản xuất của các vùng khác; đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại TPHCM lan tỏa đến các vùng khác hơn 2 lần xuất khẩu của các vùng khác lan tỏa đến TPHCM. Một điều thú vị là trong cả tám vùng, TPHCM là vùng có nhiều ngành kinh tế có chỉ số lan tỏa lớn nhất. Điều này cho thấy TPHCM có nhiều ngành có thể xem là mũi nhọn không chỉ lan tỏa đến nội tại TPHCM mà còn lan tỏa đến các vùng kinh tế khác và cả nước.
Một điều thú vị là trong cả 8 vùng, TPHCM là vùng có nhiều ngành kinh tế có chỉ số lan tỏa lớn nhất. Điều này cho thấy TPHCM có nhiều ngành có thể xem là mũi nhọn không chỉ lan tỏa đến nội tại TPHCM, mà còn lan tỏa đến các vùng kinh tế khác và cả nước.
Tính toán từ mô hình cũng cho thấy, đầu tư ở hầu hết các vùng khác không hiệu quả bằng TPHCM. Cấu trúc kinh tế của TPHCM cho thấy tất cả các nhân tố của cầu đều lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm rất ấn tượng, đặc biệt là xuất khẩu và các khoản đầu tư của Chính phủ.
Một điểm đáng chú ý là đầu tư từ nguồn vốn nhà nước tại TPHCM có mức độ lan tỏa đến sản xuất rất ấn tượng và cao hơn hẳn các vùng khác. Trong khi chỉ số lan tỏa của TPHCM là 1,51 thì vùng có chỉ số này cao thứ nhì (Hà Nội) chỉ là 1,304. Chỉ số lan tỏa của đầu tư từ khu vực tư nhân của TPHCM cũng là cao nhất trong tám vùng (1,25), tuy mức độ lan tỏa vẫn thấp hơn đầu tư từ nguồn vốn nhà nước (1,25 so với 1,51). Một điều thú vị nữa là đối với tích lũy tài sản lưu động, trong khi cả bảy vùng còn lại đều có mức lan tỏa nhỏ hơn 1 thì chỉ số này của TPHCM vẫn cao hơn 1 khá nhiều.
Ngoài ra, kết quả tính toán cho thấy khi cầu cuối cùng nội tại TPHCM (bao gồm tiêu dùng cuối cùng của người dân thành phố, đầu tư và xuất khẩu) tăng lên 100 đồng thì lan tỏa đến giá trị tăng thêm nội tại TPHCM khoảng 89% và 11% lan tỏa tới các vùng khác.
Đặc biệt, tiêu dùng của người dân TPHCM sẽ lan tỏa đến giá trị tăng thêm vùng khác của cả nước đến 17%; trong khi đầu tư và xuất khẩu của TPHCM lan tỏa đến giá trị tăng thêm vùng khác của cả nước là 8,8,% và 8,7%. Đây là mức lan tỏa rất cao, thể hiện sự quan trọng của kinh tế thành phố với nền kinh tế cả nước.
Khi tỷ trọng GRDP của một tỉnh hay vùng nào đó trong GDP cao, nhưng các chỉ số lan tỏa và độ nhạy thấp thì không những không tốt mà còn lệch lạc về cấu trúc phân bổ nguồn lực. Nếu đầu tư của TPHCM tăng 10%, dẫn đến GRDP của thành phố có thể tăng khoảng 1,5% và GDP của cả nước tăng khoảng 0,8-1%.
Như vậy, đứng ở góc độ kinh tế, có thể xem TPHCM là một vùng đặc biệt quan trọng, là đầu kéo cả nền kinh tế Việt Nam phát triển. Nếu TPHCM tăng trưởng chậm lại, tác động không chỉ là mất đi một vài điểm phần trăm tăng trưởng của thành phố, mà còn có những ảnh hưởng lan rộng đến các vùng khác và cả nước trong những chu kỳ sản xuất sau.
Do đó, việc Chính phủ thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là rất đúng đắn.
Cần nhận thức rõ về nội hàm mới của chính sách đặc thù. Chính sách đặc thù cho TPHCM quan trọng với cả nước, không chỉ vì TP là trung tâm kinh tế lớn nhất, mà còn là nơi tuyến đầu để thử nghiệm chính sách đổi mới trong bối cảnh mới (Đổi mới lần II). Tư duy đổi mới lần II phải có sự khác biệt hoàn toàn so với trước. Đổi mới lần I là sự chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường, tạo lối thoát hiểm trong bối cảnh khủng hoảng nặng nề. Đó chính là lựa chọn sinh tử. Đổi mới lần II là sự chuyển đổi nền kinh tế lên nền tảng hội nhập và văn minh, tạo lối đi mới trong không gian kỷ nguyên 4.0. Đây chính là lựa chọn tốt nhất. Bởi vậy, để chính sách đặc thù đối với TPHCM mang tính khả thi, trước hết phải đoạn tuyệt với tư duy và lối làm đã quá cũ kỹ, lạc hậu.