Thứ tư, 30/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vì sao có thêm 3 tỉnh vào Vùng thủ đô Hà Nội?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao có thêm 3 tỉnh vào Vùng thủ đô Hà Nội?

Vân Ly

Vì sao có thêm 3 tỉnh vào Vùng thủ đô Hà Nội?
Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh minh họa: Internet

(TBKTSG Online) - So với Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây, bản điều chỉnh quy hoạch này mới được phê duyệt có thêm 3 tỉnh. Vì sao lại có thêm 3 tỉnh này và vì sao lại cần phải quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội?

Vùng thủ đô Hà Nội được hiểu là một vùng gồm nhiều tỉnh, thành phố sát thủ đô, được quy hoạch để phát triển thành một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Theo điều chỉnh quy hoạch, xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Xây dựng công bố vào ngày 11-8, phạm vi Vùng thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng so với quy hoạch trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phạm vi điều chỉnh quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội có tổng dân số 17,6 triệu người. Toàn bộ quy hoạch vùng sẽ có tổng diện tích trên 24.300 km2, tăng gần gấp đôi so với trước đây, chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc. Tầm nhìn Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng đô thị lớn, có chức năng kinh tế tổng hợp không chỉ của quốc gia mà cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Vùng thủ đô Hà Nội là một vùng đô thị lấy thành phố Hà Nội làm đô thị trung tâm và các thành phố, thị xã của các tỉnh lân cận Hà Nội làm đô thị vệ tinh.

Theo Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), vùng thủ đô Hà Nội được xác định là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Vùng thủ đô có chức năng gì?

Thực tế, Vùng thủ đô Hà Nội đã có quy hoạch từ năm 2008. Theo đó, Vùng thủ đô Hà Nội được hình thành nhằm mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của cả vùng để phát triển thủ đô Hà Nội có đủ chức năng và vị thế của một trung tâm đô thị hiện đại trong khu vực Đông Nam Á và châu Á; giải quyết những bất cập, mâu thuẫn đang tồn tại ảnh hưởng tới quá trình phát triển chung cho cả Vùng thủ đô Hà Nội; phát triển hài hoà, nâng cao chất lượng hệ thống đô thị trong vùng nhằm giảm sự tập trung vào thủ đô Hà Nội, trên cơ sở xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng cấp vùng; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững cho toàn vùng.

Tầm nhìn đến năm 2050, Vùng thủ đô Hà Nội sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển bền vững. Đồng thời là trung tâm chính trị, văn hoá - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước.

Từ năm 2008, kể từ khi có quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội đến nay, các tỉnh trong vùng đã bước đầu triển khai thực hiện. Tuy nhiên theo Chính phủ, từ yêu cầu thực tiễn cần phát triển và qua thực tế có những vấn đề nảy sinh cần cập nhật và bổ sung cho kịp thời. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải điều chỉnh quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội để phát triển nhanh và bền vững trên các lĩnh vực, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Thêm nữa, trong thực tế triển khai còn những vướng mắc cần điều chỉnh như việc liên kết chia sẻ các chức năng vùng còn chưa rõ ràng; các khu công nghiệp tập trung nhiều ở các cửa ngõ ra vào thủ đô Hà Nội; các dự án khu đại học tập trung, các khu đô thị quy mô lớn… cần được xem xét, đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn phát triển; công tác phối hợp giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ngành còn nhiều lúng túng, chưa tạo được sự gắn kết nội vùng…

Từ những yêu cầu thay đổi nêu trên, theo Chính phủ, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 là hết sức cần thiết.

Mô hình quản lý vùng này được thực hiện như sau: Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội là cơ quan tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo điều hành phát triển Vùng thủ đô. Ban này có nhiệm vụ tổ chức, phối hợp giữa các cơ quan bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng để triển khai thực hiện theo điều chỉnh quy hoạch xây dựng này.

Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội sẽ chủ trì và chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý và các cơ chế, chính sách phát triển Vùng thủ đô, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Tỉnh được lợi khi vào vùng thủ đô

Theo điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang là một trong ba tỉnh được bổ sung vào quy hoạch. Trả lời phỏng vấn báo Bắc Giang, ông Nguyễn Cường, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, cho biết Bắc Giang là tỉnh nằm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, tiếp giáp với vùng Đồng bằng sông Hồng. Do đó quy hoạch đã xác định tỉnh Bắc Giang là cửa ngõ chuyển tiếp giữa Vùng thủ đô Hà Nội với vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cụ thể, là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận, trung chuyển hàng hóa của Vùng thủ đô Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); phát triển du lịch, sản xuất các sản phẩm nông, lâm nghiệp chất lượng cao và là đầu mối kinh doanh, thương mại quan trọng của Vùng thủ đô Hà Nội với các tỉnh Đông Bắc của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Theo ông Cường, việc Bắc Giang được đưa vào quy hoạch điều chỉnh Vùng thủ đô Hà Nội là cơ hội lớn để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp của Bắc Giang sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, nhất là với mặt hàng điện tử, máy tính và phụ kiện, hàng cơ khí, dệt may, chế biến thực phẩm, hoa quả… Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Vùng thủ đô Hà Nội sẽ là một thị trường rất lớn, nếu tận dụng và khai thác tốt, tỉnh Bắc Giang có thể trở thành nơi cung cấp thực phẩm cho cả vùng như rau, củ, quả, gà, lợn thịt…

Về dịch vụ, Bắc Giang sẽ có cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của Vùng thủ đô Hà Nội, vùng trung du và miền núi phía Bắc, hành lang kinh tế Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng-Quảng Ninh. Mặt khác, với khoảng cách tới trung tâm của Vùng thủ đô Hà Nội khoảng 50km, Bắc Giang sẽ là điểm nghỉ dưỡng cuối tuần hợp lý, từ đó tạo cơ hội thu hút đầu tư, phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng, sinh thái.

Đặc biệt, khi có mặt trong Vùng thủ đô Hà Nội, hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông (quốc lộ 1, đường vành đai 4, vành đai 5, đường sắt) sẽ được ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho Bắc Giang giao lưu trong vùng và kết nối với các vùng khác, trở thành một điểm trung chuyển hàng hóa, một đầu mối giao thông kết nối với cảng biển, sân bay, cửa khẩu nhanh chóng và dễ dàng hơn. 

Mời xem thêm:

>>> Vùng thủ đô Hà Nội có thêm 3 tỉnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới