(KTSG) - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn trao đổi với ông Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên viên kinh tế cao cấp của Liên hiệp quốc, về hiện tượng đô la Mỹ tăng giá bất chấp lạm phát ở nước này đang ở mức rất cao.
KTSG: Vì sao đô la Mỹ đang mạnh lên trong khi lạm phát ở Mỹ hiện ở mức cao đến 8,5%? Lẽ ra với mức lạm phát như thế, lãi suất dù có nâng lên nhưng vẫn còn rất thấp thì đô la Mỹ phải mất giá mạnh mới đúng chứ?
- Ông Vũ Quang Việt: Giá trị chuyển đổi của đồng tiền trên thị trường quốc tế tùy thuộc vào một vài yếu tố, chủ yếu là do cung cầu của đồng tiền đó trên thị trường. Về cơ bản, giá trị chuyển đổi đồng tiền giữa hai nước cũng phải phản ánh tỷ lệ lạm phát tương đối giữa hai nước này.
Nhưng lạm phát phản ánh toàn bộ giá mọi hàng hóa và dịch vụ, còn giá trị đồng tiền phản ánh giá hàng hóa có thể xuất nhập khẩu và nhu cầu đầu tư tài chính. Ở nước kém phát triển thì chỉ phản ánh giá hàng hóa xuất nhập khẩu. Vì vấn đề này mà có sự khác biệt giữa tỷ giá tính theo ngang bằng sức mua (PPP) và tỷ giá danh nghĩa.
Chính sách một nước liên quan đến kiểm soát vốn (capital control) cũng ảnh hưởng đến giá trị chuyển đổi. Thí dụ thời khủng hoảng tài chính ở châu Á, Malaysia ra quyết định không cho nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu, đổi tiền và chuyển vốn ra nước ngoài trong vòng một năm. Cầu ngoại tệ do đó giảm đi và Malaysia giữ được giá trị đồng nội tệ, không bị mất khả năng trả nợ nước ngoài như Thái Lan hay Indonesia.
Tuy nhiên, việc kiểm soát vốn chỉ nên mang tính có thời hạn nhằm chặn đứng các hành động của giới đầu cơ tài chính hoặc làm giảm tâm lý hoảng loạn, vì nếu để quá lâu nó sẽ tạo ra thị trường chợ đen song hành và ảnh hưởng xấu đến xuất nhập khẩu và cán cân thanh toán, khả năng trả nợ nước ngoài,... và sự phát triển tối ưu của nền kinh tế.
Hiện nay lạm phát ở Mỹ là trên 8%, ở châu Âu cũng gần thế, khoảng 6%. Riêng ở Đức, lạm phát tháng 4 là 7,4% và giá được kỳ vọng sẽ tăng đến 11,4%. Dù lạm phát ở Mỹ thấp hơn một chút, nhưng đô la Mỹ lên giá so với đồng euro vì thị trường kỳ vọng nó tăng do chiến tranh ở Ukraine và ảnh hưởng dài lâu của giá năng lượng. Theo đánh giá của Bloomberg, trong 10 năm tới lạm phát ở châu Âu sẽ cao hơn ở Mỹ vì chiến tranh Ukraine đẩy giá năng lượng ở châu Âu lên cao.
Ở Nhật, lạm phát tháng 4 là 2,4%, cao hơn cả chỉ tiêu đề ra là 2%. Nhật vui mừng vì đây là kết quả sau nhiều năm Nhật muốn tăng giá, vì giá giảm trong nhiều năm dẫn đến suy thoái kinh tế. Chỉ có điều khác là Mỹ lạm phát do chi tiêu của hộ gia đình tăng (do chính sách tài trợ, phân phát thu nhập cho dân trong thời Covid), còn Nhật tăng giá vì giá thành tăng. Do đó về tổng thể, kinh tế Mỹ vẫn khởi sắc hơn và giá đồng đô la Mỹ so với yên Nhật lên cao là vì thế.
KTSG: Một nghịch lý nữa là tương tự như đô la Mỹ, đồng rúp của Nga lẽ ra phải mất giá mạnh nhưng nay lại cao hơn cả trước khi có chiến tranh chừng 20%?
- Riêng trường hợp đồng rúp của Nga thì đơn giản vì hai lý do. 1) Nhà nước kiểm soát dòng vốn: mới đây, Nga buộc tất cả doanh nghiệp thu được ngoại tệ thì phải bán ngay cho ngân hàng trung ương, rồi tăng lãi suất tiền gửi lên 20% để thu hút tiền vào ngân hàng. 2) Nga thu ngoại tệ nhiều hơn trước do xuất dầu khí; giá dầu thô từ 65 đô la/thùng, nay lên 100 đô la hay cao hơn vì nguồn cung bị cắt giảm do cấm vận.
Nga bán được ít dầu hơn nhưng thu ngoại tệ nhiều hơn nên cán cân thanh toán của Nga thặng dư mạnh trong quí 1-2022, lên đến 95,8 tỉ đô la. Cung ngoại tệ tăng, nhưng nhập khẩu hàng hóa của Nga giảm do cấm vận nên cầu ngoại tệ giảm.
Lúc đầu đồng rúp mất giá rất nhanh (1 đô la Mỹ đổi tới 140 rúp so với 70 rúp trước đó) nhưng bây giờ đồng rúp lại phục hồi, có giá cao hơn trước (1 đô la Mỹ chỉ đổi được 55 rúp). Tuy vậy, nâng lãi suất sẽ ảnh hưởng mạnh đến tốc độ phát triển kinh tế, mà hầu hết dự đoán là GDP Nga sẽ giảm ít nhất 10% trong năm nay.