Thứ tư, 13/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vì sao độ nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP vẫn chưa cao?

Hoàng An - Ngọc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các sàn thương mại điện tử đang hỗ trợ người bán sản phẩm OCOP đẩy mạnh bán nông sản, cộng thêm vào đó là nhiều chính sách khuyến khích từ Nhà nước. Tuy nhiên, để đi được xa thì nhà sản xuất cần ứng dụng công nghệ, cải tiến bao bì, đa dạng hóa kênh phân phối để xây dựng thương hiệu.

Sau khi sản xuất xong sản phẩm, nhiều cơ sở sản xuất đạt OCOP, dặc sản vùng miền muốn bán hàng trên nền tảng online qua các phiên livestream đòi hỏi họ phải trang bị thêm những kỹ năng mới. Trong ảnh là phiên livestream bán hàng đặc sản của một cơ sở sản xuất. Ảnh: H.A

Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) là một chương trình nhằm tạo ra một sân chơi mới cho nông sản Việt, tương tự mô hình One Village One Product (Mỗi làng một sản phẩm) nhằm phát triển kinh tế nông thôn mà Nhật Bản khởi xướng vào những năm 1970.

Thực tế cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra khung pháp lý và hỗ trợ ban đầu, nhưng việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng lại phụ thuộc vào khả năng tiếp thị, quảng bá và xây dựng thương hiệu của từng cá nhân, tổ chức.

Trao đổi với KTSG Online, ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để hỗ trợ các chủ thể (người sản xuất) cơ quan phụ trách đã có những những hoạt động bước đầu, trong đó, như làm việc với các sàn thương mại điện tử để làm các chương trình bán hàng trực tuyến. Chương trình này đã tạo được hiệu quả ban đầu nhưng để sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền chinh phục người tiêu dùng cần nhiều hơn những nỗ lực của nhà sản xuất.

Phải nâng cao kỹ năng bán hàng qua thương mại điện tử  

Hiện nay các nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, thúc đẩy nông sản Việt lên sàn qua nhiều hình thức khác nhau. Chia sẻ với KTSG Online, bà Trần Thị Tân, Giám đốc Trách nhiệm Xã hội TikTok Shop, nói đơn vị đang thực hiện hai dự án cộng đồng lớn là “Chợ phiên OCOP” và “Tự Hào Hàng Việt”. Trong đó, “Tự Hào Hàng Việt" là một phiên bản nâng cấp của “Chợ Phiên OCOP". Hoạt động chính của “Chợ phiên OCOP” là các phiên livestream và chương trình đào tạo kết nối cộng đồng “Vườn ươm OCOP”.

Theo đó, đội ngũ TikTok Shop cùng các đối tác MCN (Multi-Channel Network - chương trình tiếp thị liên kết), các nhà sáng tạo nội dung dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp đã đi đến nhiều địa phương trên cả nước nhằm tổ chức các buổi đào tạo tập huấn kỹ năng bán hàng và thực hiện các phiên livestream tiêu thụ sản phẩm OCOP trên TikTok Shop.

Kết quả từ tháng 5-2023 đến tháng 9-2024, với sự hỗ trợ phối hợp của các đối tác, chương trình đã đi qua 29 tỉnh, thành phố trên cả nước, tiếp cận hơn 3.500 nhà bán hàng, thực hiện thành công hơn 1.000 phiên livestream bán hàng với sự đồng hành của hơn 500 nhà sáng tạo nội dung và đối tác.

Được biết, để giúp nhà bán hàng, hộ kinh doanh nắm bắt kịp cách thức, hoạt động kinh doanh online, chương trình cũng triển khai các buổi tập huấn, đào tạo kỹ năng cho hơn 5.000 doanh nghiệp và nhà bán hàng. Gian hàng “Tự Hào Hàng Việt" trên TikTok Shop hiện có hơn 68.000 sản phẩm ở đa dạng ngành hàng.

Theo bà Tân, để thúc đẩy kinh doanh nông sản Việt hiệu quả trên kênh thương mại điện tử, quá trình này sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội các doanh nghiệp và các sàn thương mại điện tử nhằm tăng cường độ phủ.

Bà lý giải có điểm quan trọng đáng lưu ý là mức độ sẵn sàng của bà con tiểu thương và các doanh nghiệp truyền thống đối với các giải pháp thương mại điện tử. Cơ hội mở rộng kinh doanh trên thương mại điện tử luôn đi đôi với những thách thức mới. Điều này đòi hỏi nhà bán hàng và doanh nghiệp chủ động mở rộng năng lực cốt lõi, không ngừng học hỏi và thích ứng với các công cụ công nghệ, kỹ thuật bán hàng mới, đảm bảo thực hiện nguyên tắc quản lý của nền tảng và nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước để phát triển bền vững.

Chị Lý Hứa Thị Lan Phương, chủ nhãn hàng Yến sào và Mật hoa Thốt nốt Chân Phương đã tham gia bán đặc sản thốt nốt ở An Giang vào giữa năm nay, cho hay chỉ trong bốn tháng tham gia thương mại điện tử chị đã bán được hơn 2.000 đơn hàng, tạo doanh thu ổn định. Chị Phương ước tính trong tháng 10 vừa qua, doanh thu từ kênh bán hàng online đã chiếm 30% tổng doanh thu của thương hiệu. Chị đánh giá nhờ sự thúc đẩy nền tảng số, các sản phẩm nông sản được đi xa hơn và có thể đến tay khách hàng toàn quốc.

Theo chị, nông sản, đặc sản là những sản phẩm lạ và ở những địa phương xa. Để phân phối đến tay người tiêu dùng nhiều nơi, doanh nghiệp sẽ tốn nhiều chi phí logistics, làm thương hiệu, tìm kiếm thị trường. Điều này với những doanh nghiệp nguồn lực vừa và nhỏ không hề dễ dàng. Chính vì vậy kênh trực tuyến sẽ giúp cho thương hiệu được đi ra khỏi tỉnh nhà và đẩy mạnh khả năng tiêu thụ.

Hiện tại, các nền tảng thương mại điện tử đang hỗ trợ người bán đẩy kênh phân phối nông sản online qua nhiều chính sách như tặng mã giảm giá, hỗ trợ quảng cáo, tăng lượt tương tác, thực hiện chiến dịch khuyến mãi, kết hợp với người có tầm ảnh hưởng (KOL, KOC) giới thiệu quảng bá sản phẩm… Tuy nhiên, để đi được xa hay không phải thì dựa vào nỗ lực của từng doanh nghiệp.

"Các nền tảng sẽ là công cụ hỗ trợ mình những bước đầu để tiếp cận thị trường mới còn lại hộ kinh doanh, chủ thương hiệu phải thường xuyên học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng để vận hành sản phẩm của mình cùng sự đồng hành của họ”, chị Phương nhấn mạnh.

Độ nhận diện sản phẩm OCOP vẫn còn thấp

Thời gian qua, Chính phủ, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chương trình để quảng bá cho các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền nhưng về mặt thương hiệu thì người tiêu dùng chưa nhận biết được nhiều.

Bên cạnh đó, do đây là những sản phẩm ở dạng đặc sản địa phương nên không thể sản xuất với số lượng lớn để có thể cung cấp cho các hệ thống siêu thị nhằm tăng thêm sự nhận diện thương hiệu của người tiêu dùng. Phía Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cũng nhận thấy những điều này.

“Chúng tôi đã làm việc với các hệ thống phân phối trong nước như các siêu thị, trung tâm thương mại để những nơi này xem sản phẩm OCOP là đặc sản vùng miền để có một khu trưng bày riêng, chính sách riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có ý định liên kết với các địa phương có sản xuất cùng một sản phẩm OCOP để sản xuất và cung cấp số lượng lớn cho các hệ thống bán lẻ”, ông Huấn nói với KTSG Online qua điện thoại.

Theo ông Đức Huấn, để hỗ trợ người dân sản xuất và bán được các sản phẩm OPOP, đặc sản vùng miền cơ quan nhà nước đã có những chương trình hỗ trợ. Song, đây chỉ là những bước đầu, người sản xuất (chủ thể) sẽ quyết định thành bại cho sản phẩm của mình, bên cạnh việc bán theo cách truyền thống thì cũng phải tìm cách để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Do đó, để thành công, các nhà sản xuất OCOP cần chủ động tìm kiếm các kênh phân phối mới, từ các chợ truyền thống đến các sàn thương mại điện tử. Việc đầu tư vào thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu riêng biệt và tham gia các hội chợ, triển lãm cũng là những yếu tố không thể thiếu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới