Chủ Nhật, 27/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vì sao giá cổ phiếu ít chịu tác động bởi lợi nhuận doanh nghiệp?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Bức tranh lợi nhuận quí 1-2025 chứng kiến đa số doanh nghiệp có sự tăng trưởng, nhưng số lượng doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng sụt giảm cũng chiếm tỷ trọng đáng kể. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này dường như ít chịu tác động bởi kết quả kinh doanh...

Công ty cổ phần Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam lãi ròng sau thuế lao dốc từ mức 36,8 tỉ đồng đạt được trong quí 1-2024 xuống chỉ còn vỏn vẹn 13,5 triệu đồng trong quí 1-2025. Nguồn: pvgas.com.vn

Nhóm lợi nhuận giảm mạnh

Tính đến ngày 21-4-2025, đã có 170 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và HNX công bố kết quả lợi nhuận quí 1-2025. Số liệu thống kê cho thấy tuy chỉ có 15 doanh nghiệp báo lỗ với tổng mức lỗ hơn 145 tỉ đồng, nhưng đáng chú ý có đến 62 doanh nghiệp chứng kiến lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ quí 1-2024, chiếm tỷ trọng hơn 36% số doanh nghiệp đã công bố.

Suy giảm lợi nhuận lớn nhất là Công ty cổ phần (CTCP) Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (HOSE: PGD), khi lãi ròng sau thuế của doanh nghiệp này lao dốc từ mức 36,8 tỉ đồng đạt được trong quí 1-2024 xuống chỉ còn vỏn vẹn 13,5 triệu đồng trong quí 1-2025. Theo phía công ty lý giải, do nhóm khách hàng công nghiệp của công ty vẫn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đặc biệt là nhóm khách hàng liên quan đến lĩnh vực bất động sản (gạch men, sắt thép, vật liệu xây dựng…), nên doanh thu chỉ tăng 11,6% trong khi giá vốn hàng bán tăng gần 14,9%.

Việc các doanh nghiệp công bố lợi nhuận quí 1-2025 suy giảm dường như không mấy tác động lên giá cổ phiếu, khi trước đó giá nhiều cổ phiếu đã lao dốc mạnh. Ngược lại, có những doanh nghiệp công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhưng giá cổ phiếu cũng không có nhiều bứt phá, mà phần lớn vẫn biến động theo xu hướng thị trường chung.

Với CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC), dù doanh thu thực hiện quí 1-2025 đạt 1.222 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, nhưng lãi ròng vẫn giảm mạnh 81% xuống chỉ còn 9,5 tỉ đồng. Công ty cho biết hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty giảm chủ yếu do giá nguyên vật liệu tăng cao.

Tại CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC), sau khi đạt lợi nhuận sau thuế hơn 178 tỉ đồng trong quí 4-2024, lợi nhuận quí 1-2025 chỉ còn 52,3 tỉ đồng. Nếu so với kết quả cùng kỳ quí 1-2024, lãi ròng suy giảm đến 67%. Trong đó, doanh thu bán hàng giảm 23% xuống còn 1.536 tỉ đồng, doanh thu tài chính giảm từ 95 tỉ đồng xuống còn 0 đồng.

Nhóm công ty chứng khoán cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp báo lãi ròng suy giảm.

Đơn cử như Công ty Chứng khoán Thiên Việt (HOSE: TVS) báo lãi ròng giảm hơn 94% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 12,5 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu hoạt động giảm 204 tỉ đồng, tương đương giảm 58%, ngược lại chi phí hoạt động tăng 23% lên 134 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thời điểm này năm ngoái công ty nhận được cổ tức từ các khoản đầu tư dài hạn.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (HOSE: VDS) báo lãi ròng giảm hơn 85% xuống còn 17,9 tỉ đồng, trong đó giảm mạnh ở lãi bán các tài sản tài chính - từ 103 tỉ đồng xuống chỉ còn 14 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) báo lãi ròng giảm 40%, với doanh thu giảm ở hầu hết các mảng, ngược lại chi phí hoạt động tăng gần 50% - từ 309 tỉ đồng lên 451 tỉ đồng và chi phí tài chính cũng tăng hơn 42% lên mức 227 tỉ đồng.

Ngoài ra, có thể kể đến lãi ròng của Công ty Chứng khoán HBS giảm 47% xuống 2,5 tỉ đồng; BSI giảm 41% xuống 81 tỉ đồng; VND giảm 38% xuống 382 tỉ đồng; IVS giảm 33% xuống 4 tỉ đồng; EVS giảm 31% xuống 10,4 tỉ đồng; SHS giảm 26% xuống 263 tỉ đồng; BVS giảm 25% xuống 41 tỉ đồng; DSE giảm 24% xuống 53 tỉ đồng; TVB giảm 21% xuống 33 tỉ đồng; PSI giảm 20% xuống 8 tỉ đồng; HCM giảm 18% xuống 227 tỉ đồng…

Có thể thấy dù thị trường chứng khoán chung diễn biến tích cực trong quí 1-2025 nhưng kết quả kinh doanh của hầu hết các công ty chứng khoán lại đi xuống.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chịu áp lực giảm mạnh từ đầu tháng 4-2025 đến nay, do ảnh hưởng bởi thông tin về chính sách thuế quan của Mỹ, việc các doanh nghiệp công bố lợi nhuận quí 1-2025 suy giảm dường như không mấy tác động lên giá cổ phiếu, khi trước đó giá nhiều cổ phiếu đã lao dốc mạnh.

Lợi nhuận tăng cũng không giúp gì nhiều cho giá cổ phiếu

Ngược lại, có những doanh nghiệp công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhưng giá cổ phiếu cũng không có nhiều bứt phá, mà phần lớn vẫn biến động theo xu hướng thị trường chung.

CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) là một trong những trường hợp như thế. Công bố lãi ròng quí 1-2025 đạt hơn 132 tỉ đồng, gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá cổ phiếu ANV sau giai đoạn lao dốc mạnh trong những ngày đầu tháng 4-2025 đến mức cổ đông nội bộ bị bán giải chấp, dù gần đây có phục hồi nhưng vẫn đang thấp hơn 6% so với thời điểm cuối tháng 3-2025. Với ngành nghề kinh doanh thủy sản, ANV thuộc nhóm ngành bị tác động mạnh bởi chính sách thuế đối ứng của Mỹ.

Tương tự, CTCP Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM) báo lãi ròng quí 1-2025 gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2024, đạt gần 144 tỉ đồng, nhưng giá cổ phiếu TDM dù không giảm mạnh theo tác động của thị trường chung trong những phiên giao dịch đầu tháng 4 này, cũng gần như đi ngang trong suốt ba tháng qua, với thanh khoản rất thấp.

Trái ngược với xu hướng sụt giảm chung ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, CTCP Chứng khoán VIX (HOSE: VIX) là một trong số ít doanh nghiệp thuộc ngành này đi ngược chiều, khi công bố lãi ròng quí 1-2025 gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2024, lên mức 372 tỉ đồng. Theo đó, doanh thu đạt 980 tỉ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước, nhưng chủ yếu lại đến từ lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) với 784,5 tỉ đồng, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm 80% tổng doanh thu hoạt động. Tuy nhiên, giá cổ phiếu VIX dù đã phục hồi lại sau giai đoạn lao dốc đầu tháng 4 này, nhưng hiện vẫn đang tương đương mức giá hồi cuối tháng 3.

Ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, CTCP Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) báo lãi ròng hơn 126 tỉ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và đã đạt 42% kế hoạch năm nay. Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhờ nguồn thu từ cho thuê đất và phí quản lý hơn 394 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ, đây cũng là doanh thu chính của SZC. Tuy nhiên, vốn là nhóm ngành cũng chịu tác động tiêu cực từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, nên giá cổ phiếu SZC hiện đã giảm 28% so với đầu tháng 4 này.

Hay tại nhóm thép, giá cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đã giảm hơn 23% từ đầu tháng 4 đến nay, bất chấp việc doanh nghiệp công bố lãi ròng đạt 165 tỉ đồng, tăng mạnh 60% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do ngày 4-4-2025, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, riêng HSG chịu mức thuế lên đến 59%.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp khác như China Steel & Nippon Steel Việt Nam, Tôn Hòa Phát (thuộc HPG), Thép Nam Kim (HOSE: NKG) đều bị áp mức thuế 49,42%. Còn nhóm doanh nghiệp thép Việt Nam không được đề cập kể trên sẽ chịu thuế tới 88,12%. Đây cũng là lý do chính khiến cổ phiếu nhóm thép suy giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay,

Bên cạnh đó, một loạt doanh nghiệp cũng công bố lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh nhưng giá cổ phiếu chưa có nhiều bứt phá. Có thể kể đến CTCP Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO (HOSE: HTI) báo lãi ròng tăng 4 lần lên 59 tỉ đồng; Tổng công ty Viglacera - CTCP (HOSE: VGC) tăng 56% lên 320 tỉ đồng; Công ty Chứng khoán Bản Việt (HOSE:VCI) tăng 49% lên 295 tỉ đồng; Công ty Chứng khoán MB (HOSE:MBS) tăng 47% lên 269 tỉ đồng; CTCP Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF) tăng 44% lên hơn 128 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới