Thứ Tư, 21/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vì sao giá phụ phẩm lúa gạo ‘vượt mặt’ sản phẩm chính?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cám gạo – một loại phụ phẩm trong quá trình chế biến lúa gạo – hiện có giá bán đã vượt qua so với giá của sản phẩm chính là gạo. Điều gì đã giúp loại phụ phẩm này có mức giá bán cao như vậy?

Cám gạo hiện có giá cao hơn cả sản phẩm chính là gạo. Trong ảnh là gạo của một doanh nghiệp được giới thiệu. Ảnh: Trung Chánh

Bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc, cho biết giá cám gạo giao dịch ở thị trường nội địa hiện đã cao hơn so với giá của sản phẩm chính là gạo.

Cụ thể, loại cám mịn 100% (hay còn gọi là cám nhuyễn) hiện được giao dịch với mức giá 8.700-8.900 đồng/kg, trong khi đó, loại cám nhuyễn có pha trộn cám to có giá thấp hơn, dao động từ 8.500- 8.600 đồng/kg.

Theo bà Yến, 1 giạ lúa khô (20 kg) xay xát thu hồi được khoảng 2 kg cám nhuyễn, tức 1 tấn lúa khô xay xát sẽ thu hồi được 100 kg cám nhuyễn. Với giá bán như hiện nay, mỗi tấn lúa, riêng phần cám cho thu hồi khoảng 870.000 – 890.000 đồng.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của KTSG Online, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 hiện được các nhà kho mua vào với giá dao động khoảng 8.150-8.250 đồng/kg; gạo nguyên liệu của các giống lúa hạt dài như OM 5451, OM 18 có giá dao động khoảng 8.550 – 8.700 đồng/kg.

Như vậy, so với giá gạo nguyên liệu đã nêu ở trên, hiện giá phụ phẩm là cám gạo được giao dịch với giá cao hơn. Chẳng hạn, so với gạo nguyên liệu của giống IR 50404, giá cám gạo cao hơn từ 350- 650 đồng/kg.

Theo bà Yến, sau khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu như ngô, khô đậu tương, lúa mì tăng cao, các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi “chuyển hướng” mua mạnh phụ phẩm cám gạo để phục vụ sản xuất, khiến giá loại sản phẩm này vượt lên mức cao.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu bắp các loại đạt trên 2,57 triệu tấn, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá nhập khẩu trung bình đạt 331,3 đô la Mỹ/tấn, tăng 31% so với cùng kỳ. Điều này khiến tổng kim ngạch nhập khẩu bắp 4 tháng đầu năm nay đạt trên 851 triệu đô la Mỹ, giảm 1,2% so với cùng kỳ.

Giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao cũng là lý do khiến hàng loạt công ty kinh doanh loại sản phẩm này đã liên tục điều chỉnh tăng giá bán ra.

Theo đó, vào thời điểm cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2022 vừa qua, giá thứ ăn chăn nuôi tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng 300-500 đồng/kg. Chẳng hạn, Công ty MNS Feed đã quyết định tăng 300-500 đồng/kg kể từ ngày 1-5 ở khu vực miền Nam. Trong khi đó, Công ty De Heus cũng tăng 300-400 đồng/kg.

Ngoài ra, hàng loạt công ty khác cũng gửi thông báo đến đại lý phân phối quyết định áp dụng mức giá mới với mức tăng 300-400 đồng/kg như Emivest Feedmill, C.P Việt Nam, Greenfeed Việt Nam, CJ Vina Agri.

Với việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến nông dân chăn nuôi.

1 BÌNH LUẬN

  1. Trông vậy mà không phải vậy. Theo quy luật giá trị và quy luật thị trường thôi. Cám gạo là phụ phẩm nhưng chưa chắc đóng vai phụ mà còn hơn cả vai chính. Trong nhiều lĩnh vực khoa học thực dưỡng, chữa bệnh… cám gạo có giá trị thực tế hơn gạo chính phẩm nhiều. Giống như gạo lứt và gạo trắng vậy. Giá gạo lứt đắt gấp hơn 2-3 lần, vì hơn nhau ở vỏ gạo lứt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới