Thứ Sáu, 6/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vì sao hàng Việt khó cạnh tranh ngay trên sân nhà?

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) – “Doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo ra được hàng hóa thông dụng, tương đồng với các loại nhập khẩu từ Trung Quốc hay các quốc gia khác nhưng chúng ta chưa tạo được một thể chế kinh tế đồng bộ cùng những chính sách liên tục, ổn định, bền vững để họ yên tâm sản xuất lâu dài”, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Hàng giá rẻ từ Trung Quốc nhìn từ góc độ kinh tế thị trường

KTSG: Sức ép từ việc hàng Trung Quốc giá rẻ thâm nhập, thống lĩnh thị trường đang là vấn đề khiến nhiều nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đau đầu tìm cách đối phó. Ông bình luận thế nào về hiện tượng này? Đây là vấn đề có tính địa chính trị – địa kinh tế ngắn hạn hay sức ép sẽ ngày càng lớn vì quốc gia tỉ dân này đã đạt tới quy mô sản xuất đòi hỏi phải liên tục mở rộng thị trường tiêu thụ?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Thật ra đây không phải là một vấn đề mới. Trong bối cảnh sức cầu bên ngoài biến động với sự sụt giảm nghiêm trọng trong những năm đại dịch Covid-19 diễn ra khốc liệt hay trong năm 2023 do đối đầu thương mại giữa Trung Quốc và thế giới phương Tây, xuất hiện lượng dư thừa nhất định các loại hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Chính vì vậy, một mặt, doanh nghiệp Trung Quốc phải tích cực tìm thị trường mới mà khu vực ASEAN là đích ngắm đầu tiên, mặt khác, những nhà kinh doanh Trung Quốc có nhiều thuận lợi trong chiến lược cạnh tranh bằng giá rẻ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc theo đuổi chính sách sản xuất lớn. Với mỗi một sản phẩm, họ đều sản xuất với quy mô đủ lớn để có thể có được mức giá hấp dẫn nhất. Khi doanh nghiệp đã tiêu thụ lượng sản phẩm ở ngưỡng lợi nhuận cực đại, họ có xu hướng giải phóng lượng hàng còn lại càng sớm càng tốt để thu hồi vốn, chuẩn bị đầu tư một chu trình sản xuất mới. Nghĩa là, sau ngưỡng lợi nhuận cực đại, các nhà kinh doanh Trung Quốc có thể áp dụng các phương án giá linh hoạt để tiêu thụ hàng hóa. Đến phần sản phẩm có nguy cơ tồn kho, họ có thể bán ở mức ngang ngửa giá vốn, thậm chí thấp hơn để tối đa hóa việc thu hồi vốn và ngăn chặn nguy cơ hàng tồn kho. Doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp ở bất cứ quốc gia nào, nếu có điều kiện cũng chọn phương án kinh doanh đó, kinh tế thị trường là vậy.

Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng nhanh đang ngày càng ưu thế tại nhiều thị trường trên thế giới, vòng quay của một sản phẩm càng nhanh, tốc độ sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chạy theo gia tốc tương tự. Vậy nên, với những sản phẩm thông dụng, phổ biến, doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế ở hầu hết các thị trường. Không chỉ Việt Nam, các nước ASEAN cũng phải tìm những giải pháp để ứng phó với làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang.

KTSG: Theo phản ánh của truyền thông quốc tế, các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã hoặc dự định sử dụng công cụ thuế hay các thỏa thuận chống bán phá giá của WTO. Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp ngành thép đã nộp hồ sơ khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc (và Ấn Độ). Ông đánh giá như thế nào về các cách tiếp cận này?

– Như trên đã phân tích, việc hàng hóa tiêu dùng Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường ASEAN với mức giá mà sản phẩm nội địa khó theo kịp, nhìn từ góc độ kinh tế học, là một hiện tượng bình thường. Sử dụng công cụ thuế hay các biện pháp phòng vệ thương mại để cản trở sự luân chuyển và tiêu thụ hàng hóa từ Trung Quốc có thể là con dao hai lưỡi.

Từ khía cạnh tích cực, những biện pháp này khiến giá hàng hóa Trung Quốc tại thị trường các nước ASEAN bị đẩy lên cao hơn, mở ra cơ hội chiếm lĩnh thị trường của hàng hóa nội địa.

Từ khía cạnh tiêu cực, vì hàng hóa Trung Quốc đã đạt được mức giá quá thấp nhờ quy mô sản xuất lớn và chính sách bán hàng linh hoạt, ngay cả khi bị áp các biện pháp ngăn chặn, sản phẩm nội địa của các nước như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… vẫn chưa thể có ưu thế. Kết quả là sản xuất trong nước không được khuyến khích một cách hiệu quả và trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa bị áp dụng biện pháp phòng vệ là đầu vào cho một lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác, thậm chí, việc áp dụng nêu trên còn cản trở quá trình thúc đẩy năng lực sản xuất.

Phải nói thêm rằng, khởi động và theo đuổi một vụ kiện bán phá giá là một công việc đòi hỏi nhân lực, trí lực, thời gian và tiền bạc. Đối với những mặt hàng có tính chất đặc thù, chẳng hạn ngành thép, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm bằng chứng pháp lý và chứng minh cơ sở thực tiễn. Thế nhưng, ngay cả như vậy, quá trình từ lúc khởi động tới phán quyết của cơ quan chức năng đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều loại chi phí. Đó là giải pháp bị động, mang tính chất tình thế và có thể phải coi là giải pháp cuối cùng.

Tạo động lực sản xuất cho doanh nghiệp nội địa

KTSG: Thưa ông, vậy điểm yếu của nền sản xuất hàng hóa Việt Nam đang nằm ở đâu? Xin ông phân tích nguyên nhân của thực trạng này.

– Nền sản xuất của Việt Nam chưa khuyến khích tạo ra các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, có khả năng cạnh tranh một cách sòng phẳng với các sản phẩm cùng loại xuất xứ Trung Quốc hoặc các nước ASEAN khác.

Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam tập trung kinh doanh ở mảng thương mại, bất động sản, chứ chưa tập trung nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng hóa, tiêu dùng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong nước.

Với nhóm sản phẩm loại này, hiện chúng đang chủ yếu được sản xuất ở tầm địa phương, khai thác những lợi thế so sánh, thường gắn với các sản phẩm nông sản hoặc có nguồn gốc từ nông sản đặc thù của địa phương, tính lan tỏa liên ngành hay lan tỏa sang các vùng miền khác rất thấp. Những loại hàng hóa đòi hỏi quy mô sản xuất công nghiệp, liên quan tới lĩnh vực chế biến, chế tạo của Việt Nam thua kém về năng lực cạnh tranh. Thị trường nội địa của các loại sản phẩm này gần như bỏ ngỏ cho hàng hóa Trung Quốc và các quốc gia khác.

Ngay cả với những doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông – lâm – thủy sản đã đạt quy mô tương đối lớn, họ cũng không hướng tới nhu cầu nội địa mà hướng nhiều hơn vào mục tiêu xuất khẩu.

Về mặt cơ chế, chính sách, chúng ta chưa có các biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường nội địa.

Ở phía cầu, tới thời điểm hiện tại, việc đưa ra bộ tiêu chí chuẩn xác định hàng Made in Vietnam hay Make in Vietnam vẫn chưa hoàn thành. Từ thiếu sót này, dù chúng ta có cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhưng vẫn bỏ ngỏ câu hỏi, liệu sản phẩm được vận động, khuyến khích có phải là hàng Việt Nam? Kết quả là nhiều hoạt động có tính chất “so bó đũa chọn cột cờ”, cố gắng lựa chọn một điển hình nào đó để khích lệ trong từng thời điểm, chứ chưa thể hiện dấu ấn sâu rộng, chưa hình thành được ý thức và niềm tự hào của người tiêu dùng về hàng hóa sản xuất trong nước.

Vướng mắc trong việc xác định hàng Việt Nam sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng nội địa cao trong phần giá trị gia tăng, có sức lan tỏa tới các doanh nghiệp khác… cũng khiến những quy định về tỷ lệ hàng hóa Việt Nam tại các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… chưa thực sự tạo nên sức bật cho nền sản xuất trong nước.

Ở phía cung, nền sản xuất của chúng ta đã qua thời kỳ phải nhập khẩu từ cây kim, sợi chỉ, cái đinh, cái ốc vít… Doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo ra được hàng hóa thông dụng, tương đồng với các loại nhập khẩu từ Trung Quốc hay các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta chưa tạo được một thể chế kinh tế đồng bộ cùng những chính sách liên tục, ổn định, bền vững để doanh nghiệp yên tâm sản xuất lâu dài. Chẳng hạn, nếu muốn thúc đẩy hàng hóa sản xuất ở quy mô công nghiệp, đại trà thì điều rất quan trọng là phải tạo ra được lượng cầu đủ quy mô, chứ không phải những chiến dịch, phong trào rộ lên một lúc rồi lịm đi, không còn sức sống.

Hay dù một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất đã được triển khai nhưng thường tập trung vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường hay những chương trình khởi sự kinh doanh startup vẫn chỉ mang tính chất thí điểm, sản phẩm đầu ra ít được thương mại hóa và tính lan tỏa cũng không cao.

Chúng tôi từng đề xuất, thay cho việc hỗ trợ đầu cung, một nhóm doanh nghiệp hay sản phẩm cụ thể thì chúng ta nên có cơ chế, chính sách ưu tiên cho những sản phẩm, hàng hóa đáp ứng tiêu chí Make in Vietnam, đã được thương mại hóa, bất luận việc chúng do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp tư nhân lớn, vừa hay nhỏ làm ra. Những chính sách như vậy được thiết kế để tăng sức cạnh tranh cho loại hàng hóa đó trước các sản phẩm tương đồng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác, giúp hàng Việt Nam chiếm lĩnh hệ thống bán lẻ, siêu thị trong nước và cả các nền tảng thương mại điện tử.

Song song với đó, cần phải tạo ra động lực để doanh nghiệp Việt chuyển dịch trong tâm lý đầu tư sản xuất kinh doanh, từ việc chỉ tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bất động sản sang khu vực sản xuất.

KTSG: Trong câu chuyện này, đầu tiên, chúng ta phải tạo được một môi trường kinh doanh thật sự minh bạch, bình đẳng và chính thống, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp sản xuất cho nhu cầu trong nước… Tuy vậy, nếu chỉ xét trong mục tiêu để hàng hóa sản xuất nội địa đương đầu một cách sòng phẳng với hàng Trung Quốc nhập khẩu, vấn đề cần được nhìn nhận ra sao, thưa ông?

– Hiện đang tồn tại một sự chênh lệch rất lớn. Hàng hóa do doanh nghiệp nội địa sản xuất một cách chính thức đang phải chịu chi phí tuân thủ lớn, gồm các loại thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, chi phí bảo hiểm xã hội cho nhân công… Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc theo con đường phi chính thức lại có thể trốn tránh rất nhiều nghĩa vụ, đặc biệt là nghĩa vụ thuế.

Tình trạng tương tự xuất hiện ở khâu phân phối. Tại sao chợ Ninh Hiệp lại trở thành một thủ phủ hàng may mặc của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc? Vì đây là chợ đầu mối của các sản phẩm dệt may thông qua các cửa khẩu phía Bắc vào Việt Nam. Các tiểu thương kinh doanh tại chợ thường dưới hình thức hộ cá thể, nộp thuế theo hình thức thuế khoán, chi phí thuế thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp phân phối hàng hóa thông thường.

Khi các hộ kinh doanh cá thể chuyển lên không gian mạng, tham gia các sàn thương mại điện tử thì tính phi chính thức vẫn tương tự như vậy. Dù các cơ quan chức năng cố gắng theo sát diễn biến thực tế, quản lý hoạt động kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử nhưng mới chỉ cố gắng mở rộng cơ sở thuế. Trên các sàn thương mại điện tử có kiểm soát, người bán phải đăng ký, việc áp thuế vẫn mang tính chất thuế khoán, dựa trên doanh thu được báo cáo.

Chưa kể, với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử không chính thức, thông qua các nền tảng nhắn tin, TikTok hay Facebook, việc quản lý và áp thuế vẫn chưa thật sự chặt chẽ, các vụ việc bị phát hiện và truy thu thuế vẫn mang tính điển hình, răn đe. Việc quản lý chuyên ngành về môi trường, an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và phân phối qua kinh doanh thương mại điện tử cũng không gắt gao, ngặt nghèo như hàng hóa do doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở, nhà máy, kho bãi rõ ràng, công khai.

Tất cả những điều này dẫn đến chi phí kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử thấp, thúc đẩy việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn lĩnh vực thương mại thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thậm chí phân phối các sản phẩm cùng loại cho thị trường trong nước. Chúng ta phải tìm ra cách thức giảm thiểu sự chênh lệch nêu trên, vừa bằng cách giảm chi phí tuân thủ, tạo sự bình đẳng, có thể ưu tiên trong tiếp cận nguồn lực với những ngành hàng trọng điểm…, vừa thông qua việc quản lý chặt chẽ hơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và hoạt động thương mại điện tử. Bằng không, tiềm lực của nền sản xuất trong nước phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu ngày càng yếu đi, chúng ta không chỉ đánh mất thị trường mà năng lực xuất khẩu cũng sẽ giảm dần.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới