Thứ tư, 16/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vì sao hộ kinh doanh cá thể chưa mặn mà với mô hình doanh nghiệp?

LS. Nguyễn Hữu Phước(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể (HKDCT) lên doanh nghiệp không khác mấy với việc chuyển từ đi xe đạp sang lái ô tô. Nhìn thì có vẻ hấp dẫn nhưng trách nhiệm và áp lực cũng lớn hơn gấp bội và nhiều HKDCT vẫn chưa sẵn sàng. Vậy đâu là những thuận lợi và khó khăn của hai mô hình kinh doanh này?

Hộ kinh doanh cá thế có lợi thế nhờ thủ tục hành chính đơn giản, không bị ràng buộc bởi nhiều quy định pháp lý như doanh nghiệp. Ảnh: Lê Vũ

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số, Chính phủ đang nỗ lực khai thông nguồn lực trong dân để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngày 10-2-2025, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về các nhiệm vụ và giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, góp phần phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới với mong muốn các doanh nghiệp góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về thể chế, chính sách, về thủ tục hành chính. Theo đó, Chính phủ không chỉ tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp lớn mà còn đặc biệt chú trọng đến khu vực kinh tế tư nhân, trong đó hộ kinh doanh cá thể (HKDCT) với số lượng gần 2,3 triệu hộ đóng vai trò quan trọng.

Có thể nói rằng việc chuyển đổi từ HKDCT lên doanh nghiệp được xem là một trong những biện pháp quan trọng để gia tăng năng lực sản xuất, minh bạch hóa tài chính và nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, nhiều HKDCT vẫn chưa sẵn sàng cho bước chuyển đổi này do một số rào cản nhất định trong thực tế. Cũng dễ hiểu thôi, vì chuyển đổi lên doanh nghiệp đối với nhiều HKDCT không khác gì từ việc đi xe đạp sang lái ô tô - nhìn thì có vẻ hấp dẫn đấy, nhưng trách nhiệm và áp lực cũng lớn hơn gấp bội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng phân tích xem những thuận lợi và khó khăn của hai mô hình kinh doanh này ra sao.

HKDCT: lợi thế lớn và những điểm yếu chết người

Nhìn chung, HKDCT có lợi thế lớn nhờ thủ tục hành chính đơn giản, không bị ràng buộc bởi nhiều quy định pháp lý như doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ việc HKDCT chỉ cần đăng ký tại cơ quan quản lý cấp quận, huyện mà không phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về báo cáo tài chính, (trong một số trường hợp là kiểm toán) hay các loại bảo hiểm bắt buộc như doanh nghiệp. Việc đăng ký kinh doanh cũng dễ dàng hơn, chỉ yêu cầu các thủ tục cơ bản như giấy phép kinh doanh, không phải nộp báo cáo tài chính định kỳ hay thực hiện kiểm toán, giúp chủ HKDCT giảm bớt áp lực hành chính để tập trung cho công việc kinh doanh. Chế độ thuế khoán (gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân) cũng mang lại sự linh hoạt khi HKDCT không phải kê khai thuế hàng tháng, thay vào đó, họ chỉ cần nộp thuế theo mức cố định dựa trên doanh thu do cơ quan thuế xác định trên cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán để tính thuế, mức khoán theo các tiêu chí ngành nghề, diện tích, thời gian, số lao động, địa bàn kinh doanh. Điều này giúp họ kiểm soát tốt hơn chi phí hoạt động của mình và tránh được những thủ tục rườm rà liên quan đến kế toán thuế.

Ngoài ra, tính linh hoạt cao là một điểm mạnh khi chủ HKDCT có thể toàn quyền quyết định các hoạt động kinh doanh mà không cần thông qua nhiều quy trình phức tạp như khi quản lý doanh nghiệp với cơ cấu tổ chức rõ ràng. Đồng thời, chi phí vận hành thấp do không cần thuê kế toán, kiểm toán hay duy trì bộ máy quản lý chuyên sâu giúp HKDCT tiết kiệm đáng kể chi phí. Đối với nhiều người, đây giống như một quán phở gia đình - mọi thứ vận hành gọn gàng, không rườm rà mà vẫn có thể kiếm lời đều đặn.

Nhưng đời không phải lúc nào cũng là mơ, và mô hình HKDCT cũng có những điểm yếu chết người. HKDCT không có tư cách pháp nhân, tức là toàn bộ trách nhiệm pháp lý sẽ do chủ hộ chịu trách nhiệm, thay vì tách biệt như trong mô hình doanh nghiệp. Điều này khiến các đối tác kinh doanh lớn thường e ngại khi hợp tác kinh doanh, bởi họ cần một pháp nhân có trách nhiệm ràng buộc rõ ràng trong các hợp đồng thương mại.

Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn (bao gồm việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước) cũng phần nào bị hạn chế do ngân hàng và tổ chức tài chính thường yêu cầu người vay phải có báo cáo tài chính minh bạch để đánh giá khả năng trả nợ, điều mà hộ kinh doanh cá thể không có. Khi không thể chứng minh được dòng tiền một cách cụ thể, HKDCT sẽ gặp khó khăn trong việc vay vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Một rủi ro khác là trách nhiệm pháp lý vô hạn và không được áp dụng quy định về phá sản, khiến chủ HKDCT phải dùng toàn bộ tài sản cá nhân để chịu trách nhiệm nếu hoạt động kinh doanh của HKDCT gặp khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chẳng may làm ăn thua lỗ, tài sản cá nhân cũng bị cuốn theo, và việc chủ HKDCT phải bán cả chiếc xe máy để trả nợ không phải chuyện hiếm gặp. Hơn thế nữa, khi quy mô kinh doanh lớn hơn, việc quản lý nhân sự, tài chính và phát triển dài hạn trở nên phức tạp hơn do thiếu công cụ quản lý chuyên nghiệp, khiến chủ HKDCT dễ bị quá tải. Xa hơn nữa, hoạt động của HKDCT không bền vững và dễ bị chấm dứt nếu chủ hộ gặp sự cố như qua đời, tai nạn, bệnh tật. Sau cùng, HKDCT cũng bị hạn chế về sức cạnh tranh của hàng hóa, đặc biệt là các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ trên thị trường quốc tế.

Cần những chính sách hỗ trợ hợp lý của Nhà nước

Một lý do khác cũng khiến nhiều HKDCT không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp là họ lo ngại việc bị cơ quan chức năng “để mắt đến” nhiều hơn. Khi còn hoạt động dưới hình thức HKDCT, họ sẽ ít khi bị kiểm tra đột xuất về thuế, an toàn lao động, môi trường hay phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, khi đã lên doanh nghiệp rồi, tần suất thanh tra có thể tăng lên, khiến họ phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý hơn, đồng nghĩa với việc mất đi sự linh hoạt trong vận hành hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, một số HKDCT có thể chưa hoàn toàn minh bạch trong việc kê khai doanh thu, do đó việc chuyển đổi sẽ buộc họ phải báo cáo tài chính một cách chi tiết hơn, khiến gánh nặng quản lý tăng cao.

Một số chủ HKDCT cũng e ngại sự phức tạp trong quy trình hành chính của doanh nghiệp, từ việc giao kết hợp đồng lao động, đóng các loại bảo hiểm bắt buộc cho nhân viên, sử dụng phần mềm kế toán cho đến việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh.

Chuyển đổi thành doanh nghiệp, tuy nhiên, mang lại nhiều lợi ích lớn. Trước tiên, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, giúp tách bạch tài sản cá nhân của người góp vốn và doanh nghiệp, giúp giảm rủi ro trong các tranh chấp pháp lý hay phá sản. Điều này có nghĩa rằng nếu doanh nghiệp gặp phải vấn đề tài chính, chủ doanh nghiệp sẽ chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp đã đăng ký, thay vì toàn bộ tài sản cá nhân như HKDCT.

Doanh nghiệp cũng có khả năng mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của mình. Khả năng tiếp cận vốn và hợp tác kinh doanh cũng dễ dàng hơn khi ngân hàng và các tổ chức tín dụng tin tưởng vào hệ thống sổ sách minh bạch của doanh nghiệp, giúp họ có nhiều lựa chọn hơn trong việc huy động vốn. Đồng thời, hệ thống quản lý chuyên nghiệp hơn cũng giúp họ tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và gia tăng hiệu quả tài chính. Nói một cách đơn giản, nếu HKDCT là một chiếc thuyền nhỏ len lỏi trong dòng nước thì doanh nghiệp chính là con tàu lớn có khả năng vươn xa hơn, mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh Chính phủ đang ra sức đẩy mạnh khai thông nguồn lực tiềm tàng trong dân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai chữ số trong thời gian tới đây, việc chuyển đổi HKDCT lên doanh nghiệp có thể nói là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để quá trình này có thể diễn ra suôn sẻ, cần có sự đồng hành từ phía Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ hợp lý, đồng thời chủ HKDCT cũng cần chủ động trang bị kiến thức pháp luật và chuẩn bị nguồn lực để thích nghi với môi trường doanh nghiệp. Khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và cộng đồng kinh doanh, quá trình chuyển đổi này không chỉ giúp các HKDCT phát triển bền vững mà còn đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam.

(*) Công ty Luật TNHH Phuoc & Partners

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới