Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vì sao lạm phát của Mỹ cao dai dẳng?

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau khi tăng chóng mặt hồi năm ngoái, lạm phát của Mỹ giảm rất chậm. Một số nhà kinh tế lý giải, điều này là do tiền lương tăng nhanh trong một thị trường lao động chặt chẽ. Các nhà kinh tế khác lại giải thích, lạm phát còn “nóng” là do giá nhiên liệu cao và nguồn cung căng thẳng chẳng hạn như tình trạng thiếu phụ tùng và linh kiện ô tô.

Người tìm việc xếp hàng vào tham gia một hội chợ việc làm ở Hayward, California, Mỹ hôm 24-4. Ảnh: Getty

Hơn một năm sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện hàng loạt đợt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, áp lực giá cả đang dịu lại nhưng không giảm nhanh như mong muốn của các nhà hoạch định chính sách.

Hồi tháng 3, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan điều hành chính sách của Fed đã buộc phải nâng dự báo lạm phát cơ bản, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, trong năm nay lên 3,6% từ mức 3,5% như dự kiến hồi tháng 12. Điều này cho thấy mục tiêu đưa lạm phát về 2% của Fed khó khăn như thế nào.

Các nhà kinh tế tiếp tục tranh luận về điều gì đang giữ lạm phát ở mức cao ngay cả khi chi phí đi vay tăng mạnh. Vấn đề là trong khi giá thực phẩm, đồ gia dụng hàng ngày và năng lượng đã hạ nhiệt thì giá của nhiều dịch vụ vẫn tiếp tục tăng. Chi phí nhà ở chiếm khoảng 1/3 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, tăng 0,6% trong tháng Ba, dịu lại so với mức tăng 0,8% trong tháng Hai. Nhưng chi phí cho các dịch vụ khác gồm đi lại hàng không, giáo dục và bảo hiểm xe hơi tiếp tục tăng.

Nhiều chuyên gia kinh tế và cả Chủ tịch Fed Jay Powell, cho rằng áp lực giá cả trong ngành dịch vụ là do thị trường việc làm cực kỳ chặt chẽ, với lệ thất nghiệp ở mức 3,5%, gần với mức thấp nhất trong 50 năm qua. Điều này đã gây áp lực lên tiền lương khi các nhà tuyển dụng buộc phải đưa ra các mức lương cao hơn để bảo đảm tuyển đượcc nhân công.

Diễn biến của thị trường lao động và tiền lương trong thời gian tới có thể quyết định liệu lạm phát có quay trở lại vùng an toàn của Fed mà không gây suy thoái hay không. Nếu lạm phát dai dẳng hơn dự kiến, Fed buộc phải đẩy lãi suất lên cao hơn nữa và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Giới đầu tư dự báo, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm) trong cuộc họp chính vào ngày 2 và 3-5.

“Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài gian nan phía trước để giảm lạm phát”, Sarah House, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Wells Fargo nói và lưu ý, giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiếp tục tăng bất chấp Fed thắt chặt tiền tệ

Ông Powell đã nhiều lần giải thích rằng chi phí lao động cao hơn trong các ngành dịch vụ là một trong những lý do khiến lạm phát vẫn ở mức cao.

Chi phí trả lương trong trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tăng mạnh nhất so với bất kỳ ngành nào trong quí cuối cùng của năm 2022 và đang ở mức cao chưa từng có. Số lượng y tá và nhân viên chăm sóc nội trú ở Mỹ giảm khoảng 260.000 người so với mức trước đại dịch.

Tình trạng kiệt sức và nghỉ hưu có thể khiến vấn đề thiếu hụt nhân viên y tế trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới. Khoảng 20% lực lượng y tá, tương đương gần 1 triệu người, dự kiến sẽ rời nghề vào năm 2027, theo dự báo của Hội đồng Điều dưỡng quốc gia Mỹ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với lập luận rằng có mối liên hệ giữa thị trường lao động chặt chẽ và lạm phát dai dẳng. Omair Sharif, người sáng lập Inflation Insights, cho rằng tiền lương của người lao động trong các dịch vụ như sửa chữa ô tô hoặc hàng không không còn là vấn đề lớn đối với chủ sử dụng lao động trong những ngành đó. Thay vào đó, điều đáng lo ngại hơn là tình trạng thiếu phụ tùng ô tô hoặc giá nhiên liệu cao hơn.

“Chi phí lao động rõ ràng là quan trọng, nhưng nhìn chung, chi phí cao hơn trong cấu trúc của mỗi doanh nghiệp cũng đóng góp lớn không kém so với sự gia tăng lạm phát hồi năm ngoái”, ông nói.

Một phân tích gần đây của Employ America chỉ ra rằng, tăng trưởng tiền lương trên thực tế ở Mỹ đang chậm lại. Tuy nhiên, một chỉ số riêng biệt về tăng trưởng tiền lương của Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Atlanta cho thấy tiền lương của người lao động Mỹ tăng 6,4% trong tháng 2 so với một năm trước đó. Đây là lần đầu tiên tăng trưởng lương vượt qua mức tăng CPI kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến.

Một phân tích về các thành phần trong rổ CPI của Mỹ, do nhóm nhà kinh tế tại ngân hàng Nomura thực hiện, cho rằng lạm phát có thể tăng chậm lại nhanh hơn thị trường dự kiến trong năm nay. Tuy nhiên, những nhà kinh tế này cảnh báo thách thức lớn hơn sẽ đến vào năm 2024, khi CPI của Mỹ có thể duy trì ở mức trên 3%.

Bên cạnh tiền lương, các yếu tố mang tính hệ thống như tình trạng căng thẳng nguồn cung hàng hóa và năng lượng, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị là những lý do mà họ cho rằng sẽ khiến lạm phát của Mỹ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Kịch bản lạc quan là chi phí đi vay cao hơn rốt cục sẽ làm giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái. Một cuộc khảo sát của  Fed, được công bố hồi tháng trước, chỉ ra những dấu hiệu cho thấy tốc độ tuyển dụng đang giảm dần và khả năng tiếp cận tín dụng bị thu hẹp.

Tuy nhiên, Mickey Levy, nhà kinh tế trưởng của Công ty quản lý tài sản Berenberg Capital Markets, cảnh báo giá cả sẽ mất nhiều thời gian hơn để hạ nhiệt so với dự kiến. Điều này một phần là do Fed vẫn đang cố gắng bắt kịp về mặt chính sách sau khi chậm trễ để nhận ra quy mô của cơn bùng phát lạm phát.

“Dù dự đoán lạm phát sẽ giảm tốc, nhưng linh cảm mạnh mẽ của tôi là lạm phát sẽ khá ổn định và không giảm nhiều như kỳ vọng của Fed”, ông nói.

Theo Bloomberg

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiền tràn ngập lưu thông, thì lạm phát cao dai dẳng là thực tế rất rõ. Phương án cân bằng ngân sách, giảm thâm hụt khủng, cắt giảm chi tiêu, cả công và tư… là những giải pháp vô vàng khó khăn với nền kinh tế và văn hóa tiêu dùng ở Mỹ. Bởi vậy, lãi suất vẫn tiếp tục căng thẳng là chắc chắc. Điều này dẫn đến nguy cơ tiếp tục nuôi dưỡng rủi ro bất ổn đến hệ thống tài chính ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới